Vấn đề quan tâm

Tài sản số và khung pháp lý "mong manh"

Trang Nhi 14/10/2024 - 10:26

Cần từng bước xây dựng khung khổ pháp lý cho tài sản số để bảo vệ quyền và lợi ích của những người tham gia trong lĩnh công nghệ số.

Khuôn khổ pháp lý "mong manh"

Thực tế, tài sản số không chỉ là những con số mang tính chất quy mô về dòng tiền dịch chuyển về Việt Nam, mà còn có quy mô cạnh tranh khu vực. Rất nhiều quốc gia trong khu vực ban hành luật lệ, chính sách để thúc đẩy tạo ra hành lang pháp lý cho những dòng tài sản này đóng góp vào nền kinh tế mang giá trị tích cực chứ không thể có cách nhìn tiêu cực là ảnh hưởng tới ổn định kinh tế từng quốc gia nói riêng.

tai-san-so-1.jpg
Mặc dù tài sản số hay tiền ảo trên thực tiễn đã rất phát triển nhưng chưa có một khung khổ pháp lý cho loại tài sản này.

Theo báo cáo của tổ chức Chainalysis chuyên về phân tích thị trường, năm 2022, dòng tài sản số hay tài sản mã hóa vào thị trường Việt Nam khoảng 100 tỷ USD. Con số này tăng trưởng đến năm 2023 là 120 tỷ USD. Năm 2021-2022, Việt Nam luôn nằm trong top 3 trên toàn cầu về người dân sở hữu tài sản số (21% dân số Việt Nam sở hữu) chỉ sau UAE và Hoa Kỳ. Năm 2023 Việt Nam tụt 5 hạng, đứng thứ 7. Thái Lan và Singapore đã vươn lên đứng thứ 5 và 3.

Rất nhiều quốc gia trong khu vực ban hành luật lệ, chính sách để thúc đẩy tạo ra hành lang pháp lý cho những dòng tài sản này đóng góp vào nền kinh tế mang giá trị tích cực chứ không thể có cách nhìn tiêu cực là ảnh hưởng tới ổn định kinh tế từng quốc gia nói riêng.

Ông Trương Bá Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) phân tích: Trong thời gian qua, với sự phát triển của công nghệ, tài sản số cũng phát triển rất mạnh trên thế giới. Chúng ta không có khung pháp lý liên quan đến tài sản số nhưng các giao dịch về tài sản số vẫn diễn ra thông qua sàn giao dịch nước ngoài và cá nhân.

Vì vậy, chúng ta cần thiết phải có khung pháp lý liên quan đến tài sản số. Trong đó, phải xác định và làm rõ được định nghĩa tài sản số là gì cũng như vị trí pháp lý của tài sản số. Nếu thừa nhận và quản lý tài sản số như tài sản thì đòi hỏi không chỉ sự tham gia của Bộ Tài chính mà của rất nhiều bộ, ngành có liên quan.

Ông Trần Huyền Dinh, CEO Công ty AlphaTrue cho rằng: "Hiện nay, hành lang pháp lý về tài sản số chưa được hoàn thiện, cho nên dẫn đến tình trạng thiếu rõ ràng trong việc xác lập quyền sở hữu và trách nhiệm thuế của DN.

Việc DN muốn các địa bàn lân cận như Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) tạo ra thách thức cho DN trong việc tuân thủ pháp luật mà còn gây khó khăn trong việc thu hút vốn, đặc biệt vốn đầu tư nước ngoài".

Có ý kiến cho rằng, tài sản số không gắn với điều 105 của Bộ luật Dân sự quy định về Tài sản, thì sẽ không đảm bảo được tính đồng bộ và không áp dụng được các chế tài khác.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh bày tỏ đồng tình đưa khái niệm tài sản số trong dự luật. Tuy nhiên bà cho rằng phải nghiên cứu để đồng bộ với Bộ luật Dân sự.

Theo bà Thanh, trong Bộ luật Dân sự chỉ quy định tài sản là vật, là tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, nhưng tài sản số chưa được phân loại thuộc những tài sản quy định ở đây.

