Kinh tế

Không tạo ra các vướng mắc, bất cập mới khi sửa Luật

Duy Tuấn 10/10/2024 - 16:33

Cho ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 Luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, không để xảy ra tình trạng sửa đổi nhưng lại tạo ra các khó khăn, vướng mắc, bất cập mới, gây thất thoát, lãng phí tiền, tài sản nhà nước...

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 38, sáng 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Quản lý thuế; Luật Dự trữ quốc gia.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cản trở sự phát triển

Theo Tờ trình tóm tắt của Chính phủ, trước sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, các văn bản pháp luật về tài chính cũng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nên cần được rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung.

t2.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Theo đó, Chính phủ xác định 7 Luật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Ngoài ra, thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản luật có quy định liên quan đến lĩnh vực tài chính ngân sách như Luật Đất đai năm 2024, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, Luật Tài nguyên nước năm 2023, Luật Đầu tư công... Do đó, cần rà soát, nghiên cứu để quy định cho đồng bộ, tránh chồng chéo, mâu thuẫn.

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo làm rõ sự cần thiết sửa đổi, bổ sung các điều, khoản nêu tại dự án Luật.

4.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh.

Đánh giá tác động từng cơ chế, chính sách dự kiến sửa đổi, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đang thực hiện thí điểm, chỉ đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung thực sự cấp bách, bức xúc và có sự đồng thuận giữa các cơ quan để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cản trở sự phát triển.

Đảm bảo khả thi khi áp dụng

Cho ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ rà soát, bảo đảm tính khả thi, thực tế, cụ thể của các điều khoản trong dự thảo Luật. Không để xảy ra tình trạng sửa đổi nhưng lại tạo cho các khó khăn, vướng mắc, bất cập mới trong thực tế, gây thất thoát, lãng phí tiền, tài sản nhà nước.

t3.jpeg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Đối với các chính sách đang thực hiện thí điểm, cần phải đánh giá tác động đầy đủ, minh chứng được khi áp dụng mang lại hiệu quả mới quy định vào luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập trong các luật khác, kể cả các luật đang sửa đổi hoặc sẽ trình Quốc hội sửa đổi tại Kỳ họp thứ Tám. Rà soát quy định về áp dụng luật, điều khoản thi hành đảm bảo khả thi, không vướng mắc khi áp dụng.

t1.jpeg

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải, đối với quản lý, sử dụng tài sản công; tài sản công, đề nghị sửa đổi theo hướng giao cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương thay vì giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt như luật hiện hành.

Từ thực tiễn công tác điều hành ở địa phương, bà Hải đề nghị quy định cụ thể vấn đề trên để đảm bảo chặt chẽ, tránh thất thoát.

Duy Tuấn