Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu
Ngày 7/10, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và vai trò của công nghệ số trong phát triển kinh tế số tỉnh Thanh Hóa”. Đây là chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Thanh Hóa phát biểu khai mạc Hội thảo. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là những yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế và xã hội đang đối mặt với nhiều thách thức về môi trường và sự phát triển bền vững.
Trong thời đại ngày nay, chuyển đổi số không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ thông tin mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới.
Cùng với đó, chuyển đổi xanh không chỉ là phát triển, ứng dụng công nghệ hướng tới môi trường mà còn thay đổi cả quy trình sản xuất - kinh doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và xanh tạo ra một mô hình phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thanh Hóa đang từng bước đi trên con đường thịnh vượng trong đó có thành quả của chuyển đổi số. Năm 2022, Thanh Hóa đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước về xếp hạng chuyển đổi số. Trong đó, chính quyền số xếp thứ 16, kinh tế số xếp thứ 14, xã hội số xếp thứ 13 (kết quả năm 2023 chưa công bố). Đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa đã có 114 xã, phường, thị trấn được công nhận hoàn thành chuyển đổi số cấp xã...
Để đạt được mục tiêu của mình, cả hệ thống chings trị ở Thanh Hóa vào cuộc. Có được kết quả trên là do tỉnh cóTừ trên xuống dưới đề ra lộ trình về chuyển đổi số rất rõ ràng, hợp lý và bố trí nguồn lực phù hợp để tổ chức, sắp xếp các nhiệm vụ chuyển đổi số theo thứ tự ưu tiên (lĩnh vực nào doanh nghiệp, người dân cần thì tập trung chuyển đổi trước; thực hiện chuyển đổi từng lĩnh vực, tiến tới chuyển đổi tổng thể và toàn diện); thực hiện chuyển đổi số thông qua mô hình thí điểm thành công rồi mới nhân rộng.
Chính quyền, doanh nghiệp và người dân nhận thức và hành động chuyển từ các phương thức truyền thống sang phương thức số, môi trường số, làm việc với công nghệ số... góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu Việt Nam đã định hướng mô hình tăng trưởng dựa trên kinh tế số trong bối cảnh quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số, nâng cao tỷ trọng đóng góp của kinh tế số trong GRDP của tỉnh Thanh Hóa.
Chia sẻ các giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ngành, lĩnh vực; chuyển đổi số trong doanh nghiệp gắn với chuyển đổi xanh, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng suất lao động; giới thiệu các nền tảng, giải pháp số để chuyển đổi số và áp dụng vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh làm tăng năng suất, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp...
Tại Hội nghị, UBND tỉnh Thanh Hóa đã tôn vinh, khen thưởng 35 tập thể và 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác chuyển đổi số. Tổng kết, trao giải cuộc thi trực tuyến trắc nghiệm tìm hiểu về CĐS tỉnh Thanh Hóa năm 2024, Ban tổ chức đã trao 28 giải/4 tuần, gồm 4 giải Nhất, 4 giải Nhì, 8 giải Ba, 12 giải Khuyến khích.