Phóng sự - Ghi chép

Phố "cổng làng"

Dương Dũng 11/10/2024 - 09:46

Giữa dòng chảy náo nhiệt của Hà Nội, một ngày lang thang bất chợt có thể khiến bạn ngỡ ngàng khi dừng chân trên phố Thụy Khuê. Nơi đây, giữa những tòa nhà cao tầng hiện đại vươn mình lên bầu trời, vẫn lặng lẽ ẩn hiện những cổng làng cổ kính, phủ đầy rêu phong.

Phố có nhiều cổng làng cổ

Cổng làng được xem như một biểu tượng đặc trưng, đánh dấu ranh giới không gian sống và góp phần tạo nên bản sắc độc đáo của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Tại Hà Nội, những cổng làng không chỉ là dấu ấn còn sót lại từ quá khứ mà còn trở thành điểm nhấn kiến trúc của đô thị cổ kính này.

Chúng thể hiện vẻ đẹp đa dạng, phong phú của thành phố, đồng thời phản ánh chiều sâu văn hóa, nơi mà mỗi cổng làng đều kể lại một câu chuyện về lịch sử và truyền thống qua bao thời đại.

Trong cuốn sách "Cổng làng Hà Nội xưa và nay" của tác giả Vũ Kiêm Ninh, tác giả đã thu thập và thống kê số lượng cổng làng tại 12 quận, huyện của Hà Nội, bao gồm: Hoàn Kiếm (2 cổng), Ba Đình (4 cổng), Cầu Giấy (9 cổng), Đống Đa (1 cổng), Hoàng Mai (7 cổng), Long Biên (6 cổng), Tây Hồ (10 cổng), Thanh Xuân (2 cổng), Đông Anh (22 cổng), Thanh Trì (17 cổng), và Từ Liêm (18 cổng). Tuy nhiên, đây là số liệu từ hơn một thập kỷ trước. Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu và những người yêu Hà Nội, số lượng thực tế còn nhiều hơn thế.

Trong một thống kê khác, tính đến cuối năm 2013, không bao gồm các cổng làng thuộc vùng Hà Tây (cũ) sau khi sáp nhập vào Hà Nội, thì thủ đô chỉ còn lại 98 cổng làng. Đáng chú ý, trong khu vực nội thành, phố Thụy Khuê được xem là nơi có nhiều cổng làng nhất. Chỉ riêng một đoạn phố ngắn, chưa đầy 1 km đã có hơn 10 cổng làng hiện diện.

img_5717.jpg
Cổng Giếng, cổng chính làng Yên Thái tại số 562, Thuỵ Khuê có kết cấu như một gian nhà lớn. Làng Yên Thái vốn nổi tiếng với nghề làm giấy dó. Cổng được treo 4 chữ vàng "Mỹ Tục Khả Phong" do triều đình Tự Đức (1867) ban.

Dọc phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ, TP Hà Nội), cứ cách vài chục mét, đan xen giữa những căn nhà hiện đại là những cổng làng cổ kính, rêu phong mang đậm hồn quê, văn hóa Việt.

Những cánh cổng ấy, vừa quen vừa lạ, dường như gói trọn hồn cốt của thời gian. Trên từng chi tiết chạm khắc đã phai mờ theo năm tháng, nét văn hóa xưa vẫn còn lưu lại, tạo nên một sự hòa quyện tuyệt đẹp giữa quá khứ và hiện tại.

img_5718.jpg
Cổng Giếng nhìn từ bên trong. Bước chân vào khu vực làng Yên Thái xưa, không biết có bao nhiêu cổng làng san sát, nối tiếp nhau. Điều này đã tạo nên nét đặc trưng riêng cho Thụy Khuê mà không có con phố nào ở Hà Nội có được. Bên trong làng Yên Thái là con đường lát gạch nghiêng dài gần 300 mét. Theo người dân ở đây, tuy đã qua nhiều lần phải đào xới phục vụ cho việc cải tạo lại hệ thống điện, nước nhưng dân làng vẫn bảo vệ được nguyên trạng con đường đã hơn trăm tuổi này.

