Đời sống

Những trang viết sắc sảo trong “Gươm đàn nửa gánh” của Khúc Hồng Thiện

Phụng Thiên 07/10/2024 13:53

Khúc Hồng Thiện là một nhà báo, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa. Anh đã được xuất bản nhiều tập sách đủ thể loại: thơ, văn, chính luận, chuyên luận... Và gần đây nhất là tập ghi chép Gươm đàn nửa gánh gồm 68 bài viết (sách dày gần 400 trang, do Nhà xuất bản Dân trí ấn hành quý II-2024), chủ yếu chọn lọc các bài viết đã đăng trên báo Nhân Dân - nơi anh đang công tác. Tác phẩm được chia ra làm 3 phần: Gươm đàn, Thiền nhân giang hồ và Giáo dục - nói rõ sự thật.

Đọc Gươm đàn nửa gánh, chúng ta dường như nhận ra được con người Khúc Hồng Thiện trong quá trình làm nghề của mình: Khách quan, trung thực, yêu ghét rõ ràng khi phản ánh đường lối, quan điểm của Đảng, thực tế đời sống xã hội, kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục… xu thế thời đại; nhưng cũng mang trong mình một tâm hồn rất trong trẻo, hồn nhiên, lắng đọng trước những kỷ niệm xa xăm vọng lại, trước những truyền thống văn hóa dân tộc.

1(5).jpg

Cụ thể, trong phần Gươm đàn, gần như xuyên suốt trong phần này, Khúc Hồng Thiện đi khái quát, phân tích, phản ánh một cách khách quan các kỳ Đại hội của Đảng, các phiên họp Quốc hội cũng như những đường lối, chiến lược của Đảng theo các thời kỳ. Tác giả nhìn nhận Đảng và nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Thể hiện qua việc: chuẩn bị kỹ các khâu, nhất là mặt nhân sự trước các kỳ đại hội; đưa ra phương hướng, chính sách cụ thể, chi tiết, thay đổi linh hoạt theo sự biến động của thời cuộc, phù hợp với thực tiễn, với xu thế phát triển chung của xã hội: trước, trong và sau dịch covid, trước những loại hình kinh tế mới như tiền ảo hay hoạt động trí tuệ nhân tạo AI. Tác giả còn cho thấy Đảng ta là một Đảng liêm chính, quyết liệt trong vấn đề tham nhũng, tiêu cực, luôn coi trọng nhân tố con người, đặc biệt là yêu cầu cần có với một người đảng viên: chính trực, trách nhiệm, có trí tuệ, sống kỷ luật, kỷ cương, luôn sáng tạo và đổi mới, chủ động trước sự thay đổi của xã hội. Coi trọng lĩnh vực văn hóa ngang bằng như các lĩnh vực trụ cột: chính trị, kinh tế, xã hội. Nhấn mạnh tầm vai trò của thanh niên trong thời đại mới. Thể hiện tính dân chủ của Đảng trong việc tiếp xúc cử tri ở địa phương, các phiên chất vấn Quốc hội. Một Đảng vừa nghiêm minh lại vừa nhân văn, mở rộng vòng tay với những cán bộ đảng viên biết nhận sai, sửa sai dưới sự đồng thuận của các đơn vị cơ sở, sự giám sát của cộng đồng.

Không chỉ dừng lại trong các cuộc họp, Khúc Hồng Thiện còn lấy ý kiến của mọi tầng lớp trong dân: người cán bộ mặt trận lão thành, người lính thương binh, giáo sư, phó bí thư tỉnh đoàn, chủ tịch hội sinh viên, ý kiến doanh nghiệp, ý kiến cử tri cả nước gửi về tòa soạn. Qua đó khẳng định Đảng ta đã tạo được lòng tin, niềm tin của dân vào những người lãnh đạo Đảng, nhà nước, vào Quốc hội, các đại biểu: những người có vai trò hoạch định chiến lược cho sự phát triển nước nhà. Khẳng định một nhà nước của dân, do dân, vì dân, luôn lấy tư tưởng Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho mọi hành động.

