Tình trạng “bỏ cọc” đấu giá đất tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, tình trạng “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá tái diễn, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở. Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ...
Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp 38, sáng 9/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025...
Người có nhu cầu thực khó mua được nhà
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh lưu ý, "tổng cầu phục hồi yếu, trong đó cầu tiêu dùng tăng thấp hơn kỳ vọng trong bối cảnh lạm phát chịu áp lực hơn trong những tháng cuối năm, đầu tư công và đầu tư tư nhân tăng chậm; tình trạng nhập siêu dịch vụ chưa được cải thiện".
Đáng chú ý, tỷ giá có giai đoạn biến động bất thường ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp; quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá. Rủi ro an ninh mạng đối với hệ thống tài chính Việt Nam trở nên thường trực và hiện hữu với hậu quả khó lường.
Cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận. Giá đất nền tại các quận nội thành và ven đô Hà Nội đã có dấu hiệu tăng nhanh trở lại, nhất là đối với các huyện có thông tin lên quận.
Đặc biệt, thời gian vừa qua, tình trạng “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá tái diễn, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở. Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ trong khi cho người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận đất đai vì giá đất cao, vượt quá khả năng chi trả. Bên cạnh đó, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở dù có nhiều nỗ lực, cố gắng song kết quả chưa như kỳ vọng.
Báo cáo cũng đề cập đến việc "đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là cơn bão số 3 Yagi đã gây ra thiệt hại rất nghiêm trọng về người, tài sản và có thể tác động tiêu cực đến công tác xóa đói, giảm nghèo của nước ta".
Về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, các hành vi vi phạm chủ yếu là lừa đảo qua mạng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và thường xuyên thay đổi, khó phát hiện, đấu tranh.
Trong 9 giải pháp, Uỷ ban Kinh tế kiến nghị tập trung rà soát, sửa đổi các quy định, điều kiện, thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho người dân được mua nhà ở xã hội và tiếp cận vốn vay; quyết liệt thúc đẩy tiến độ gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.
Phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm đạt, vượt 7%
Trước đó, trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong tháng 9 có hơn 17.700 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Tính chung 9 tháng có khoảng 183.000 doanh nghiệp, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (163.800 doanh nghiệp).
Đến nay đã hoàn thành, đưa vào khai thác hơn 2.021km đường bộ cao tốc, mở ra nhiều không gian phát triển mới. Đã phát động phong trào thi đua 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào năm 2025... Hạ tầng phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ.
Công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật được chỉ đạo quyết liệt, với tinh thần cải cách, đổi mới trong tư duy, cách nghĩ, cách làm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.
Nhờ đó, tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn quý trước. Quý 3 ước đạt 7,4% so với cùng kỳ, tính chung cả 9 tháng là 6,82%, thuộc nhóm dẫn đầu thế giới và khu vực...Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP cả năm đạt, vượt 7%.
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được vẫn có một số hạn chế, khó khăn, thách thức. Trong đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; thể chế, pháp luật còn một số vướng mắc, bất cập, chưa được kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển.