Tin địa phương

Xây dựng làng nghề gắn với phát triển du lịch

Trần Tú 07/10/2024 - 16:57

Phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với du lịch và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Nghệ An hứa hẹn sẽ đem lại những giá trị bền vững, khai thác hiệu quả tối đa nguồn lực, thế mạnh địa phương.

Xác định rõ điều đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023-2030”.

Trọng tâm cho mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ khôi phục, bảo tồn được ít nhất 01 nghề truyền thống và 01 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; Công nhận mới ít nhất 18 làng nghề, ít nhất 01 làng nghề truyền thống, trong đó có 02 làng nghề gắn với du lịch; Trên 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; Có ít nhất 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỳ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; phấn đấu mỗi năm tổ chức từ 03- 04 lớp dạy nghê, truyền nghề tại các làng nghề; Có ít nhất 01 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân các làng nghề đạt khoảng 10%/năm;…

z5875951523103_8e5468e92625ff2604f30093e8436674(2).jpg
Những sản phẩm làm từ mây tre đan được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Theo số liệu thống kê năm 2023, Nghệ An là tỉnh có số lượng làng nghề không hề khiêm tốn, toàn tỉnh có đến 189 làng nghề. Trong đó, làng nghề có Hợp tác xã 18, 17 làng nghề có sản phẩm đạt chuẩn OCOP.

Các làng nghề trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả chiếm tỷ lệ cao và giải quyết việc làm cho gần 24.000 lao động địa phương.

z5905411586296_2f4c3a0a6776e1dcae0ac40ae825b7cc.jpg
Nghệ An là địa phương có nhiều vùng nguyên liệu đáp ứng cho làng nghề phát triển

Trên thực tế, bảo tồn và phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân; bảo vệ, giữ gìn cảnh quan góp phần xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Đồng thời, việc bảo tồn này sẽ phát huy được giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, vùng, miền, địa phương khác nhau.

Những lợi thế trong phát triển làng nghề đã được chứng thực suốt chiều dài phát triển, tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ khôi phục, bảo tồn được ít nhất 02 nghề truyền thống và 02 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; Công nhận mới ít nhất 30 làng nghề, 3 làng nghề truyền thống, trong đó có 04 làng nghề gắn với du lịch; Trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả.

Có ít nhất 01 làng nghề truyền thống và 12 làng nghề có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mồi xã một sản phấm (OCOP); Nâng kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề đạt khoảng 8,5 triệu USD/năm;…

z5875947046994_a02dbb9da57594ee40f37bee02a4e208.jpg
Làng nghề dệt thổ cẩm ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vừa bảo lưu những nét văn hóa của đồng bào vùng cao vừa tạo việc làm cho lao động địa phương

Nghệ An là tỉnh có địa hình đa dạng phù hợp phát triển du lịch với các vùng được du khách biết đến như Quế Phong, Nghĩa Đàn, Con Cuông, Kỳ Sơn, Cửa Lò,…Do đó, kế hoạch xây dựng làng nghề phát triển gắn với du lịch sẽ mang lại tín hiệu tích cực, tạo đà cho các sản phẩm dễ dàng đến tay người tiêu dùng.

Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh Nghệ An cần phải huy động tối đa các nguồn lực xã hội và sự hỗ trợ của Nhà nước để tạo điều kiện tối đa cho các làng nghề cả về vật lực cũng như chính sách.

Phát triển hài hòa các cơ sở ngành nghề quy mô vừa và nhỏ, đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong các làng nghề, kết hợp công nghệ hiện đại với công nghệ truyền thống để phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Mặt khác, phát triển làng nghề gắn với thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu, phù hợp với chiến lược và định hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tăng trưởng xanh, phát triển mô hình sản xuất tuần hoàn khép kín tiết kiệm nguyên liệu, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ số trong quản lý, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm của làng nghề.

z5876067895429_6948b1c6444d0ce999c2c99dc8a6db75.jpg
Làng nghề nước mắm Hải Giang 1 ngày càng khẳng định vị trí trên thị trường

Để làng nghề có nguyên liệu để sản xuất, các địa phương phải có phương án duy trì và phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề. Điển hình như: Cây lùng ở Quỳ Châu, Quế Phong; Mây, tre, mét ở Con Cuông, Tương Dương và Thanh Chương; Đậu làm tương ở Nam Đàn và Diên Châu; Mít ở Thanh Chương, Đô Lương và Tân Kỳ; Rễ hương ở Quỳ Châu, Quỳnh Lưu; Mía ở Nghĩa Đàn; Trồng dâu ở Đô Lương, Tân Kỳ và Diễn Châu…

Điều kiện cần để làng nghề thích ứng với xu thế thị trường là đào tạo và phát triển được nguồn nhân lực cho các làng nghề. Trong đó, tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng dạy học, thiết kế mẫu mã sản phẩm và xu hướng thị trường; Hỗ trợ đào tạo cho người lao động tại làng nghề nâng cao trình độ kỹ năng nghề, vệ sinh an toàn lao động, kiến thức công nghệ thông tin cơ bản, chuyển đổi số kiến thức kinh doanh.

Tình trạng chung hiện nay, các làng nghề đang phải đối diện về cải tiến chất lượng, mẫu mã thiết kế, tính thẩm mĩ để bắt nhịp yêu cầu của người tiêu dùng, thị trường đầu ra,…

Do đó, để đáp ứng với những đòi hỏi trong xu thế cạnh tranh, các làng nghề buộc phải tự làm mới mình, không ngừng “biến đổi” tích cực để vươn lên.

Trần Tú