Trong các bài viết của mình, Khúc Hồng Thiện còn nêu lên những ý kiến, những nhận định của bản thân bằng sự trung thực và tầm hiểu biết của mình. “Pháp luật đã có nhiều sự điều chỉnh cho phù hợp thực tế nhưng một số người lại thực thi không đến nơi đến chốn, và cần nhanh chóng loại bỏ”. Với những loại hình mới xuất hiện như tiền ảo, trí tuệ nhân tạo, nhà nước “đã quan tâm nhưng chưa thực sự đủ”, cần chặt chẽ hơn nữa. “Mong mỏi” nhà nước cần quan tâm và đưa ra những chính sách để những người làm việc trong cơ quan nhà nước có thể yên tâm công tác, phát huy hết năng lực của mình. “Mong mỏi” các đồng chí ủy viên Trung ương cần phát huy tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật một cách khẩn trương, thể hiện trách nhiệm, tính dân chủ, tính đoàn kết và tập trung cao độ trong hoạch định chiến lược, ban hành và thực thi pháp lý, nhanh chóng hòa nhập với xu thế chung của xã hội.

2(4).jpg
Nhà báo, nhà thơ Khúc Hồng Thiện

Trong phần Giáo dục - nói rõ sự thật, Khúc Hồng Thiện thể hiện là một cây bút mạnh bạo, trung thực, thẳng thắn khi dám nói rõ, nói thẳng vấn đề còn nhiều bất cập trong ngành giáo dục: việc lộ, lọt đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông, về sách giáo khoa mới, vấn đề bệnh thành tích, học phí, tính liêm chính trong khoa học, định vị thương hiệu đại học ở Việt Nam. Việc giáo dục gắn liền với mỗi cuộc thi là để đánh giá đúng năng lực của mỗi học sinh, cũng như đáp ứng đúng yêu cầu ngành nghề mà xã hội đòi hỏi. Cho nên việc lộ lọt đề thi là một điều bất công với tất cả các em, gây khó khăn cho việc đào tạo ở bậc đại học, cao đẳng. Vấn đề đó “không thể chìm xuồng” là một sự nhấn mạnh, khẳng định dứt khoát trong việc tìm ra sự thật: công lý được thực thi, những người liên quan đã bị xử lý, thỏa lòng mong mỏi của dư luận xã hội. Tương tự như vấn đề sách giáo khoa, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đã và đang gây ra nhiều vấn đề tranh cãi. Từ việc “sạn”, “lỗi” trong sách đến giá thành tăng cao gây ra nhiều bàn luận trong xã hội. Việc cải tiến sách giáo khoa là phù hợp với xu thế chung của thời đại. Nhưng hoạt động cải tiến, sửa đổi như thế nào vẫn là đề tài nóng trong nghị trường Quốc hội, của cử tri cả nước, của những chuyên gia về ngành giáo dục

Giáo dục đại học ở Việt Nam đang trên đà thay đổi để định vị thương hiệu, hội nhập quốc tế. Sự liên thông, liên kết, trao đổi, học hỏi chương trình đào tạo từ các trường đại học chất lượng quốc tế là một tín hiệu đáng mừng, cần phát huy để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, phục vụ công cuộc xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, việc tăng học phí cần đi đôi với tăng chất lượng đào tạo, có những giải pháp hỗ trợ những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, phù hợp với điều kiện của từng trường là vô cùng cần thiết. Việc giữ gìn tính liêm chính trong khoa học khi phong học hàm học vị là vô cùng cần thiết và cần thiết phải có những quy định tiêu chuẩn rõ ràng.

Mạnh bạo và sắc bén như thế, nhưng khi đắm chìm trong thơ ca, trong những hồi tưởng ký ức, trong những dư âm văn hóa cổ xưa, gặp gỡ những con người “thiền nhân trong chốn giang hồ”, ta lại thấy một Khúc Hồng Thiện nhẹ nhàng, nhân từ, và đẹp.

