Giáo dục

Những con đường vòng để học sinh quay lại trường công ở TP Thanh Hóa

Thanh Phương 14/10/2024 - 13:54

Áp lực tuyển sinh vào lớp 10 các trường công lập ở trung tâm TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) ngày một cao. Ước tính gần 60% học sinh trên địa bàn không có cơ hội vào học lớp 10 công lập. Những bậc phụ huynh biết lo xa đã tính tới con đường vòng, thi đầu vào ở tuyến huyện, thị sau đó làm bước chuyển trường. Việc chuyển này phải vận hành đủ các thể loại và rất nhiêu khê.

Năm học 2023 - 2024, TP Thanh Hóa có trên 5.800 học sinh lớp 9. Trong số này, có trên 3.100 em đăng ký thi vào các trường Trung học phổ thông (THPT) công lập trên địa bàn; gần 1.600 em đăng ký thi ở các huyện, thị xã, thành phố khác; số còn lại đăng ký vào các trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên.

thi10.jpg
Áp lực thi vào lớp 10 công lập ngày một lớn

Chỉ tiêu tuyển sinh của các trường công lập tại TP Thanh Hóa năm nay là 2.288 học sinh. Như vậy chỉ có khoảng 42,7% học sinh lớp 9 của địa phương này có cơ hội theo học tại các trường THPT công lập.

Theo thống kê, hiện TP Thanh Hóa có 5 trường THPT công lập. Năm học 2022 - 2023, điểm đầu vào của một số trường trên địa bàn lên đến gần 40 điểm. Số điểm này cao gần gấp rưỡi so với mặt bằng chung ở nhiều huyện, thị xã đồng bằng, ven biển; và cao gấp khoảng 6 hoặc 7 lần so với các trường THPT khu vực miền núi Thanh Hóa như Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Mường Lát…

phuhuynh.jpg
Kỳ vọng của phụ huynh vào con em mình ngày một nhiều

Nhìn rộng ra toàn tỉnh Thanh Hóa, năm học 2024-2025, toàn tỉnh sẽ tuyển sinh 39.924 học sinh (917 lớp) vào lớp 10. Thanh Hóa có 104 trường THPT, trong đó có 89 trường công lập, 15 trường tư thục; 25 trung tâm giáo dục thường xuyên.

Xu thế chung, mọi tinh hoa, dân số đều đổ dồn về trung tâm các thành phố. Với hơn 3,64 triệu người, Thanh Hóa đứng thứ 3 về quy mô dân số sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Những năm qua, TP Thanh Hóa liên tục mở rộng địa giới hành chính và tiếp tục sáp nhập huyện Đông Sơn thời gian tới. Hiện có hơn 500 nghìn người nên nhu cầu về nhà ở, trường học ngày một cao.

danhsah.jpg
Cần suy nghĩ kỹ càng để có lựa chọn phù hợp

Những khu đô thị lớn, các tòa nhà chung cư mọc lên san sát với giá ưu đãi giải được một phần bài toán an cư cho người dân có nhu cầu. Dân số tăng nhanh nhưng trường học vẫn y nguyên mà nhu cầu ai cũng muốn con em mình học trường công có chất lượng, uy tín. Số lượng chỉ có hạn nên phải cân nhắc kỹ lưỡng.

Khi người ta muốn thì tìm đủ cách. Thay vì đánh giá một cách khách quan theo trình độ, năng lực và nguyện vọng của con em mình để chọn hương đi cho phù hợp. Người lớn thường nghĩ theo cách oai, oách, kỳ vọng quá lớn vào thế hệ F1. Dẫn tới những cú bẻ lái khiến con trẻ phải gồng mình chạy theo.

Đường vòng mà người ta hay lựa chọn nhất chính là chọn thời điểm thích hợp để gửi con về các tuyến huyện, thị đăng ký thi công lập tại đây. Điều này chỉ bất tiện một thời gian đầu nếu như trúng tuyển. Sau đó, thì “vận hành” để các con chuyển về trung tâm TP Thanh Hóa. Những năm qua, không ít các em đã được “đoàn tụ” với gia đình bằng cách đi vòng này.

Năm 2024- 2025, có tới gần 1.600 học sinh tại TP Thanh Hóa được cha mẹ chọn cho thi tại các địa phương khác. Khả năng bước chân vào trường công lập sẽ cao hơn khi tỷ lệ chọi, mức điểm cũng không quá cao như ở trung tâm đô thị.

Trao đổi với PV, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa Trần Văn Thức cho biết: Xu hướng học sinh ở TP Thanh Hóa chuyển về các huyện thị thi tuyển vào lớp 10 công lập là có và ngày một tăng. Điều này là do TP Thanh Hóa mở rộng địa giới hành chính. Phụ huynh và học sinh thấy trường THPT nào gần nhà, phù hợp thì chọn thi, học. Không có quy định nào cấm việc này.

Để giảm thiểu tiêu cực, năm nay, Sở yêu cầu việc học sinh đăng ký nguyện vọng thi phải trên cùng một địa bàn. Bên cạnh đó là ràng buộc các quy định về việc chuyển trường. Thẩm quyền chuyển, nhận học sinh THPT là của 2 hiệu trưởng đi và đến. Nhưng Sở yêu cầu phải báo cáo cụ thể từng trường hợp chứ không thể tự động. Chỉ có chuyển công lập qua công lập, công lập qua tư thục chứ không được phép tư thục vào công lập.

Ngoài ra, sĩ số học sinh phải đảm bảo không được vượt ngưỡng quy định. Bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo đang quy định là 45 học sinh/lớp. Thanh Hóa chỉ là 44 học sinh/lớp. Với số lượng chỉ tiêu giao tuyển sinh của từng trường từ cao xuống thấp, theo số lớp học đủ thì dừng. Việc vượt quá số lượng thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở.

Dư luận cho rằng vẫn còn nhiều kẽ hở và dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình xin chuyển trường trong hệ thống công lập? Ông Thức thẳng thắn: “Có một số trường hợp bố hoặc mẹ chuyển công tác tới trung tâm TP Thanh Hóa làm việc thì phải linh động. Vấn đề là có minh bạch hay không. Mỗi một hiệu trưởng không chỉ quản lý một ngôi trường mà còn phải tuân thủ các quy định, pháp luật của Nhà nước. Khi có dấu hiệu vi phạm thì cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, xử lý. Không chỉ là hành chính mà đến mức phải xem xét hình sự thì cũng phải chịu.”

Kỳ vọng vào con em mình thì bậc cha mẹ nào chẳng có. Điều quan trọng là tỉnh táo để đánh giá năng lực, trình độ và lắng nghe nguyện vọng của các em. Đừng quá cố chấp mà ép các con theo ý người lớn để đến khi “quá tải” thì hối không kịp.

Trong thời đại cạnh tranh, các trường tư thục ngày một nâng cao chất lượng, cơ sở vật chất để đáp ứng tốt hơn nhu cầu. Và cả các trường nghề cũng là một lựa chọn tốt cho những ai có nhu cầu lập nghiệp sớm. “Của lề lề không bằng nghề cầm tay”.

Thanh Phương