Sức khỏe

Ghép tạng Việt Nam đạt bước tiến mới khi thành công ghép tim - gan đồng thời trên một bệnh nhân

Hà Kim 11/10/2024 - 10:24

Ca ghép đồng thời tim-gan lần đầu tiên được thực hiện thành công tại Việt Nam vào chiều ngày 9/10 vừa qua đã đánh dấu một bước tiến mới trong lĩnh vực ghép tạng.

Trong tình trạng bệnh nhân Đ.V.H (41 tuổi) – Nghệ An, nguy cấp, cơ tim giãn từ lâu, chức năng tim suy giảm theo thời gian kèm theo gan, thận và các tạng khác cùng suy giảm. Cách duy nhất có thể cứu sống người bệnh là thay thế đồng thời tim và gan. Bệnh nhân phải đặt ống nội khí quản cấp cứu, thiết lập tuần hoàn ngoài cơ thể. Tuy nhiên, các phương pháp này chỉ có thể kéo dài sự sống của anh H. theo ngày.

ghep-tim-gan-2.jpg
Ê kíp thực hiện ca ghép tạng

Thông tin với báo chí, Tiến sĩ Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho hay, người bệnh suy tim mất bù, đặc biệt suy gan phát triển cấp tính, thận theo đó cũng bị ảnh hưởng. "Sự sống của bệnh nhân được tính theo ngày, duy trì bằng máy tim phổi nhân tạo thay chức năng tim, lọc gan thay chức năng gan”.

Trong cuộc họp gấp của Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, nhiều ý kiến cho rằng không thể ghép do tình trạng người bệnh quá nặng, nhóm khác yêu cầu chỉ ghép tim hoặc gan chứ không thể ghép đồng thời. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cân nhắc các tình huống do tình trạng bệnh nhân suy đa tạng ở giai đoạn rất nặng, nguy cơ tử vong cao nếu không đuợc ghép.

Không ngừng hi vọng, quyết định ghép tạng đồng thời tim và gan cho bệnh nhân 41 tuổi này đã được bác sĩ đưa ra.

Cùng thời điểm, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhận được thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An có bệnh nhân chấn thương sọ não nặng và không còn kỳ vọng sống. Gia đình của bệnh nhân đã có nghĩa cử cao đẹp khi quyết định hiến tạng của người thân, với mong muốn được nối dài sự sống của anh trong những cuộc đời khác.

Ngay lập tức, ngày 1/10 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cử ê-kíp chuyên gia đến hỗ trợ Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An triển khai lấy đa tạng (gồm thận, gan, tim, giác mạc) từ bệnh nhân chết não và vận chuyển gan, tim hiến từ Nghệ An về ngay Hà Nội sau 3,5 tiếng để kịp thời ghép cho anh H.

Ca ghép đồng thời gan và tim được tiến hành suốt 8 tiếng đồng hồ vào chiều 1/10 với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhiều khoa phòng. Ca ghép đã thành công ngoài sức tưởng tượng. Trái tim đã đập trở lại trong cơ thể mới thay thế hoàn toàn cho trái tim hỏng của bệnh nhân. Lá gan cũng bắt đầu hoạt động, tiết mật giúp đưa các chỉ số đông máu, men gan và bilirubin của bệnh nhân H. dần trở về bình thường.

Chiều 5/10, bệnh nhân H. đã được rút ống nội khí quản, bắt đầu tự tập thở, các chức năng dần trở lại bình thường.

Tới ngày 9/10, bệnh nhân có thể nói chuyện, tiếp xúc, ăn uống trở lại, chức năng tim tốt lên hàng ngày; chức năng gan hồi phục gần trở về bình thường, mật được tiết ra với chất lượng tốt

Thành công của ca ghép thể hiện sự phối hợp của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức với vai trò là bệnh viện tuyến cuối đối với các bệnh viện vệ tinh trong chuyển giao kỹ thuật, phối hợp các công tác tổ chức giúp cho các bệnh viện dưới phát triển về lấy và ghép tạng, công tác tổ chức để lấy được tạng ghép.

Đồng thời, đánh dấu một bước tiến mới trong lĩnh vực ghép tạng của ngành y khoa Việt Nam. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, các bác sĩ triển khai thành công ca ghép tim - gan đồng thời trên một bệnh nhân đặc biệt ở giai đoạn nặng.

Việt Nam bắt đầu thực hiện kỹ thuật ghép tạng thành công từ năm 1992. Đến nay, cả nước có khoảng 25 trung tâm ghép tạng, 1/4 ca ghép tạng ở Việt Nam được thực hiện ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Mỗi năm cơ sở này ghép tới 300 ca. Tính đến đầu năm 2024, các bệnh viện cả nước đã thực hiện hơn 8.000 ca ghép tạng.

Từ năm 2010 đến 2022, mỗi năm có từ 10-11 ca chết não hiến tạng tại nước ta. Năm 2023 có 16 ca; 6 tháng đầu năm 2024 (tính tới đầu tháng 6) có 10 ca. Dù số ca chết não hiến tạng tăng lên nhưng tình trạng thiếu tạng ở Việt Nam đang ở mức rất trầm trọng. Ước tính, mỗi ngày có 36 người Việt qua đời vì không có tạng để ghép.

Hà Kim