Với Khúc Hồng Thiện, văn hóa là sự tiếp nối giữa các thế hệ: xưa và nay, quá khứ và hiện tại hướng tới tương lai. Trên hành trình ấy, “cây cầu” trở thành cầu nối, trạm trung chuyển những tinh hoa văn hóa, những kết tinh hồn dân tộc. Quá khứ của chúng ta, quá khứ của dân tộc chính là nơi khơi nguồn của ngọn lửa ấm áp ấy. Những anh hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước, những người kết tinh nên những tác phẩm nghệ thuật mang tư tưởng của thời đại, chính là những ngọn lửa luôn rực sáng xuyên suốt không gian và thời gian, mênh mông vô tận. Sự ấm áp của ngọn lửa ấy sưởi ấm và lay động trái tim của những thế hệ tiếp nối luôn biết tri ân, trân quý, lưu giữ và kết nối, làm cho ngọn lửa ấy tiếp tục cháy sáng không bao giờ tắt. Họ giống như một “thiền nhân giang hồ”, cứ ẩn mình nhưng vẫn hiện sáng lấp lánh bằng những việc làm, những cử chỉ cao đẹp. Như đồng chí Vũ Khoan, như Dzũ Kha, nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung, nhóm Nhân sĩ Hà Đông, nhà thơ Trịnh Thanh Sơn, những cựu chiến binh, những con người ngày đêm làm công việc thiện nguyện, công việc cứu người, thể hiện tình tương thân tương ái… Họ chính là những “cây cầu” nối, thắp sáng tiếp ngọn lửa cho tương lai.

Chúng ta đang sống ở thời đại 4.0, thời đại của khoa học công nghệ, có rất nhiều thứ mới mẻ làm chúng ta mê đắm. Nhưng dường như Khúc Hồng Thiện lại ẩn mình, lùi sâu vào bên trong, bỏ lại tất cả ồn ào, ánh sáng lấp lánh để chắt lọc và tận hưởng những dư vị ngọt ngào mà các “thiền nhân giang hồ” lắng đọng lại. Với Khúc Hồng Thiện, “thiền nhân giang hồ” ấy có thể là con người ở mọi ngành nghề khác nhau. Nhưng cũng có khi nó là một hình ảnh sự vật rất đỗi bình dị quen thuộc. Sống trong khung cảnh phố phường, nhưng anh vẫn thường ngồi nghĩ miên man, suy tưởng về thời thơ ấu - nơi có đường làng đá sỏi, dòng sông quê hương tắm mát tuổi thơ, tiếng trống trường thuở học trò xa xăm vọng lại. Những hình ảnh rất đỗi bình dị ấy, tưởng rằng “chẳng có gì để nhớ lại hóa chẳng có thể quên được và cũng chẳng có gì thay thế nổi”. Có thể nói, nghệ thuật là một hình thức sáng tạo ở một tầm cao của tư tưởng, nhưng nó lại được khởi nguồn từ dòng chảy của những hoài niệm, vọng tưởng vốn xuất phát từ những điều chân thật nhất: “Tôi dang tay ôm nước vào lòng/ Sông mở nước ôm tôi vào dạ”. Giống như bản thân Khúc Hồng Thiện: “…mỗi khi về làng, tôi cứ bình yên mà đi với những hão huyền thơ phú, với một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết khát khao, với em…”.

3(2).jpg

Có thể thấy, chỉ qua một tập Gươm đàn nửa gánh, chúng ta đã thấy khả năng viết của Khúc hồng Thiện trong nhiều năm rong ruổi nghề báo của mình. Đa dạng, phong phú ở mọi nội dung, thể loại. Chất của một người làm báo hòa quện với chất của một chàng trai lãng tử yêu thơ văn. Sự chỉn chu trong từng bài viết được thể hiện khá rõ ràng ở cách viết, cách lập luận, triển khai nội dung, và ngôn ngữ riêng cho từng đề tài. Thông tin đăng tải là thông tin chính xác, đã có căn cứ, chúng thực rõ ràng. Chẳng hạn khi viết về nghị trường Quốc hội, Vì là thông báo, phản ánh nên ngôn ngữ cũng mang đậm tính quốc dân, phổ biến rộng rãi, cô đọng, súc tích, không cụ thể hóa, trừu tượng hóa, không thêm bớt khi phản ánh các sự kiện với mong muốn truyền tải thông tin một cách trung thực nhất.

