Văn hóa - Du lịch

Người "giữ kho bạc trắng" giữa rừng sâu

Nguyễn Liên- Trung Nguyên 12/10/2024 - 08:23

Trong tiết trời thu trong veo, giữa khoảng rừng xanh thắm núi rừng ở Hoài Khao, chúng tôi tìm thấy được người giữ lửa cho kho bạc trắng đồng bào dân tộc Dao Tiền.

Xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) là bản làng có nhiều người Dao sinh sống, thế nhưng cộng đồng người Dao Tiền còn duy nhất ông Lý Phú Cát, gần 60 tuổi, vẫn duy trì nghề truyền thống của cha ông để lại.

Chúng tôi phải đi đoạn đường khá xa, cung đường di chuyển ngoằn ngoèo giữa núi rừng, thỉnh thoảng phải hỏi người đi đường, lũ trẻ chăn trâu mới leo được đến nhà ông Cát.

Trò chuyện về nghề chạm bạc, ông chia sẻ: “Từ nhỏ tôi theo bố đi xem chạm bạc, rồi dần dần thấy thích, rồi học việc. Nghề nào cũng thế, trăm hay không bằng tay quen, phải chạm vào dụng cụ, làm nhiều lần, nhiều loại mới nâng được tay nghề”.

nghe-cham-bac-cua-nguoi-dao-tien.jpg
Theo quan niệm của người Dao, bạc mang giá trị nhân văn, tín ngưỡng, người đeo bạc sẽ trừ được tà ma, tránh gió và được thần linh phù hộ.

Ông Cát nói, nghề này đòi hỏi tỉ mẩn, làm cẩn thận từng mili. Ở vùng núi phía Bắc, bạc được coi là một món đồ thiết yếu trong mỗi gia đình người Dao, và nghề chạm bạc là một nghề truyền thống, cha truyền con nối từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Đối với người Dao, thước đo một gia đình hay một người giàu có trong cộng đồng không phải người nhiều vàng, nhiều núi đồi, ruộng đất, nhiều trâu bò mà là những gia đình có nhiều bạc, đặc biệt là bạc trắng.

01.jpg
Nghề chạm bạc đòi hỏi nhiều đồ nghề, đôi bàn tay tỉ mỉ, cần mẫn.

Theo phong tục của dân tộc Dao, các gia đình thường cất giữ bạc để dùng vào các công việc hệ trọng như: khi có người mất phải có một đồng bạc để người đó ngậm vì như vậy mới về được với với tổ tiên, nói những lời hay và phù hộ cho con cháu điều may mắn tốt đẹp; hoặc khi cưới vợ, gả chồng cho con cái, bạc được lấy làm của hồi môn, quà tặng….

Gia đình nào giàu, có nhiều con trai thì số bạc có thể đến hàng chục bộ, mỗi bộ bao gồm: 6 vòng cổ, 2 vòng tay, vòng tai, hàng cúc bạc, dây xà tích được chạm khắc rồng phượng, chim muông, hoa lá tinh xảo, cầu kỳ. Người Dao Tiền rất coi trọng trang sức bằng bạc, đặc biệt trong trang phục của phụ nữ. Mỗi gia đình người Dao đều có vài ba bộ trang sức bằng bạc.

Ông Cát trăn trở, "Tôi cũng muốn có người theo học nghề để phụ việc, mà sau này cũng không thất truyền, nhưng người trẻ giờ không ai thích làm nữa, vì nghề này khó lắm, lại không mang thu nhập. Thanh niên bây giờ đi thành phố, với công ty hết rồi".

Đồ nghề của ông được xếp rất cẩn thận, gọn gàng, chi tiết; những sản phẩm đang còn làm dở cho khách ông để một túi riêng. Ông Cát cũng cho biết, “ngoài sự tỉ mỉ chạm bạc thì một trong yếu tố bắt buộc nữa là trả hàng đúng hẹn”.

02.jpg
Đo kích thước trang sức bạc để có tỉ lệ chính xác nhất. Đồ nghề của người thợ chạm trang sức đa dạng, đủ loại kích thước và hình dáng, như dao, dùi chạm, búa,… Chỉ riêng dùi tạo hoa văn ước chừng cũng có 30-40 chiếc khác nhau, đủ thấy sự lành nghề và kỹ thuật của một người thợ giỏi.

Đồ nghề của ông rất phong phú, đủ các loại kích thước và hình dáng. Mỗi loại trang sức, mỗi công đoạn chế tác lại dùng một dụng cụ riêng, kĩ thuật riêng biệt. Nhìn những chiếc dùi nhỏ xíu được dựng ngay ngắn trong ống tre một cách cẩn thận được ông đem ra chạm những hoa văn trên đồng bạc một cách cẩn thận có thể hiểu công việc này không dành cho những người có tính nóng vội.

