Vấn đề quan tâm

Đề xuất 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản có thể quyết định áp dụng ngay

Đ. Việt 10/10/2024 09:55

Theo đề xuất của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án đang thụ lý, giải quyết vụ việc, vụ án có thể xem xét, quyết định áp dụng ngay các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ theo từng trường hợp cụ thể.

Xử lý sớm, chủ động, linh hoạt, chống đóng băng tài sản

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Huy Tiến vừa ký tờ trình gửi Quốc hội về dự án nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số biện pháp xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

Theo VKSNDTC, trong những năm qua, công tác xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với vụ việc, vụ án hình sự đã đạt được những kết quả tích cực. Quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, song song với việc làm rõ hành vi phạm tội, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã chủ động xác minh tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, tiến hành thu giữ, tạm giữ, kê biên các loại tài sản, phong tỏa tài khoản để thu hồi tối đa tài sản, khắc phục thiệt hại và phân loại để kịp thời bảo quản, tích cực xử lý vật chứng, tài sản đã thu thập được.

xu-ly-vat-chung.jpg
Kiểm sát viên kiểm sát việc mở niêm phong tang vật bị thu giữ. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, thực tiễn công tác này còn nhiều hạn chế, vẫn tồn đọng nhiều vật chứng, tài sản chưa được xử lý, trong đó nhiều vật chứng, tài sản tồn đọng trong các giai đoạn tố tụng khác nhau trong thời gian dài, gây tốn kém chi phí đầu tư xây dựng kho bảo quản, thuê kho bảo quản; còn nhiều đơn, thư, tụ tập đông người gây phức tạp về an ninh, trật tự, thậm chí trong nhiều trường hợp còn liên quan đến vấn đề ngoại giao khi vật chứng là tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức nước ngoài.

Mặt khác, nhiều tài sản có giá trị lớn chưa được đưa vào lưu thông, một số vụ việc, vụ án đã áp dụng biện pháp kê biên, phong tỏa hoặc “tạm dừng giao dịch” đối với nhiều tài sản liên quan đến người thân của người bị buộc tội và những người có liên quan nhưng chưa kịp thời xử lý, gây ảnh hưởng nhất định đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và sự phát phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Thực tiễn này, theo VKSNDTC đòi hỏi cần có quy định để xử lý sớm hơn, chủ động, linh hoạt hơn đối với vật chứng, tài sản trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử không phải đợi đến khi có quyết định đình chỉ hoặc bản án, quyết định của Tòa án để bảo đảm chống đóng băng tài sản, thất thoát, hao hụt giá trị của vật chứng, tài sản; bảo vệ người thứ ba ngay tình; kịp thời thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước và khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.

Tiền bị phong tỏa được chuyển đổi thành hình thức tiền gửi tiết kiệm có thời hạn

Tại dự thảo Nghị quyết, VKSNDTC đề xuất 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản để cơ quan tố tụng đang thụ lý, giải quyết vụ việc, vụ án có thể xem xét, quyết định áp dụng ngay trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án hình sự.

Các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản gồm: xử lý vật chứng, tài sản là tiền để bồi thường thiệt hại hoặc để bảo đảm thi hành bản án, quyết định của Tòa án; xử lý vật chứng, tài sản bằng biện pháp nộp tiền để bảo đảm thi hành bản án, quyết định của Tòa án hoặc để tiến hành hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tạm dừng giao dịch; xử lý vật chứng, tài sản bằng biện pháp cho phép mua bán, chuyển nhượng và tạm giữ tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng để chờ xử lý; xử lý vật chứng, tài sản bằng biện pháp giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; tạm dừng giao dịch và xử lý tài sản tạm dừng giao dịch.

Một trong những biện pháp đáng chú ý là việc xử lý vật chứng, tài sản là tiền để bồi thường thiệt hại hoặc để bảo đảm thi hành bản án, quyết định của Tòa án.

Theo đó, trường hợp, khi vật chứng, tài sản là tiền đã thu giữ, tạm giữ, phong tỏa tài khoản để bồi thường thiệt hại mà đã xác định được chủ sở hữu, bị hại, giá trị phải bồi thường, thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định trả lại ngay số tiền đó cho bị hại.

Trong trường hợp, vật chứng, tài sản là tiền đã thu giữ, tạm giữ nhưng không thuộc trường hợp thứ nhất, thì cơ quan tiến hành tố tụng ra quyết định gửi tiền thu giữ, tạm giữ vào tài khoản của cơ quan tiến hành tố tụng mở tại ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại trong nước do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ để bảo quản chờ xử lý.

Riêng với tiền trong tài khoản đang bị phong tỏa thì cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định cho chủ sở hữu tài khoản đó được chuyển đổi thành hình thức tiền gửi tiết kiệm có thời hạn, sau đó cơ quan tiến hành tố tụng tiến hành phong tỏa tài khoản tiết kiệm này để chờ xử lý.

Trường hợp tiền đã thu giữ, tạm giữ mà chưa xác định được chủ sở hữu hoặc chưa đủ cơ sở xác định là vật chứng và không nhằm mục đích thuộc 2 trường hợp đã nêu, thì cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định gửi tiền đã thu giữ, tạm giữ vào tài khoản của cơ quan tiến hành tố tụng mở tại ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại trong nước do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản khi có đủ điều kiện

Tại dự thảo Nghị quyết, VKSNDTC đề xuất đối với vật chứng, tài sản là giấy tờ có giá, bất động sản hoặc tài sản gắn liền với đất đã thu giữ, tạm giữ, kê biên mà có đủ điều kiện để mua bán, chuyển nhượng theo quy định của pháp luật thì cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định cho chủ sở hữu hoặc người đại diện của họ được mua bán, chuyển nhượng.

Số tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản nêu trên, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ tạm giữ theo quy định, không để xảy ra việc thất thoát, tẩu tán tài sản trong quá trình xử lý.

Còn đối với vật chứng, tài sản là giấy tờ có giá, bất động sản hoặc tài sản gắn liền với đất đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, tạm dừng giao dịch thì cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, quyết định cho người bị buộc tội nộp tiền để bảo đảm thi hành bản án, quyết định của tòa án hoặc để tiến hành hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, tạm dừng giao dịch đối với các vật chứng, tài sản. Trừ trường hợp các vật chứng, tài sản đó cũng là vật chứng, tài sản trong vụ án rửa tiền…

Theo VKSNDTC, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án hình sự thuộc trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Dự kiến ngày 14/10 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết này.

Đ. Việt