Quy hoạch sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, bất cứ giá nào, trong quy hoạch sử dụng đất cũng phải tính đến an ninh lương thực, nguồn nước, tỷ lệ che phủ rừng.
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 38, chiều 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Điều chỉnh 8 chỉ tiêu sử dụng đất
Theo nội dung tờ trình về việc đề xuất Quốc hội quyết định chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép chủ trương lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia nói trên, trình Quốc hội thông qua trong năm 2025.
Dự kiến Chính phủ sẽ trình Quốc hội điều chỉnh 8 chỉ tiêu sử dụng đất, gồm: nhóm đất nông nghiệp (gồm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên); nhóm đất phi nông nghiệp (gồm đất quốc phòng, đất an ninh).
Việc tính toán, xác định 8 chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia sẽ ưu tiên bố trí quỹ đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh, giữ ổn định quỹ đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, quản lý chặt chẽ đất rừng, duy trì độ che phủ rừng để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị cần bổ sung nội dung đánh giá về tính cấp thiết cần điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, bảo đảm đáp ứng căn cứ của Luật Quy hoạch.
Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá một cách toàn diện, làm rõ hơn nữa nguyên nhân, đề xuất giải pháp để cải thiện hiệu quả thực hiện Quy hoạch này; đánh giá tác động của chính sách, pháp luật đến việc thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất.
Phải đảm bảo an ninh lương thực
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, nguyên tắc của việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia là đảm bảo nhu cầu sử dụng đất phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phân bổ hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý nguyên tắc điều chỉnh quy hoạch phải tuân thủ đảm bảo yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, an ninh lương thực, nguồn nước, tỷ lệ che phủ rừng, hệ sinh thái; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, trong đó có vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, phải đảm bảo an ninh lương thực. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động, dịch Covid-19, vấn đề an ninh lương thực phải đặt lên hàng đầu. "Bất cứ giá nào trong quy hoạch sử dụng đất cũng phải tính đến an ninh lương thực, nguồn nước, tỷ lệ che phủ rừng".