Nam Định: Huyện Giao Thủy phát huy tiềm năng thế mạnh kinh tế biển

Đời sống - Ngày đăng : 13:58, 04/05/2017

Huyện Giao Thủy (Nam Định) từng bước xây dựng trở thành huyện trọng điểm về nuôi trồng thủy hải sản, là điểm tham quan, du lịch hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

Với 32 km bờ biển, 12.000 ha diện tích đất mặt nước ven biển, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Giao Thủy đã nỗ lực, đoàn kết, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tập trung phát triển kinh tế biển đồng bộ, bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, yêu cầu của thị trường và hội nhập quốc tế; từng bước xây dựng huyện Giao Thủy trở thành huyện trọng điểm về nuôi trồng thủy hải sản, là điểm tham quan, du lịch hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

Bứt phá từ kinh tế biển

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển, nhất là Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ huyện khóa XXIV về “Phát triển kinh tế biển”; Đề án số 270 của UBND huyện về “Phát triển thuỷ sản bền vững”, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Giao Thủy đã biến những vùng biển, vùng đất nhiễm mặn, đất cát hoang hóa, bạc màu thành những vùng nuôi ngao, những ao tôm, ao cá có giá thương phẩm cao.

Nam Định: Huyện Giao Thủy phát huy tiềm năng thế mạnh kinh tế biển

Khai thác ngao tại xã Giao Xuân (Giao Thuỷ)

Nuôi trồng thuỷ hải sản là thế mạnh của huyện, nhất là trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản mặn lợ. Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thuỷ sản toàn huyện là 5.125 ha, trong đó, diện tích nuôi nước ngọt: 1.185 ha; diện tích nuôi mặn lợ: 3.940 ha (diện tích nuôi chuyên tôm 433 ha, nuôi quảng canh kết hợp 1.709 ha, diện tích nuôi ngao 1.773 ha). Đối với nuôi trồng thuỷ sản mặn lợ, tăng nhanh cả về diện tích, sản lượng và chủng loại sản phẩm, trong đó chủ yếu tập trung nuôi các giống có giá trị kinh tế cao như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, ngao, cá bống bớp... riêng năng suất tôm thẻ chân trắng bình quân đạt 7-8 tấn/ha/năm; nuôi nhuyễn thể (ngao, vạng) phát triển mạnh, nhiều hộ đạt doanh thu hàng tỷ đồng/năm.

Lĩnh vực chế biến được duy trì và phát triển ở một số địa phương có nghề truyền thống, sản phẩm chủ yếu là nước mắm, mắm tôm, cá khô tập trung ở xã các Giao Hải, Giao Châu, Giao Yến và các xã ven biển. Sản lượng nước mắm bình quân đạt 1.300.000 lít/năm, mắm tôm đạt trên 100 tấn/năm, tôm cá khô đạt 300 tấn/năm. Các sản phẩm chế biến của địa phương như nước mắm Sa Châu đã có thương hiệu và được tiêu thụ trên khắp cả nước. Việc chủ động trong sản xuất, cung ứng con giống thủy sản cũng được huyện quan tâm, chú trọng, đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành, phát triển được hơn 90 trại, cơ sở sản xuất giống thuỷ sản, các loại giống cơ bản được sản xuất là: tôm sú, ngao, hàu, tu hài, cua biển, cá bống bớp, cá thủ song, cá hồng mỹ…với số lượng sản xuất hàng tỉ con giống/năm đã đáp ứng được nhu cầu giống trên địa bàn huyện và cung ứng cho các huyện bạn, tỉnh bạn. Trên địa bàn huyện cũng đã hình thành hệ thống cung ứng vật tư, thức ăn, thuốc thú y thuỷ sản, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, hệ thống thủy lợi, điện, đường phục vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đã và đang được hoàn thiện. Trong đó, đã hoàn thành các Dự án phục vụ nuôi tôm ở xã Giao Phong, Bạch Long, Giao Thịnh, Giao Hải, vùng nuôi thuỷ sản tổng hợp Giao Long; dự án cải tạo hệ thống thủy lợi Cồn Ngạn.

Hiện một số Dự án đang được tích cực triển khai: Dự án nuôi thuỷ sản tập trung tại xã Giao Phong, Dự án sản xuất giống thuỷ sản tại xã Bạch Long. Từng bước hỗ trợ vốn và vận động ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá có công suất lớn; đến nay đã hình thành 8 tổ hợp tác khai thác thủy sản với 165 tàu công suất trên 90 CV tham gia, chiếm gần 83% tổng số phương tiện công suất trên 90 CV; 19 tổ, đội với 550 tàu công suất dưới 20 CV tham gia; 63 tàu được trang bị máy thông tin, liên lạc, 2 tàu được trang bị máy vệ tinh tầm xa MOVIMAR.

