70 năm Giải phóng Thủ đô: Những mảnh ghép ký ức đặc biệt
70 năm trôi qua kể từ ngày Hà Nội chính thức được giải phóng (10/10/1954 - 10/10/2024), đánh dấu một bước chuyển mình to lớn, mở ra một thời kỳ mới hết sức vẻ vang trong lịch sử Thủ đô và nước nhà, những câu chuyện in mùi khói lửa, đậm màu thời gian vẫn còn vang vọng mãi đến tận bây giờ.
Tháng 12/1946, Pháp liên tục gửi Tối hậu thư yêu cầu ta giải tán lực lượng chiến đấu và giao quyền kiểm soát Hà Nội, nếu không ngày 20/12 chúng sẽ hành động.
Đứng trước nguy cơ “nước mất, nhà tan”, nền độc lập bị đe dọa nghiêm trọng, quân và dân Thủ đô phải đứng lên chiến đấu. 8 giờ 3 phút tối ngày 19/12/1946, đèn điện trong thành phố vụt tắt, một tiếng nổ vang lên từ nhà máy điện Yên Phụ, đặt một hiệu lệnh toàn quốc kháng chiến. Hà Nội bước vào những ngày kháng chiến kiến quốc.
Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng lòng yêu nước, quyết tâm đánh giặc của người dân Hà Nội, quân và dân 60 ngày đêm giữ lời thề quyết tử, ra sức chiến đấu giành lại cuộc sống bình yên cho thủ đô - trái tim đỏ của cả nước.
Với khẩu hiệu “mỗi người dân là một người lính, mỗi ngôi nhà là một pháo đài, mỗi con phố là một chiến tuyến”, người Hà Nội chiến đấu anh dũng bảo vệ từng căn nhà, ngõ nhỏ, quyết kìm chân địch để Trung ương rút lên Việt Bắc cùng 38 nghìn đồng bào an toàn tản cư; “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
Lật giở những trang ký ức, giữa bom rơi đạn nổ, tình quân dân vẫn sáng ngời vượt lên trên những khó khăn thử thách. Chính sự quan tâm của người dân Hà Nội đã trở thành một phần động lực để những người chiến sĩ thêm mạnh mẽ tiếp tục chiến đấu, nhóm lên ngọn lửa tình thương giữa người với người.
Những ký ức ấy vẫn đọng lại sâu sắc trong trái tim của người lính Nguyễn Ích Trung đến tận bây giờ: “Người dân chuẩn bị cơm nước chu đáo cho gần 30 người chúng tôi, họ bảo rằng để bộ đội tập trung chiến đấu…Chúng tôi thấy tình cảm của bà con Hà Nội đối với những người lính ở xa về một cách rất đặc biệt".
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của quân và dân ta, cuộc kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi vang dội trong trận quyết chiến chiến lược tại Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ (20/07/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc Việt Nam.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, nước ta đã chấm dứt được cuộc chiến tranh xâm lược và sự thống trị của Pháp gần một thế kỉ.
16 giờ ngày 9/10/1954, lính Pháp rút qua cầu Long Biên, lần lượt rời khỏi Hà Nội; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố.
Sáng ngày 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân vào Hà Nội. Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô nô nức đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về trong rừng cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới, với những nụ cười hạnh phúc trong ngày giải phóng.
Trong ký ức của ông Lê Văn Tính, Nguyên chiến sĩ Trung đoàn 102 (Trung đoàn thủ đô), là người trực tiếp tham gia Giải phóng thủ đô vẫn vẹn nguyên từng khoảnh khắc đáng nhớ của ngày trở về: “5 giờ sáng, rời làng Phùng, chúng tôi theo đường 32 tiến về Hà Nội. Qua Cầu Diễn hiện ra trước mặt: Hà Nội một rừng cờ hoa, biểu ngữ, khẩu hiệu, các kiểu chữ rất cầu kì. Nhân dân đông đảo đứng hai bên đường vẫy cờ hoa đón chào hàng quân chỉnh tề diễu qua, những ánh mắt ướt lệ, những cánh tay chơi vơi giơ ra như muốn ôm chặt lấy người thân xa lâu ngày gặp lại…”.
Người chiến sĩ ấy cũng không nén nổi nỗi xúc động khi bồi hồi nhớ lại từng câu chữ trong bức thư Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Thủ đô buổi chiều ngày ấy: “Lời thư thân mật, tha thiết, trong không khí thiêng liêng, lòng tôi xúc động rưng rưng nước mắt…’’.
Kể về ký ức hào hùng trong ngày chiến thắng trở về, chiến sĩ - Đại tá Bùi Gia Tuệ không giấu được niềm xúc động, hạnh phúc và tự hào khi là một trong những người đầu tiên trở về tiếp quản Thủ đô.
Ông nghẹn ngào: “Xe của tôi là xe thứ ba, đi sau xe của Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng. Đi vào từ Hà Đông, đến Cửa Nam, đi qua Hàng Đậu, Hàng Ngang, Hàng Đào; sau đó đi ra Bờ Hồ và quay về Cột cờ Hà Nội để làm lễ chào cờ”.
Với người chiến sĩ “người ra đi đầu không ngoảnh lại” cùng lời thề son sắt “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, khoảnh khắc được trở về thật sự là vô giá: “Nghĩ là ngày đi không có ngày trở về, vậy mà lại được trở về trong tư thế chiến thắng, là người con thủ đô lại được trở về với thủ đô. Tôi rất trân quý, cảm động và xúc động, tự hào vì đã được trở về thủ đô để tiếp tục cống hiến cho thủ đô, cho đất nước, cho nhân dân”, ông Tuệ bộc bạch.
Quá khứ đã lùi xa nhưng mỗi khi nhắc lại vẫn bồi hồi khôn xiết, bởi đó là xương máu của những người chiến sĩ đã ngã xuống quyết tâm bảo vệ nền độc lập hôm nay; là những trang sử vẻ vang, chói lọi đã ghi tạc vào lịch sử, nhắc nhở mỗi chúng ta về một thời oanh oanh liệt liệt. Đó là những kí ức suốt đời không thể quên của những người lính quả cảm, kiên cường bên những người đồng đội của mình.
Những mảnh ghép ký ức đặc biệt đã tạo nên một bức tranh nhuốm màu thời gian, dấy lên trong mỗi người cảm xúc tự hào, xúc động khi cùng trở về quá khứ, trở về với những tháng ngày quân và dân Thủ đô Hà Nội anh dũng chiến đấu để giữ sự yên bình, tự do ngày hôm nay.
Trước sự xoay chuyển vần vũ của nhịp sống hiện đại, tất cả chúng ta, đặc biệt là những người trẻ, tiếp tục xây dựng và phát triển quê hương đất nước, hướng về Thủ đô thân yêu giữa những ngày mùa thu Hà Nội mừng kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), tự hào là người con Việt Nam.