Bước qua những cánh cổng ấy, bạn như lạc vào một thế giới khác, nơi những giá trị cổ truyền vẫn âm thầm hiện hữu. Những bức tường loang lổ dấu vết của thời gian, gợi nhắc về những câu chuyện xưa cũ, về một Hà Nội thanh bình của ngày trước.

Mỗi viên gạch, mỗi đường nét chạm trổ đều như mang theo tiếng vọng của quá khứ, hòa quyện cùng nhịp sống hiện đại bên ngoài, tạo nên một khung cảnh vừa trầm mặc, vừa sống động, khiến ai đi ngang qua cũng khó lòng rời mắt.

img_5715.jpg
Những dấu vết thời gian đan xen giữa cuộc sống hiện đại.

Thụy Khuê, nơi sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại hiện lên rõ nét, mang đến cho những ai dừng chân tại đây một cảm giác bâng khuâng, vừa như tìm lại được chút gì đó thân thuộc, vừa ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của sự hòa hợp kỳ diệu này.

Những cổng làng trên phố Thụy Khuê mang một nét "lạ" riêng biệt, khó có thể tìm thấy sự đồng điệu giữa chúng. Mỗi cổng, dù khác nhau từ kích thước đến kiến trúc, đều giữ lại một dáng vẻ độc đáo, không thể lẫn vào đâu được. Trải qua hàng thế kỷ, có những cổng đã được tu sửa, trùng tu, nhưng cũng không ít những cánh cổng vẫn vẹn nguyên sự cổ kính, phủ đầy rêu phong và phai nhạt màu sắc dưới dòng chảy khắc nghiệt của thời gian.

Đi từ phía Tây ngược về Đông trên con đường Thụy Khuê, bạn sẽ bị cuốn hút bởi những cổng làng đầu tiên xuất hiện đều đặn bên tay trái. Tất cả đều nằm trên dãy nhà số chẵn, bởi con đường này giáp với bờ Nam Hồ Tây, nơi xưa kia từng là các làng nghề truyền thống. Mỗi cổng làng, với đôi câu đối chữ Nho khắc hai bên, những gốc cây cổ thụ như muỗm, bồ đề, cùng với mái đình và sân chơi, vẫn in đậm dấu ấn của một thời xưa cũ.

img_5709.jpg
Cổng đình An Thọ bề thế, mang đậm nét rêu phong, cổ kính.
img_5711.jpg
Cuộc sống xô bồ phía ngoài cánh cổng làng.

Cư dân nơi đây, từ xa xưa, đã đặt tên cho mỗi cổng theo những tên gọi thân quen: cổng Giếng, cổng Hầu, cổng Chùa, cổng Đông, cổng Cái, cổng Xanh,... Phía sau mỗi cánh cổng làng ấy, cuộc sống vẫn tiếp tục như bao đời nay, như một minh chứng sống động cho sự trường tồn của những làng quê ven Hồ Tây, nơi truyền thống và hiện đại hòa quyện một cách tự nhiên và gần gũi.

Gìn giữ nét xưa

Một trong những ngôi làng nổi bật nhất trên phố Thụy Khuê chính là làng Yên Thái, nơi có con đường lát gạch nghiêng dài gần 300 mét, mang dấu ấn lịch sử lâu đời. Điều đáng quý là, mặc dù qua nhiều lần phải đào xới để cải tạo hệ thống điện, nước, người dân nơi đây vẫn nỗ lực giữ gìn, bảo vệ nguyên trạng con đường trăm năm tuổi này như một báu vật vô giá của làng.

img_5707.jpg
Cổng Xanh ở đầu ngõ 514 Thụy Khuê. Ngày xưa, cổng có chức năng là ngăn chặn sự xâm nhập của giặc cướp, đó là sự ra đời của tên gọi cổng Canh, bây giờ gọi chệch thành cổng Xanh.
img_5708.jpg
Kết cấu bên trong một chiếc cổng làng vẫn mộc mạc, đơn sơ như thuở sơ khai. Cổng Xanh tại địa chỉ 514, Thụy Khuê.

