Bình Định: Ngư dân băn khoăn vì lệnh cấm khai thác cá ngừ vằn dưới 50cm
Lệnh chỉ được khai thác cá ngừ vằn có chiều dài nhỏ nhất cho phép là 50 cm nhằm mục đích bảo vệ nguồn lợi hải sản đang cạn kiệt nhưng lại đang khiến ngư dân Bình Định băn khoăn về vấn đề sinh kế.
Cấm khai thác cá ngừ vằn dưới 50 cm để chặn tận diệt nguồn lợi
Phụ lục V, Nghị định 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản có hiệu lực từ ngày 19/5/2024, quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên, cá ngừ vằn chỉ được khai thác với chiều dài nhỏ nhất cho phép là 50 cm.
Theo Bộ NN&PTNT, Nghị định 37/2024/NĐ-CP được đưa ra nhằm mục đích bảo vệ nguồn lợi hải sản đang cạn kiệt tại các vùng biển Việt Nam.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Bộ NN&PTNT giải thích, hiện nay, để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Châu Âu, Nhật Bản và một số nước đã quy định kích cỡ cho phép khai thác, để khai thác vừa mức, nhằm duy trì trữ lượng cho những năm tiếp theo.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Hùng, trong những năm vừa qua, trữ lượng nguồn lợi hải sản của nước ta suy giảm rất mạnh. Nếu không quy định kích cỡ thì người dân sẽ khai thác tất cả con non, dưới tuổi trưởng thành. Như vậy, sau này nguồn lợi sẽ hết, chúng ta sẽ không còn để khai thác.
Qua khảo sát của Bộ NN&PTNT, nguồn lợi thủy sản Việt Nam đang suy giảm đáng báo động, từ 5,07 triệu tấn (2000-2005) giảm còn 3,95 triệu tấn (2016-2020), giảm 22,1%. Nhóm cá ngừ vằn có chiều dài bắt gặp trong các năm dao động từ 18-55cm, trong đó nhóm chiếm ưu thế lại từ 25-40cm.
“Quy định kích thước 50 cm là vì với kích thước ấy, 50% cá thể thành thục sinh sản lần đầu. Lấy mốc này làm mốc kích thước cho phép, không khai thác dưới mức ấy”, ông Hùng giải thích.
Như vậy, thực hiện theo Phụ lục V của Nghị định 37 thì tất cả cá ngừ vằn khai thác cũng như thu mua, xác nhận, chứng nhận và xuất khẩu kích thước dưới 50cm đều vi phạm; các cơ quan quản lý không xác nhận và cấp chứng chỉ để xuất khẩu…
Tuy nhiên, Nghị định 37 cũng cho phép tỷ lệ trộn lẫn các đối tượng cá có kích thước nhỏ hơn quy định không quá 15% để thuận tiện áp dụng vào thực tiễn…
Ngư dân băn khoăn...
Theo thống kê, tỉnh Bình Định hiện có khoảng 650 tàu với hơn 7.500 lao động trực tiếp tham gia nghề lưới vây chuyên đánh bắt cá ngừ vằn. Trong tổng số cá ngừ vằn khai thác thực tế hàng năm thì loại có chiều dài từ 50 cm trở lên chỉ chiếm khoảng từ 10-15%, còn lại chủ yếu là loại có chiều dài từ 30-40cm.
Không riêng gì ngư dân Bình Định, nhiều ngư dân tại các tỉnh Nam Trung bộ đang gặp khó vì giá cá ngừ rớt thảm, phía doanh nghiệp thì ngừng thu mua sau khi có quy định.
“Chưa bao giờ giá cá ngừ vằn đang ở đỉnh điểm từ 30.000 đồng/kg lại rớt xuống còn 19.000 đồng/kg và có khả năng còn rớt giá tiếp. Tàu tôi hành nghề lưới vây chuyên đánh bắt cá ngừ sọc dưa, mỗi lần ra khơi chi phí 140 triệu đồng, với 13 lao động. Giờ giá cá rớt như vầy phần lớn ngư dân rất lo, không dám vươn khơi”, chủ tàu cá Trần Quốc Lánh (thị xã Hoài Nhơn) ngậm ngùi.
Là những ngư dân có thâm niên 50-60 năm trong nghề lưới vây cá ngừ, chủ tàu cá Đào Văn Bình tại thủ phủ cá ngừ đại dương thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) chia sẻ, nếu áp dụng theo quy định nói trên thì mỗi tháng biển, mỗi tàu cá chỉ thu được hai triệu đồng, không thể nào đủ trang trải chi phí để hoạt động khai thác trên biển.
“Khi đầu tư vào tàu, ngư dân chúng tôi phải thế chấp tài sản và trong mỗi chuyến, ngư dân chúng tôi đều phải vay mượn để trả chi phí cho thuyền viên trước. Nay vào mùa vụ cao điểm khai thác cá ngừ vằn nhưng chúng tôi không khai thác được khi các công ty dừng mua, cầm cự không biết đến khi nào”, ông Bình lo lắng.
Ghi nhận, Bình Định đang vào mùa cao điểm khai thác cá ngừ vằn (tháng 7,8,9) nhưng hàng trăm tàu cá tại các lại chài địa phương đang phải nằm bờ. Trong tình thế cầm cự “tiến thoái lưỡng nan”, gần 100 chủ tàu cá ở TX Hoài Nhơn (Bình Định) đã cùng nhau ký tên, gửi đơn kiến nghị Bộ NN&PTNT, trong đó có cả các doanh nghiệp thu mua trên địa bàn.
