Cần Thơ: Kỳ vọng phát triển kinh tế đạt kế hoạch
Ngày 9/10, UBND TP Cần Thơ tổ chức họp thường kỳ tháng 9 nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của thành phố trong tháng 9 và 9 tháng năm 2024, đồng thời thảo luận và đề ra các phương hướng, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm.
Theo báo cáo Sở KH&ĐT TP Cần Thơ, trong tháng 9 và 9 tháng qua, tình hình kinh tế - xã hội của thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với những con số ấn tượng, trong đó nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, trong 9 tháng qua, tổng GRDP của TP Cần Thơ tăng 6,25% so với cùng kỳ năm trước xếp hạng 46/63 tỉnh, thành phố; 4/5 thành phố lớn; 9/13 tỉnh ĐBSCL. Trong đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 8,02% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng qua ước tính đạt hơn 98.000 tỷ đồng, tăng 11,93% so với cùng kỳ, đạt 72,22% kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước thực hiện 1.793,3 triệu USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ, đạt 82,1% so với kế hoạch…
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nhằm tăng cường công tác quảng bá, cải thiện hiệu suất tiêu thụ nông sản của địa phương, TP Cần Thơ đã xây dựng cổng thông tin kết nối tiêu thụ nông sản với tên miền “chonongsancantho.vn”, hiện đã có 114 đơn vị đăng ký.
Về hoạt động đối ngoại được TP Cần Thơ triển khai tương đối đồng đều trên các lĩnh vực, công tác thu hút nguồn vốn FDI có những bước đột phá mạnh mẽ; tình hình quốc phòng, an ninh, trật tự xã hội được đảm bảo,… qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà thành phố đã đạt được trong 9 tháng qua. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, gặp không ít khó khăn và thách thức khiến cho một số lĩnh vực vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng.
Để hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội của TP đã đề ra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ đề nghị lãnh đạo các sở, ngành và Chủ tịch UBND các quận, huyện tập trung nghiên cứu, đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù mới mang tính đột phá, phù hợp với thành phố trong thời gian tới.
Tập trung chỉ đạo đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm và phải xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, ưu tiên trong chỉ đạo, điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương.
Để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, ông Dương Tấn Hiển yêu cầu các sở, ban ngành và địa phương cần phát huy tối đa vai trò của các Tổ công tác đặc biệt về việc hỗ trợ doanh nghiệp, các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động kinh doanh và đầu tư vào thành phố.
Bên cạnh các nhiệm vụ kinh tế, các sở, ngành và địa phương cần chú trọng thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đặc biệt, phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, không để xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…