Phóng sự - Ghi chép

Bi kịch những con hổ nuôi nhốt ở xứ Thanh

Thanh Phương 11/10/2024 16:26

Những chú hổ con được du hành từ bên kia nước bạn Lào về đất Thanh Hóa ngót 20 năm. Từ thú vui nuôi chơi, làm cảnh, theo thời gian chúng lớn tướng và còn sinh con đẻ cái. Bi kịch bắt đầu với số phận những con hổ này và cả người nuôi lẫn cơ quan quản lý. Sống đã vật vờ, chết cũng không biết cách xử lý ra sao cho vừa “tấm áo” pháp lý.

Những con hổ sống dở

Tấn bi kịch được khởi đầu vào năm 2007, ông Nguyễn Mậu Chiến (ở xóm 27, xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân) lên xã Na Mèo (huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đi mua gỗ về làm nhà thì gặp một số người dân bắt được đàn hổ con từ bên Lào về nên mua lại mang về nhà nuôi.

honhot.jpg
Hổ nuôi nhốt tại Thanh Hóa

Ban đầu đàn hổ có 15 con, cân nặng khoảng 3 - 4 kg/con, từ năm 2008 đến năm 2012, có 4 con bị chết. Khi đàn hổ lớn lên, ông Chiến đã di chuyển trang trại ra cồn Tàu Voi.

Thời điểm này chưa có hướng dẫn và tiếng gầm rú, phế thải của hổ đã làm ảnh hưởng tới người dân xung quanh. Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa “mạnh dạn” cấp giấy chứng nhận trại nuôi hổ với thời hạn 5 năm cho gia đình ông Chiến. Năm 2021, giấy phép này hết hạn, không ai đủ “can đảm” để ký tiếp hay thu hồi trang trại nuôi hổ này. Những con hổ bỗng chốc rơi vào trạng thái “vô phép”.

“Của đáng tội”, cơ quan chức năng cũng không đủ cơ sở tịch thu, tiêu hủy hay có thể chuyển giao vì gia đình đã chấp hành nghiêm theo quy định, không vi phạm pháp luật. Vậy là từ đó đến nay, gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến vẫn nuôi các cá thể hổ này.

Khi tình hình kinh tế của ông chủ có của ăn của để thì đàn hổ cứ thong dong mà ăn uống no say, đủ các loại “sơn hào hải vị” tươi ngon. Con nào con nấy béo trùng trục. Nhưng nguồn thu của ông chủ ngày một eo hẹp, lượng thức ăn cung cấp cho hổ cũng chuyển từ tươi sang đồ đông lạnh.

Theo ông Trịnh Đình Bạch - người trực tiếp nuôi hổ, mỗi ngày, một con hổ ăn hết trung bình khoảng 300.000 - 350.000 đồng. Như vậy, trong 1 năm, để nuôi đàn hổ 10 con này, gia đình phải bỏ ra hàng tỉ đồng. Đấy là chưa kể chi phí cho nhân viên vệ sinh, chăm sóc, theo dõi sức khỏe, quản lý… Với những chiếc tàu há mồn như thế, đàn hổ quả là đống nợ.

Chết cũng dở!

Sinh tử là điều không thể tránh khỏi ngay cả với chúa sơn lâm. Trong thế giới của loài người, hổ chỉ là đồ mua vui bởi môi trường tự nhiên đã ngày càng bị thu hẹp. Chúng sống vật vờ và nếu chết thì quả là rất khó xử.

capdong.jpg
Cơ quan kiểm lâm phải đầu tư tủ bảo ôn, máy phát điện và cử người trông coi

Hổ là động vật thuộc nhóm 1, cấm mua bán dưới mọi hình thức. Để xử lý, buộc phải làm các thủ tục trình UBND cấp tỉnh xác lập quyền sở hữu toàn dân, sau đó mới có bước tiếp theo. Trường hợp chủ sở hữu không đồng ý thì coi như bế tắc.

Khi hổ còn sống, cơ quan kiểm lâm thường xuyên phải cử người xuống kiểm tra, giám sát, kiểm đếm số lượng hổ tại trại nuôi. Và khi cá thể hổ chết thì thật nhiêu khê. Tháng 12/2023, một cá thể hổ cái chết, theo quy định, gia đình ông Chiến không được phép sử dụng xác cá thể hổ này. Hạt Kiểm lâm huyện Thọ Xuân được giao bảo quản.

Đơn vị này phả đầu tư một tủ bảo ôn đủ lớn. Không chỉ vậy, xác cá thể hổ còn chiếm dụng 1 phòng riêng được trang bị máy phát điện để đảm bảo công tác bảo quản nguyên vẹn không bị hư hại khi mất điện. Tháng 9/2024, lại có thêm cá thể hổ chết và được đưa về tủ bảo ôn. Hạt kiểm lâm buộc phải cắt cử người trông coi để đảm bảo an toàn, tránh trộm cắp.

Để tìm lối thoát cho đàn hổ nuôi nhốt ở Thanh Hóa, nhiều cơ quan, ban ngành, chính quyền địa phương đã đau đầu đưa ra lời giải. Mọi hướng đi đều vòng quanh quay lại vạch xuất phát bởi không đủ điều kiện để tịch thu, tiêu hủy vì không có vi phạm nhưng cũng chưa đủ điều kiện để cấp phép thành lập cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.

Những con hổ nuôi nhốt chỉ còn trông chờ Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã, vườn thú hay đơn vị nghiên cứu khoa học tìm tới giải cứu. Cơ quan quản lý cũng đã có văn bản gửi tới các đơn vị nhưng không nhận được phản hồi. Ngay cả khi nếu có đơn vị tiếp nhận, việc giải quyết giá cả với chủ nuôi cũng không phải dễ.

Chính vì thế, những còn hổ nuôi nhốt tại xứ Thanh cứ vật vờ sống cho qua ngày. Và nếu có thể thì đừng nên chết. Bởi chết sẽ không được chôn hay “nấu cao” như ý tưởng của không ít người.

Theo tìm hiểu, năm 2007, gia đình Nguyễn Mậu Chiến mua 10 cá thể hổ. Ông Chiến sau đó đã bị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định xử phạt 30 triệu đồng vì nuôi nhốt 10 cá thể hổ trái phép và cho phép được tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng đàn hổ. Đến năm 2008, ông Chiến mua thêm 5 cá thể hổ khác và UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 30 triệu đồng vì nuôi 5 cá thể hổ trái phép.

Thanh Phương