Đời sống

Theo chân tổ thú dữ xem quy trình chăm sóc hổ ở Thảo Cầm Viên

Kim Sáng 10/10/2024 - 06:56

Việc chăm sóc hổ ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn được kiểm soát chặt chẽ, thực hiện đúng quy trình nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hổ, không để dịch bệnh bùng phát.

Mới đây, hàng chục cá thể hổ, báo và sư tử ở Đồng Nai và Long An chết. Trong đó, có một số mẫu tại khu du lịch Vườn Xoài, vườn thú Mỹ Quỳnh, sau khi Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương (Cục Thú y) tiến hành xét nghiệm cho ra kết quả dương tính với cúm A/H5N1.

dsc_1748.jpg
Nhân viên Thảo Cầm Viên chuẩn bị thực phẩm phục vụ bữa ăn cho hổ.

Sự việc này gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng, chống dịch cho các loài động vật.

Tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn, nơi đang nuôi dưỡng 8 cá thể hổ: Bình, Dương, Xám - Ngộ Không – Tây – My - Nhất – Bò Sữa, công tác chăm sóc, phòng dịch được thực hiện một cách bài bản.

dsc_1752.jpg
Thịt trâu được cân đúng khối lượng trước khi bàn giao cho nhân viên tổ thú dữ.

Chia sẻ với Báo Công lý, bà Nguyễn Phạm Minh Phương – Phó Giám đốc Xí nghiệp động vật Thảo Cầm viên Sài Gòn cho biết, một ngày của các nhân viên thuộc tổ thú dữ bắt đầu từ 6h30’ sáng với việc kiểm tra an toàn chuồng trại, số lượng động vật và sức khoẻ động vật.

Sau đó, nhân viên sẽ tiến hành vệ sinh chuồng trại, thả động vật ra sân chơi… công tác này được thực hiện hàng ngày.

dsc_1766.jpg
Thịt được rửa lại bằng nước và để ráo nước trước khi đưa vào chuồng cho hổ.

Cạnh đó, Thảo Cầm Viên Sài Gòn thực hiện nghiêm ngặt quy trình phòng chống dịch tại đơn vị như tiến hành vệ sinh phun xịt sát trùng các khu chuồng nuôi hàng ngày và định kỳ tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc các khu chuồng nuôi; người chăm sóc động vật phải tuân thủ quy định về mặc đồ bảo hộ lao động, mang ủng, đeo khẩu trang khi vào khu chuồng nuôi; đặt hố vôi ở các lối ra vào khu chuồng; không cho người lạ vào khu vực chuồng nuôi...

Xuyên suốt quá trình chăm sóc, nhân viên thường xuyên quan sát sức khoẻ động vật, theo dõi các biểu hiện hành vi của chúng để kịp thời phát hiện những biểu hiện không bình thường.

dsc_1773.jpg
Nhân viên tổ thú dữ đẩy thức ăn đến cho hổ.

Khi phát hiện hổ cũng như các loài động vật khác có vấn đề bất thường, nhân viên sẽ cập nhật cho tổ trưởng tổ chăn nuôi để nắm bắt tình hình, kiểm tra, báo lại cho tổ thú y.

dsc_1776.jpg
Nhân viên thực hiện sát trùng với vôi trước khi vào chuồng hổ.

Nguồn thực phẩm phục vụ cho hổ ở Thảo Cầm Viên gồm: thịt gà, thịt trâu, thịt bò, khẩu phần ăn được thay đổi luân phiên, trung bình 1 con hổ sẽ ăn khoảng 5kg thịt/ngày; hổ sẽ ăn sống các loại thịt, riêng thịt gà lột bỏ phần da.

Trung bình 1 tuần, hổ sẽ nghỉ ăn một ngày để thanh lọc cơ thể, làm sạch đường tiêu hoá giúp hấp thụ tốt hơn.

dsc_1784.jpg
Mở chuồng để dụ hổ ra ngoài sân chơi.

Công ty cũng có bộ phận kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng đầu vào của nguồn thực phẩm cung cấp cho động vật theo quy trình.

Cụ thể, khi nhận thực phẩm tại nhà chế biến, nhân viên tổ thú dữ sẽ lưu ý quan sát kiểm tra chất lượng thực phẩm bằng mắt thường xem thịt có bị biến đổi màu sắc không, có đổ nhớt hay có mùi không. Nếu thức ăn không đạt chuẩn các bộ phận này sẽ báo tổ và đề nghị đổi lấy phần thức ăn khác.

Bên cạnh thức ăn, hổ còn được bổ sung các loại vitamin thuốc bổ để tăng cường sức đề kháng cho động vật.

dsc_1787.jpg
Nhân viên sẽ cầm thịt làm mồi để dụ hổ ra khỏi chuồng.

Bà Phương nhấn mạnh: Việc chăm sóc hổ ở Thảo Cầm Viên được kiểm soát chặt chẽ, thực hiện đúng quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, quy trình phòng chống dịch nên không quá lo ngại về vấn đề dịch bệnh.

Tuy nhiên, công ty không chủ quan mà tăng cường việc giám sát thực hiện quy trình, tăng cường phòng bệnh ngay từ cổng như sát trùng đường đi, xe đối tác, xe của đơn vị, không để khách tham quan mang động vật sống vào khuôn viên...

dsc_1790.jpg
Thị được xắt thành từng miếng để cho hổ ăn.

Đối với loại vắc xin cúm A/H5N1, hiện tại không có sản xuất cho các loài thú ăn thịt, do đó hiện không tiêm loại vaccine này cho hổ. Tuy nhiên, Thảo Cầm Viên mỗi năm luôn tiêm đầy đủ các vắc xin đã có trên thị trường cho hổ nói riêng và tất cả các loài động vật nói chung, công tác này sẽ do bộ phận thú ý đảm nhận.

dsc_1794.jpg
Nhân viên tổ thú dữ tiến hành công đoạn mở chuồng.
dsc_1800.jpg
Sau khi mở chuồng, nhân viên treo thịt lên để phục vụ hổ.
dsc_1759.jpg
Thịt trâu chuẩn bị cho bữa ăn của hổ.
dsc_1834.jpg
Chú hổ tròn 1 tuổi ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn.
dsc_1826.jpg
Hổ thoả sức thưởng thức bữa ăn của mình, mỗi con ăn khoảng 5kg thịt/ngày.
dsc_1860.jpg
Những miếng thịt được hổ nhai ngấu nghiến.
dsc_1870.jpg
Chú hổ tên Bò Sữa ở Thảo Cầm Viên.
dsc_1823.jpg
Du khách nước ngoài hào hứng xem hổ ở Thảo Cầm Viên.
dsc_1885.jpg
Chú hổ đực thu hút sự chú ý của du khách tham quan.

Kim Sáng