Sau khi sẵn sàng cho công việc, ông bắt đầu những thao tác để tạo nên hoa văn trên trang sức bạc, tất cả đều chậm rãi và chắc chắn. Những hoa văn nhỏ dần hiện lên đòi hỏi kinh nghiệm, sự tỉ mỉ, khéo léo của người thợ cho thấy nghề thủ công này đã tạo nên phong thái điềm đạm của ông.

Nghề chạm bạc của người Dao được coi là một nét đẹp truyền thống, chứa đựng tinh hoa văn hóa và bản sắc riêng của một cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

03.jpg
Nghệ nhân tỉ mỉ đục từng chi tiết hoa văn chạm bạc. Để có được thành phẩm cần rất nhiều công đoạn, thời gian và công sức. Từ chọn nguyên liệu thô, đem nung cho tới chạm thành sản phẩm theo yêu cầu, khó nhất là khâu chạm khắc tạo hoa văn.

Thế nhưng, trong xu thế phát triển hiện nay, rất nhiều mặt hàng gia công, sản xuất công nghiệp đang dần thay thế sản phẩm thủ công truyền thông. Hiện nay, trong làng ông Cát người trẻ không còn ai thích nghề bạc vì độ khó. Họ muốn làm nghề đơn giản hơn, chính vì vậy mà nghề chạm bạc thủ công của người Dao Tiền nơi đây bị mai một đi rất nhiều.

Mặc dù vậy, biết được giá trị của trang sức bạc truyền thống, nhiều người dân Dao Tiền vẫn đến để ông Cát chế tác những trang sức bằng bạc được dùng cho ngày lễ quan trọng, đặc biệt là lễ cưới. Người dân khắp nơi vẫn mang thỏi bạc thô đến để ông nung lên và chạm thành sản phẩm theo yêu cầu. Vì thế, sản phẩm thủ công của người Dao Tiền có nét đặc sắc riêng về hoa văn, hình khối, chất lượng sản phẩm khác biệt hẳn đồ có sẵn bày bán ngoài chợ.

Ông Cát nói: “Những đồ nghề này có từ rất lâu rồi, của các cụ truyền lại cho, cũng không nhớ có tất cả bao nhiêu cái nhưng phải đếm mới biết được, mỗi cái dùi nhỏ này lại có tác dụng riêng, phải được học từ nhỏ thì mới lành nghề được. Chỉ cần thiếu vài thứ đồ là không thể làm được”.

04.jpg
Trang sức bạc như vòng, vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, nhẫn đi cùng những bộ váy áo được mặc trong dịp trọng đại như lễ, Tết, giúp cô gái Dao Tiền khoe nét duyên dáng.
05.jpg
Người Dao Tiền dùng bạc trắng để trang trí trên trang phục truyền thống. Hai vạt áo trước ngực được ghép bởi hai nửa đồng tiền to bản. Trên những đồng tiền ấy người nghệ nhân in những hình con thú, cỏ cây, hoa lá…
06.jpg
Ngắm lại tác phẩm.

Ông Cát nổi tiếng trong làng vì có tay nghề tốt nhất, duy nhất thừa hưởng mấy đời gia đình ông, có nhiều gia đình, vòng bạc gia truyền đã quá cũ bị mờ chữ và hoa văn để ông sửa lại cho bóng đẹp và khắc lại chữ mới hơn. Người ta mang bạc đến để ông gia công thành sản phẩm theo yêu cầu như vòng cổ, chuông, đồng tiền đeo trước ngực, vòng tay hay chiếc nhẫn.

Bộ trang sức chạm bạc nữ Dao Tiền là điểm độc đáo, khác lạ phân biệt rõ nét giữa người Dao Tiền với các dân tộc khác.

Hơi ấm từ bếp lửa giữa núi rừng xanh thẳm, tiếng gõ chạm bạc đều đều, tiếng thổi lửa nung bạc của ông Cát hàng ngày vẫn vang lên giữa núi rừng Phia Oắc. Tình yêu nghề, khát khao lưu giữ nét tinh túy mà biết bao đời cha ông để lại vẫn được nhóm lên bằng khát vọng của người đàn ông một mình thổi lửa giữa núi rừng "giữ kho bạc trắng" của dân tộc Dao Tiền trước sự phát triển mạnh mẽ của thị trường.

Nguyễn Liên- Trung Nguyên