Thế giới

Anh sử dụng AI để phát hiện 12 loại ung thư giai đoạn đầu chính xác 99%

Ngọc An 08/10/2024 - 10:37

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Southampton (Vương quốc Anh) đã công bố về một xét nghiệm máu hỗ trợ bằng AI (trí tuệ nhân tạo) đầy hứa hẹn có thể phát hiện 12 loại ung thư khác nhau cùng một lúc với tỷ lệ phát hiện gần như hoàn hảo.

Theo đó, xét nghiệm chẩn đoán đa ung thư được gọi là miONCO, có chức năng đo các dấu hiệu sinh học microRNA để xác định sự phát triển của ung thư ở giai đoạn đầu từ một mẫu máu nhỏ.

Máy học được sử dụng để xử lý dữ liệu, ước tính mức độ phát triển của khối u cũng như giải thích và dự đoán bệnh ung thư và vị trí của nó. Các thử nghiệm ban đầu cho thấy nó có thể phát hiện bệnh ở bất kỳ giai đoạn nào, thậm chí trước khi các triệu chứng xuất hiện.

xet_nghiem.png
Nghiên cứu mới có thể cứu sống hàng triệu người khi được chẩn đoán ung thư sớm một cách chính xác

Người ta hy vọng rằng xét nghiệm này sẽ có sẵn trong Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) trong vòng bốn hoặc năm năm tới với chi phí ước tính là 120 bảng Anh (150 đô la Mỹ) mỗi lần, có tiềm năng cứu sống hàng triệu người và giảm đáng kể nhu cầu xét nghiệm không cần thiết cũng như sinh thiết xâm lấn.

MicroRNA, hay MiRNA, là những phân tử nhỏ trong tế bào của con người giúp điều chỉnh hoạt động của gen. Chúng gắn vào mRNA và có thể ảnh hưởng đến loại protein mà mRNA sản xuất, có khả năng góp phần vào sự phát triển của ung thư.

Công cụ miONCO có khả năng xét nghiệm 12 loại ung thư phổ biến nhất, bao gồm ung thư phổi, vú, tuyến tiền liệt, tụy, đại trực tràng, buồng trứng, gan, não, thực quản, bàng quang, sarcoma xương và mô mềm, cũng như ung thư dạ dày.

Nghiên cứu này đang được điều hành bởi Tiến sĩ Andy Sharpanis và Giáo sư Paul Skip, những người đã sáng lập công ty spin-off Xgenera nhằm cải tiến công nghệ sàng lọc ung thư.

Mặc dù đã có những tiến bộ trong lĩnh vực xét nghiệm, nhưng gần một nửa số ca ung thư vẫn được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, và thường dẫn đến kết quả không chính xác.

Những bệnh nhân phát hiện ung thư sớm có cơ hội sống sót lên tới 93%, nhưng con số này giảm xuống chỉ còn 10% khi ung thư được phát hiện ở giai đoạn muộn.

Giáo sư Skipp cho biết, xét nghiệm này có cứu sống nhiều người bằng cách phát hiện ung thư với độ chính xác lên tới 99%, khiến nó trở thành một "bước ngoặt" thực sự.

Hiện tại chỉ có ba loại ung thư có xét nghiệm sàng lọc và mỗi lần xét nghiệm chỉ có thể phát hiện một loại ung thư.

Những xét nghiệm này có tỷ lệ dương tính giả rất cao, tức là bệnh nhân được thông báo rằng họ bị ung thư trong khi thực tế họ không mắc bệnh. Điều này không chỉ gây căng thẳng cho họ mà còn dẫn đến các xét nghiệm đắt đỏ khác để xác nhận chẩn đoán.

"Xét nghiệm mới này tập trung vào việc cung cấp một phương pháp kiểm tra toàn diện hơn, nhanh hơn và rẻ hơn, với mục tiêu cuối cùng là làm cho nó có sẵn trong các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe."

Ngày 6/10, Chính phủ Anh đã công bố tài trợ cho liệu pháp điều trị ung thư tiên tiến nhằm thúc đẩy lĩnh vực khoa học y tế của nước này.

Bộ trưởng Y tế Anh Wes Streeting – người từng là bệnh nhân ung thư – đã ca ngợi công nghệ này và cho biết nó có thể loại bỏ việc phải chờ đợi hàng tháng để làm xét nghiệm và chụp chiếu trong bệnh viện.

Ngày 7/10 vừa qua, hai nhà sinh học phân tử người Mỹ là Victor Ambros và Gary Ruvkun đã được trao giải Nobel Y học nhờ phát hiện ra microRNA.

Nghiên cứu của họ dựa trên việc tìm hiểu cấu trúc của một loại giun tròn dài 1mm, có tên là C.elegans, tuy nhỏ bé nhưng lại có các loại tế bào như dây thần kinh và cơ bắp, tương tự với các loài động vật lớn và phức tạp hơn.

Ngọc An