Ngày nay, những tư liệu về làng Yên Thái và cổng làng đã dần mai một theo thời gian. Tuy nhiên, nhắc đến làng Yên Thái, người ta không thể quên tiếng vang của làng làm giấy dó nổi tiếng, loại giấy được dâng lên triều đình trong những ngày xưa. Những câu ca dao còn lưu truyền mãi: “Mịt mù khói tỏa ngàn sương/ Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.” Âm thanh nhịp chày ấy là tiếng giã dó – công đoạn quan trọng của làng nghề giấy dó Yên Thái thuở trước, in sâu trong ký ức về một làng nghề vang danh một thời bên hồ Tây.

img_5705.jpg
Cổng làng Đông Xã (ngõ 444 Thụy Khuê) với bao dấu vết thời gian nhưng vẫn uy nghi, sừng sững.
img_5706.jpg
Bên trong cổng, sự tĩnh mịch bao trùm như một sự ngăn cách với xô bồ của thời gian. Bên trong cổng được xây như một chiếc quán, với 2 gian nhỏ hai bên.

Theo lời kể của những bậc cao niên sống trên phố Thụy Khuê, trước đây, tất cả các cổng làng đều có cánh. Những cánh cổng này được mở ra vào mỗi buổi sớm, như một dấu hiệu báo hiệu sự khởi đầu của một ngày mới, và lại được đóng lại, then cài kỹ càng khi màn đêm buông xuống. Tuy nhiên, qua thời gian dài, những chiếc cổng làng ấy đã bị xuống cấp, không còn giữ được vẻ đẹp như xưa.

Trong sách về cổng làng của Vũ Duy Huân từng mô tả: "Cổng làng ngày mở ra đêm khép lại để ngăn ngừa cướp bóc. Đêm trong cổng có điếm canh lập loè ánh sáng bùi nhùi. Có giá đựng giáo, mã tấu, sừng trâu đen bóng làm tù và. Đêm đêm, đám tuần phiên đến đây nhận việc, cắt cử nhau bảo vệ làng".

img_5713.jpg
Cổng Hầu tại ngõ 530 phố Thuỵ Khuê vẫn giữ được hàng chữ nho hai bên cổng.
img_5714.jpg
Cuộc sống vẫn tiếp diễn bên trong những "làng" xưa. Những chiếc cổng làng xưa như mạch nối giữa cũ và mới.

Những vị quan học rộng tài cao, sau khi nghỉ hưu, đã lập dinh tại đây và thường tự hào về kiến thức của mình. Ở cổng Hầu, có treo một đôi câu đối thể hiện niềm tự hào ấy: "Tô Thuỷ tuần hoàn văn phái viễn / Lý thành tả trĩ bút phong cao," mang ý nghĩa rằng dòng sông Tô Lịch mang văn hóa tỏa xa, còn thành nhà Lý thì cao quý như sức bút của các bậc hiền tài.

Không xa cổng Hầu là nhà của một vị quan nổi tiếng của triều đình, người đầu tiên trong làng đỗ đạt. Chính vì vậy, người dân nơi đây đã trọng vọng ông, xây dựng nhà lầu gác tía cho ông, và cử người canh gác cẩn thận. Những người dân trong làng, khi có việc cần nhờ vả, thường phải chầu chực trước cổng, chờ đợi để được vào thỉnh cầu quan, cả ngày lẫn đêm.

