Vấn đề quan tâm

Đề xuất cấm công khai sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận

Trang Nhi 09/10/2024 - 09:18

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thêm quy định cấm công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền.

Một số chuyên gia pháp lý đánh giá, Dự thảo Luật Nhà giáo được cơ quan soạn thảo, nhà làm luật xây dựng trên cơ sở tiếp thu, kế thừa và phát triển nhiều quy định của Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2018), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và nhiều luật có liên quan khác cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh.

nha-giao.jpg
Đề xuất cấm công khai sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức

Qua nghiên cứu dự thảo, với góc nhìn của mình, ông Phạm Văn Tuấn (giáo viên nghỉ hưu, ngụ xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) bày tỏ quan điểm, có nhiều vấn đề rất mới mẻ được Dự thảo Luật Nhà giáo đưa vào điều chỉnh mà các luật như: Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2018), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 không có quy định.

Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Nhà giáo đang nhận được sự quan tâm là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất một số quy định nghiêm cấm tổ chức, cá nhân có một số hành vi liên quan đến nhà giáo.

Tại khoản 2 Điều 13 của dự thảo có hành vi bị nghiêm cấm được Bộ GDĐT đề xuất, từ việc cấm xúc phạm danh dự và nhân phẩm của nhà giáo đến việc phân biệt đối xử giữa họ. Việc này nhằm tạo môi trường làm việc tích cực và công bằng cho nhà giáo.

Đặc biệt nhiều ý kiến ủng hộ đề xuất "cấm công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo và trong trường hợp các sai phạm chưa đến mức phải thu hồi giấy phép hành nghề dạy học".

Bộ LĐTB&XH đề nghị xem xét, bổ sung quy định chi tiết về các hình thức xử lý vi phạm và cơ chế bảo vệ nhà giáo trước các hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm và danh dự.

Góp ý về dự thảo Luật Nhà giáo, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để nâng cao vị thế của nhà giáo, cần quy định chặt chẽ hơn về những hành vi nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân đối với nhà giáo.

Tại phiên làm việc với Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, có ý kiến cho rằng quy định an toàn về mặt thông tin của nhà giáo cũng cần được đề cập. Ví dụ như không công khai thông tin về việc không làm nghề giáo để tạo điều kiện cho họ có cơ hội làm nghề khác.

Khoản 2 Điều 13 của dự thảo Luật Nhà Giáo quy định 6 hành vi bị nghiêm cấm với tổ chức, cá nhân được đề xuất, bao gồm:

Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo;

Cản trở hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo;

Phân công nhà giáo không đúng với thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng dạy học;

Phân biệt đối xử giữa những nhà giáo dưới mọi hình thức;

Trả lương không đúng theo hợp đồng; thực hiện không đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định;

Công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo và trong trường hợp các sai phạm chưa đến mức phải thu hồi giấy phép hành nghề dạy học.

Trang Nhi