Đánh giá kỹ tác động về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia và Sàn giao dịch dữ liệu
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, việc xây dựng, vận hành, khai thác, sử dụng Quỹ Phát triển dữ liệu quốc gia và Sàn giao dịch dữ liệu cần hết sức cân nhắc, nghiên cứu thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng để quy định cho phù hợp...
Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp 38, chiều 14/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu.
Cần được khai thác, quản lý và bảo vệ theo những cơ chế đặc thù
Cho ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, cung cấp thêm kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là những nước có thể chế chính trị, kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam, làm cơ sở nghiên cứu, áp dụng trong quá trình xây dựng dự án luật này.
Ngoài ra, dự thảo luật quy định có 2 vấn đề mới, đó là Quỹ Phát triển dữ liệu quốc gia tại Điều 20 và Sàn giao dịch dữ liệu tại Điều 53. Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trong một chừng mực phạm vi, lĩnh vực nhất định, đặc biệt là liên quan đến dữ liệu do các cơ quan nhà nước tạo lập bằng ngân sách nhà nước trong những lĩnh vực như tài nguyên thì dữ liệu cần được xem là tài nguyên quan trọng quốc gia, cần được khai thác, quản lý và bảo vệ theo những cơ chế đặc thù.
Do đó, việc xây dựng, vận hành, khai thác, sử dụng Quỹ Phát triển dữ liệu quốc gia và Sàn giao dịch dữ liệu cần hết sức cân nhắc, nghiên cứu thận trọng, đánh giá tác động kỹ lưỡng để quy định cho phù hợp.
Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo luật quy định nội dung chi của Quỹ Phát triển dữ liệu quốc gia còn trùng lặp với nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước. Về nguyên tắc, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách thì nhiệm vụ chi không được trùng lặp với nhiệm vụ chi từ ngân sách. Chẳng hạn, chi hỗ trợ đào tạo nhân lực làm công tác xử lý, quản trị dữ liệu tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia hoàn toàn thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách. Nếu quỹ cũng chi cho hoạt động này thì bị trùng lặp, không phù hợp.
Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Lương Tam Quang cho biết, dự án gồm 7 chương, 67 điều. Về phạm vi điều chỉnh, luật này quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu.
Bên cạnh đó là cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.
Đáng chú ý, luật quy định quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở trung ương để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ việc xây dựng, phát triển, khai thác, ứng dụng, quản trị dữ liệu quốc gia.
Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia được hình thành từ các nguồn tài chính hỗ trợ, viện trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước, ngoài nước. Từ các nguồn khác theo quy định pháp luật.
Quỹ được ưu tiên chi cho hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghệ bán dẫn, chuỗi khối và các công nghệ cao khác trong xử lý dữ liệu; hỗ trợ đào tạo nhân lực làm công tác xử lý, quản trị dữ liệu tại trung tâm dữ liệu quốc gia.
Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nói ủy ban cơ bản nhất trí quy định về quỹ phát triển dữ liệu quốc gia là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở trung ương để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ việc xây dựng, phát triển dữ liệu quốc gia.
Có ý kiến cho rằng cần làm rõ hơn cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để xây dựng quỹ này; làm rõ về các nguồn tài chính hình thành quỹ; hoạt động được chi từ quỹ bảo đảm rõ ràng, minh bạch.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, rà soát các hoạt động được ưu tiên chi từ quỹ để tránh trùng với các hoạt động được ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển phục vụ công nghệ số quy định tại Luật Công nghiệp công nghệ số và các quy định của pháp luật có liên quan.