Dưới triều đại phong kiến, trong những thời kỳ loạn lạc, quyền lực của triều đình chỉ đảm bảo an ninh đến cấp huyện và phủ. Tại cấp làng xã, dân chúng phải tự lo cho sự an toàn của mình, vì vậy cổng làng ra đời như một công trình kiến trúc thiết yếu trong đời sống văn hóa của các cộng đồng nông thôn Việt Nam xưa.

img_5703.jpg
Làng Hồ Khẩu xưa là làng có nhiều cổng nhất tại đất Kẻ Bưởi, với 3 cổng lớn bề thế, vững chãi. Trước đây, cổng chính của làng chỉ được mở ra khi có lễ hội hoặc dịp quan trọng. Giờ đây nó đã trở thành nơi họp chợ của người dân. Qua thời gian những cổng phụ của làng Hồ Khẩu đã được xây bằng để dễ dàng cho xe máy đi lại nhưng riêng cổng chính của làng Hồ Khẩu thì vẫn giữ nguyên bậc tam cấp để cho người dân có thể đi bộ mà vẫn giữ gìn được nét văn hóa đặc trưng.
img_5697.jpg
Cổng chính làng Hồ Khẩu còn giữ nguyên bậc tam cấp, chỉ dành cho người đi bộ.
img_5701.jpg
Cổng được xây với chiếu nghỉ rộng, hai bên có nghê chầu.

Khi bước qua cánh cổng, con người như được dẫn vào một không gian văn hóa riêng biệt, nơi chứa đựng những quy ước và phong tục tập quán độc đáo. Khách lạ khi đặt chân đến đây thường cảm thấy cần thiết phải tìm hiểu những quy tắc để có thể hòa nhập và ứng xử cho phù hợp. Thường thì mỗi làng đều có hai cổng, tượng trưng cho sự bảo vệ và phân định rõ ràng không gian sống của cộng đồng.

Ông Hải, một vị cao niên gắn bó với những nếp cổng làng suốt gần 80 năm, chia sẻ. “Từng cổng với mái ngói rêu phong, gạch lát đỏ và bậc tam cấp đều thể hiện bản sắc văn hóa Việt Nam, cũng như đặc điểm riêng của từng làng”.

Khi tình cờ gặp ông Hải (Cư dân sinh sống tại phố Thuỵ Khuê) dưới một chiếc cổng trong lúc khám phá khu vực này, tôi được ngồi xuống uống nước cùng ông. Nghe ông kể những câu chuyện về những chiếc cổng làng, lòng tôi như lắng lại, chiêm nghiệm về một thời xa vắng.

img_5698.jpg
Cổng Giáp Bắc ở số 378 Thụy Khuê. Cổng nằm phía bên trái tam quan đình, với đôi câu đối miêu tả nét đẹp của người dân trong làng. Mỗi cổng làng nơi đây đều mang dáng vẻ riêng, không cái nào giống cái nào.
img_5700.jpg
Cuộc sống vẫn tiếp diễn bên cạnh cổng làng.

Giống như những cổng làng tĩnh lặng, người dân ở vùng đất này dường như sống chậm rãi hơn, khoan thai hơn so với những cư dân phố thị bên ngoài. Cảnh vật yên bình ấy cũng khiến tâm hồn họ trở nên thanh nhã. Đặc biệt, họ rất tự hào về những chiếc cổng làng chứa đựng giá trị văn hóa sâu sắc, luôn nỗ lực gìn giữ và tô điểm cho chúng thêm phần rực rỡ.

img_5689.jpg
Cổng Giáp Đông nằm ở số 324 Thụy Khuê. Năm 1994, cổng Giáp Ðông được dân làng Hồ Khẩu phục dựng lại nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Thủ đô.
img_5696.jpg
Cổng chùa Chúc Thánh của làng Hồ Khẩu xưa.

Dù trải qua bao thăng trầm và biến động của xã hội, cuộc sống, các cổng làng tại vùng đất Kẻ Bưởi xưa vẫn vững vàng gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống. Đối với người dân trên phố Thụy Khuê, cổng làng luôn mang một vị trí đặc biệt trong tâm thức của họ. Họ không ngừng nỗ lực bảo tồn và gìn giữ vẻ đẹp văn hóa độc đáo này, để mỗi lần trở về, khi bước chân qua cổng làng, lòng người lại trào dâng những cảm xúc xuyến xao, như tìm lại chút gì thân thuộc trong tâm hồn.

Dương Dũng