Sau ngày 15/9/2024, doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu cá ngừ trong nước đã đồng loạt dừng việc thu mua cá ngừ vằn kích thước dưới 50cm, những ngư dân sống nhờ biển tại Bình Định nói riêng và các tỉnh ven biển khác nói chung đã rơi vào tình trạng hoang mang, thất thu nghiêm trọng về kinh tế.
"Số liệu thống kê 10-15% là trên cả nước, thực tế ngư dân Bình Định đánh bắt tỷ lệ cá đạt kích thước 50 cm trở lên rất thấp, chỉ khoảng 2% - 3% trong mỗi chuyến biển”, ngư dân Trần Tám chia sẻ.
Ngoài ra, còn có rất nhiều chủ tàu tại Bình Định đang trên bờ phá sản khi “dở khóc dở cười” khi không biết xử lý sản lượng cá ngừ vằn đã được đánh bắt về bờ trong những ngày gần đây. “Chúng tôi phải lấy khoản thu ở đâu để bù đắp cho những khoản đã chi trong một tháng lênh đênh trên biển vừa qua đây. Giờ mà cầm cự thì biết đến bao giờ”, bà Trương Thị Bình, chủ tàu cá nói.
Hiện thị xã Hoài Nhơn là nơi có số lượng tàu đánh bắt thủy sản lớn nhất tỉnh Bình Định. Tại đây có hơn 2.500 chiếc tàu, trong đó có gần 600 tàu cá đăng kí khai thác nghề lưới vây ánh sáng là khai thác cá ngừ vằn. Có 7.152 lao động trực tiếp khai thác cá ngừ vằn, trên mỗi tàu đều có từ 14-16 thuyền viên.
Trước khi có quy định khai thác cá ngừ vằn, bình quân thống kê mỗi tàu cá đánh bắt được khoảng từ 20 – 30 tấn/tháng thu về khoảng 600 – 900 triệu đồng/tháng doanh thu chưa trừ chi phí. Sau khi có quy định, sản lượng chỉ từ 2-3% thì mỗi tàu chỉ đạt khoảng 6 tấn/tháng thu về khoảng 180 triệu đồng/tháng doanh thu chưa trừ chi phí.
Chủ 4 tàu cá Nguyễn Văn Thượng tại thị xã Hoài Nhơn cho hay, nếu vì kích thước tối thiểu của cá ngừ vằn mà ảnh hưởng đến thu nhập dẫn đến tàu cá không thể hoạt động được thì không biết bao nhiêu hệ lụy xấu đang chực chờ ngư dân. “Chúng tôi đồng loạt kiến nghị đến các cấp lãnh đạo xem xét, hủy bỏ quy định về kích thước tối thiểu của cá ngừ vằn để ngư dân yên tâm làm ăn, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương, nếu như thế này ngư dân chúng tôi sẽ dừng việc đi biển mất”, ông Thượng cho hay.
Đối diện khó khăn của các doanh nghiệp, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng có công văn khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT, kiến nghị tháo gỡ quy định chỉ được khai thác, đánh bắt cá ngừ vằn có chiều dài nửa mét trở lên.
Vẫn phải chờ đợi
Cá ngừ vằn là loài chiếm sản lượng khai thác chủ yếu, đến trên 85% sản lượng khai thác các loài cá ngừ của ngư dân Việt Nam, là sản phẩm chính và thế mạnh của Việt Nam để tận dụng tối đa Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA).
Ngoài ra, cá ngừ vằn là loài cá mang giá trị thương mại lớn cho nên phần lớn ngư dân Bình Định đều lấy nguồn thu từ đây làm kinh tế chủ đạo để ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế.
Ngày 18/9, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đã có văn bản kiến nghị lên Bộ NN&PTNT về việc đề nghị xem xét lại quy định kích thước tối thiểu được phép khai thác đối với cá ngừ vằn (tên khoa học Katsuwonus pelamis) nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân địa phương. “Số tàu cá hoạt động nghề lưới vây cá ngừ phải nằm bờ không đi khai thác, đã làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất thủy sản và đời sống của một bộ phận ngư dân là chủ tàu, thuyền viên”, ông Phúc cho hay.
Cũng theo ông Trần Văn Phúc, giải pháp duy nhất ở thời điểm hiện tại của ngư dân Bình Định là chờ đợi thay đổi quy định. “Nếu tiếp tục khai thác là sai với quy định, nếu hỗ trợ ngư lưới cụ đảm bảo tiêu chuẩn khai thác cá ngư vằn 50 cm trở lên thì sản lượng không đạt, ngư dân cũng không thể ra khơi vì quá lỗ với chi phí bỏ ra”, ông Phúc thông tin.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn cho hay, hiện tại các doanh nghiệp, công ty đã dừng thu mua cá ngừ vằn để xuất khẩu. “596 tàu cá khai thác cá ngừ vằn xuất khẩu đã nằm bờ, điều này không chỉ ảnh hưởng đến ngư dân mà còn ảnh hưởng đến chỉ tiêu kinh tế của địa phương và việc xúc tiến đầu tư Nhà máy chế biến đồ hộp thủy sản hiện nay”, ông Nguyễn Chí Công cho hay.
Về hướng giải quyết, Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Bộ NN&PTNT cho biết, tới đây, đơn vị sẽ tổ chức họp với cơ quan nghiên cứu, quản lý và Hiệp hội chế biến, xuất khẩu thủy sản cùng các doanh nghiệp, ngư dân trên cơ sở tiếp thu tối đa ý kiến các bên để đề xuất với Bộ NN&PTNT, Thủ tướng nhằm vừa đảm bảo phục hồi nguồn lợi cá ngừ bền vững, qua đó nâng hiệu quả chuyến biển của ngư dân vừa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, quy định của quốc tế và hội nhập.