Do đó, dự thảo luật quy định tài sản số được pháp luật bảo hộ là quyền tài sản cần phải nghiên cứu để phù hợp với các luật khác trong hệ thống pháp luật.

Bà cũng đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để quy định phù hợp với trí tuệ nhân tạo (AI). Bởi đây là lĩnh vực mới, đặt ra nhiều thách thức về quản lý.

tai-san-so-3.png
Tăng trưởng tài sản số toàn cầu đến năm 2030

Cần xây dựng pháp luật chính sách đồng bộ

Tài sản số đã có ở Việt Nam và sắp tới cũng trở thành xu hướng trong phát triển kinh tế. Chính phủ dự kiến đưa vào khung pháp lý và lần đầu tiên tài sản số được lấy ý kiến tại dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số.

Tại dự thảo Luật, tài sản số đã được đưa vào nội dung chính của Luật. Theo đó, tài sản số được hiểu là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối, mà con người có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan. Quản lý tài sản số yêu cầu sự kết hợp giữa công nghệ và quy trình quản lý, đảm bảo tính toàn vẹn, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Đây là một nội dung mới và rất quan trọng, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới trong thời đại số hóa.

Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, đây là lần đầu tiên đưa ra khái niệm về tài sản số. Mặc dù tài sản số hay tiền ảo trên thực tiễn đã rất phát triển nhưng về mặt pháp lý dường như chúng ta chưa theo kịp, chưa có một khung khổ pháp lý cho loại tài sản này.

Chúng ta không có khung pháp lý liên quan đến tài sản số nhưng các giao dịch về tài sản số vẫn diễn ra thông qua sàn giao dịch nước ngoài và cá nhân.

Do đó, khi có khung khổ chính thức, hoạt động đầu tư kinh doanh theo lĩnh vực này mới có thể hình thành và phát triển. Khi đó công nghiệp công nghệ số dần được hình thành, phát triển mạnh mẽ, quyền và lợi ích của những người tham gia trong lĩnh vực này được bảo vệ. Đã có rất nhiều giao dịch liên quan tới tài sản số, nếu chúng ta chưa có khung khổ pháp lý thì giao dịch này trở nên rủi ro, mỏng manh, những người liên quan không được bảo vệ.

tai-san-so-2.jpg
Ảnh minh họa

Các vấn đề cần chú trọng về mặt chế định đối với tài sản số là thuế và bảo vệ quyền sở hữu, trách nhiệm của các chủ thể trong việc lưu trữ thông tin, quản lý thông tin về tài sản, đảm bảo an toàn thông tin mạng. “Lưu trữ trên không gian mạng, nếu có sự cố thì quyền lợi của người sở hữu ra sao? Như vậy phải có cơ chế để vẫn có thể khôi phục được, tránh tình trạng một số sàn giao dịch huy động tiền của nhà đầu tư rồi sập, khiến nhà đầu tư mất trắng như thời gian vừa qua. Chúng ta phải có quy định liên quan đến trách nhiệm, nghĩa vụ trong lĩnh vực này”, ông Đậu Tuấn Anh nhấn mạnh.

Đối với dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số và các luật liên quan đến tài sản số sắp tới, đại diện AlphaTrue kỳ vọng các quy định này sẽ mang lại sự minh bạch, cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong lĩnh vực này, đồng thời hạn chế sự chảy máu chất xám, cũng như thu hút nhiều dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam. DN mong muốn thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình Sandbox cho các DN thử nghiệm cũng như ứng dụng công nghệ mới, có sự kiểm soát nhất định.

"Với sự hỗ trợ này, chúng tôi tin tưởng rằng khi các quy định về tài sản số được luật hóa cụ thể, minh bạch hơn thì DN sẽ có thêm động lực, niềm tin để tiếp tục đầu tư, phát triển, góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp số tại Việt Nam", ông Trần Huyềnh Dinh bày tỏ.

Trang Nhi