Khi bàn về những vấn đề cần sự đối thoại như bàn về giáo dục, tác giả đi sâu vào thực tế với những dẫn chứng cụ thể, nhằm mang tính khách quan trong việc cùng nhau thảo luận, tranh luận nhằm mong muốn một sự thay đổi thiết thực, phù hợp với xu thế phát triển trung của xã hội trên nền tảng giáo dục căn bản. Ngôn ngữ cũng mang tính phản biện mạnh mẽ, nhiều câu văn có tính biểu cảm cao thể hiện một thái độ khẩn thiết, mong mỏi, sự cấp thiết phải thay đổi.

Nhưng khi viết về những đề tài liên quan đến giá trị văn hóa, nghệ thuật, ngôn từ cũng trở nên có hình ảnh hóa hơn, mang tính biểu tượng, tương trưng cho những đặc sắc riêng của phông văn hóa dân tộc. Với những bài viết về đề tài này, người đọc dường như cũng được thả lỏng tâm trạng cùng tác giả để chiêm nghiệm, lắng nghe những thanh âm, hương sắc, những lắng đọng của hương hồn dân tộc. Những so sánh, ví von làm cho bài viết trở nên lôi cuốn, sinh động, giàu xúc cảm, dễ đi vào tâm trí người đọc.

Có thể nói tập sách Gươm đàn nửa gánh bao gồm 68 bài viết phù hợp với đông đảo công chúng bạn đọc: một độc giả muốn nắm bắt thông tin về đường lối của Đảng, hay một người muốn học hỏi theo nghề báo, muốn trau dồi thêm kĩ năng viết thì có thể đây là một tài liệu rất đáng để quan tâm. Những bài viết trong tập sách đáp ứng đủ yêu cầu về nội dung lẫn hình thức của một bài báo. Không chỉ vậy, nó còn có một sự xuyên suốt trong cách nhìn nhận của tác giả về những điều đang diễn ra trong cuộc sống. Giống như lời tựa của cuốn sách được tác giả gửi gắm trong bài thơ Cỏ ơi: “Thắng thua sau mỗi trận cầu/ Ai còn nhớ cỏ nát nhàu dưới chân”. Dù đá ở đâu, đá khi nào, trong thời bình hay thời chiến, trong bình yên hay dịch bệnh thì bóng vẫn lăn, người vẫn đá, vẫn là dòng người reo hò cổ vũ. Bị giẫm đạp nhàu nhĩ, bị đau nhưng vẫn luôn nhường nhịn, nâng niu, không chịu cúi đầu. “Cỏ” đây có chăng là hình ảnh một nước Việt Nam nhỏ bé, trải qua bao thăng trầm của lịch sử nhưng vẫn đứng vững, hiên ngang sánh vai với bố bể năm châu. Hay có chăng “cỏ” chính là mỗi người dân Việt Nam qua hàng ngàn thế hệ, bị đàn áp, tù túng, nghèo đói vẫn vươn lên, giải phóng bản thân, giải phóng dân tộc, ngày đêm cống hiến cho sự phồn vinh của đất nước. “Cỏ” đây cũng có lẽ chăng chính là con người Khúc Hồng Thiện muốn hướng tới, nhân từ và đẹp, “Cứ xanh như thể một lần”, giống như câu nói trong Thép đã tôi thế đấy của nhân vật Pavel Korchagin: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí…”. Với Khúc Hồng Thiện, có lẽ chăng mỗi chúng ta ai ai cũng hãy làm tốt bổn phận của mình, không phân biệt cao thấp, sang hèn, dù là làm gì đi chăng nữa chỉ cần cố gắng làm thật tốt thì cuộc sống mới thật trở nên ý nghĩa:

…Nếu mưa xin hãy thấm sâu đất lành

Cỏ ơi vạn kiếp cứ xanh

Dệt thảm biếc trước khung thành đối phương

Rồi đêm yên phận bình thường

Mặt trời lên, nhỏ lệ- sương. Chân người.

Phụng Thiên