Doanh nghiệp - Doanh nhân

Doanh nghiệp và doanh nhân đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước

Dương Dũng 13/10/2024 - 07:50

Gần 40 năm sau công cuộc đổi mới, đất nước ta đang ở một vị thế chưa từng có, với cơ đồ, tiềm lực và uy tín quốc tế được nâng cao rõ rệt. Nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, PV Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn với Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng về sự đóng góp của doanh nghiệp và doanh nhân trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

PV: Ông có thể chia sẻ một số đóng góp nổi bật của doanh nghiệp và doanh nhân đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong suốt 40 năm qua sau công cuộc đổi mới?

Ông Hoàng Quang Phòng: Thực tiễn công cuộc đổi mới trong gần 40 năm đã giúp nước ta đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế xã hội.

Cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như hiện nay". Có được thành tựu này là nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Thực tế đã minh chứng, Việt Nam từ một nền kinh tế lạc hậu đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, là mắt xích quan trọng trong 16 hiệp định thương mại tự do gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu.

vna-potal-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-gap-mat-cac-doanh-nhan-tieu-bieu-stand-2.jpg
Chiều 11/10, tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp mặt Đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024). Ảnh:TTXVN.

Quy mô nền kinh tế Việt Nam từ 26,3 tỷ USD trong những năm đầu đổi mới tăng lên hơn 430 tỷ USD vào năm 2023. Việt Nam được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế xem như một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Chúng ta vui mừng chứng kiến sau gần 40 năm đổi mới, đội ngũ doanh nhân, DN đã có sự lớn mạnh vượt bậc với gần 1 triệu DN thuộc mọi thành phần kinh tế, cùng với trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, gần 30 nghìn hợp tác xã (HTX).

Chính sự lớn mạnh cùng nỗ lực chung của cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân trong thời gian qua đã góp phần tạo ra tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu thế giới và liên tục nhiều năm của VN.

Khu vực DN đã đóng góp khoảng 60% GDP, tạo ra khoảng 30% việc làm cho xã hội,… Hơn nữa, đội ngũ doanh nhân không chỉ làm nhiệm vụ phát triển kinh tế mà còn có đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PV: Mặc dù nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Đảng và Chính phủ, doanh nghiệp và doanh nhân vẫn phải đối mặt với không ít thách thức, đặc biệt là từ sau đại dịch Covid-19. Ông có thể chia sẻ về một số thách thức cơ bản mà họ đang gặp phải hiện nay không?

Ông Hoàng Quang Phòng: Cộng đồng DN hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh thế giới đầy biến động, thách thức. Hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm; lạm phát đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao. Sức mua của thị trường đặc biệt là thị trường xuất khẩu suy yếu, doanh thu sụt giảm, đơn hàng có dấu hiệu phục hồi nhưng còn chậm.

Mặc dù vậy, số DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 8 tháng đầu năm 2024 là 168.076 DN, bình quân một tháng có thêm 21.000 DN. Nhưng các DN Việt Nam vẫn chủ yếu là DN có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (chiếm đến 98%) và chỉ có khoảng 2% các DN lớn.

dnsx-17013216007101003270156.jpg
Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có sự cải thiện liên tục trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, các DN còn đang gặp nhiều khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC), chất lượng cơ sở hạ tầng và vẫn còn những rào cản trong thực hiện chính sách pháp luật, cũng như thiệt hại do thiên tai, biến đổi khí hậu…

Riêng chính sách, pháp luật về kinh doanh của nước ta vẫn tồn tại nhiều điểm vướng mắc, bất cập cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. TTHC vẫn còn phức tạp, tình trạng phân cấp thẩm quyền giải quyết TTHC chưa được thực hiện triệt để trình tự thủ tục để thực hiện một dự án đầu tư còn dài. Những bất cập này làm giảm cơ hội đầu tư cũng như giảm sự hấp dẫn của môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Đáng quan tâm hiện nay là tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều vấn đề tạo khó khăn, thách thức cho sự phát triển của các DN trong những tháng cuối năm 2024 và kéo dài sang năm 2025.

Những mối lo tiềm ẩn là khu vực nông nghiệp, dịch vụ, du lịch đối mặt với chi phí sản xuất tăng cao; tình hình bão lũ, mưa lớn phức tạp, kéo dài, nhất là ở khu vực phía Bắc đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Riêng cơn bão Yagi đã tác động nghiêm trọng đến toàn bộ người dân và doanh nghiệp các tỉnh phía Bắc, ước tính gây thiệt hại khoảng 81.500 tỷ đồng, có thể làm giảm GDP cả nước năm 2024 đến 0,15%-0,2% so với kịch bản đã đề ra.

PV: Để giúp cộng đồng doanh nghiệp vượt qua những khó khăn và thách thức, đồng thời khơi dậy tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ, đạt được những mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 41-NQ/TW, theo ông Nhà nước cần thực hiện những giải pháp nào?

- Ông Hoàng Quang Phòng: Để góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, đóng góp vào việc thực hiện mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045, VCCI đã có một số kiến nghị với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

5-1.jpg
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng.

Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật để thúc đẩy sự phát triển của DN. VCCI nhận thấy đây đang là công việc ưu tiên, trọng tâm của Chính phủ trong thời gian vừa qua và cả thời gian tới, thực hiện yêu cầu cải cách thể chế là đột phá chiến lược được đặt ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, thời gian tới VCCI mong rằng sẽ được tiến hành mạnh mẽ hơn nữa.

Thứ hai, trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách cần luôn lấy người dân và DN làm trung tâm. Chính sách phải vì lợi ích của DN, người dân. Việc tham vấn ý kiến DN và người dân sẽ thực hiện tại mọi khâu, mọi giai đoạn trong quá trình xây dựng chính sách và pháp luật.

Thứ ba, cách tiếp cận chính sách sẽ từ tháo gỡ khó khăn sang chủ động tạo thuận lợi cho hoạt động của DN.

Thứ tư, có giải pháp bảo vệ và nuôi dưỡng các DN làm ăn chân chính. Thực hiện tốt chủ trương không hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế. Xây dựng Việt Nam là một điểm đến an toàn, tin cậy cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

PV: Ngoài các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ông nghĩ rằng doanh nghiệp nên chủ động thực hiện những biện pháp nào để thích ứng với sự thay đổi của thị trường?

DN cần chủ động xây dựng và hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh phức hợp. DN cần quan tâm đến công cụ quản lý hiện đại, chuyển đổi số, liên kết phát triển, nâng cao sức cạnh tranh và chủ động hội nhập.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới nhấn mạnh quan điểm đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, do đó cần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nhân phát triển và cống hiến... VCCI cũng đã ban hành Chương trình số 08-Ctr/ĐĐ để triển khai thực hiện Nghị quyết một cách hiệu quả nhất.

Dương Dũng