Có thể nói trong 5 năm qua (giai đoạn 2011 - 2015), những kết quả đạt được trong khai thác, nuôi trồng thủy hải sản của huyện nhà đã đạt và vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết mà BCH Đảng bộ huyện khóa XXIV đề ra. Đến nay, toàn huyện đã có trên 1.000 cơ sở nuôi trồng thủy hải sản và trên 90 trại, cơ sở sản xuất con giống thủy sản. Toàn huyện đang duy trì tốt đội tàu đánh bắt thủy sản với 819 chiếc, tổng công suất đạt trên 40.000 CV; đội tàu đánh bắt xa bờ (7 tàu cá vỏ thép) đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ ra khơi khai thác hải sản và bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế. Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản bình quân đạt 33.841 tấn/năm; giá trị sản xuất đạt 839,894 tỷ đồng/năm; trong đó sản lượng khai thác: 11.109 tấn/năm, giá trị sản xuất: 247,547 tỷ đồng/năm; sản lượng nuôi trồng: 22.732 tấn/năm, giá trị sản xuất đạt: 543,509 tỷ đồng/năm. Giá trị dịch vụ: 48,838 tỷ đồng/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị bình quân đạt 11,8% /năm. Riêng năm 2016, sản lượng thủy sản toàn huyện đạt 43.750 tấn (trong đó nuôi trồng 31.286 tấn, khai thác 12.464 tấn), góp phần tạo thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho nhân dân huyện nhà.

Diêm nghiệp cũng được huyện quan tâm, phát triển và ứng dụng KHKT vào trong sản xuất, toàn huyện hiện có 359 ha diện tích làm muối, sản lượng đạt trên 16.000 tấn; muối tinh, sạch Giao Thủy đã và đang được người dân trong và ngoài tỉnh ưu chuộng.

Nam Định: Huyện Giao Thủy phát huy tiềm năng thế mạnh kinh tế biển

Bãi tắm Quất Lâm, huyện Giao Thủy

Cùng với khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, Giao Thủy tập trung chú trọng khai thác, phát triển du lịch biển. Được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng với Vườn Quốc gia Xuân Thủy - địa danh đầu tiên tham gia công ước Ramsar của Việt Nam và Đông Nam Á cùng hệ sinh thái đất ngập nước hết sức phong phú, đa dạng, nhiều loài chim di cư quý hiếm có tên trong sách đỏ quốc tế; Biển Giao Thủy có nhiều bãi cát trải dài, thoải mịn, nhiều nắng và gió, nhất là bãi biển Quất Lâm; Huyện còn có diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng lớn với hệ động, thực vật phong phú và quý hiếm cùng nền văn hóa mở đất tiêu biểu của cư dân đồng bằng châu thổ sông Hồng với hàng trăm di tích, công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc là điều kiện thuận lợi để nghiên cứu khoa học và phát triển các loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.

Để khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, những năm qua, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả; đã ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch, chương trình về phát triển du lịch huyện trong từng năm, từng giai đoạn. Đến nay, ngành du lịch Giao Thủy đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động du lịch từng bước được hoàn thiện, trên địa bàn huyện hiện có 196 cơ sở lưu trú du lịch, với 1.209 phòng nghỉ, trong đó có 15 khách sạn được xếp hạng: 04 khách sạn 2 sao, 11 khách sạn 1 sao; doanh thu du lịch toàn huyện đến năm 2016 đạt 121 tỷ đồng, tổng lượt khách tham quan đạt 370.000 lượt khách.

Nâng cao giá trị nguồn lợi thủy sản, tạo đột phá trong phát triển du lịch

Bên cạnh những mặt đạt được trong khai thác tiềm năng lợi thế về biển, huyện Giao Thủy cũng còn những mặt hạn chế như: Tiềm lực đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của một huyện ven biển. Các dự án trong khu du lịch triển khai chậm, đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Quy trình khai thác, đánh bắt, chế biến nguồn lợi thủy - hải sản và hoạt động dịch vụ hậu cần chủ yếu với quy mô nhỏ, lạc hậu.

Ngày 10/10/2016, BCH Đảng bộ huyện khóa XXV đã ra Kết luận 02 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 05-NQ/HU đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đến năm 2020: "Tiếp tục xác định kinh tế biển là ngành kinh tế quan trọng của huyện. Phát triển kinh tế biển đồng bộ, bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, yêu cầu của thị trường và hội nhập quốc tế". Các mục tiêu cụ thể là:

Về thủy sản: Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản: 5.145 ha, trong đó có ít nhất 20 ha chuyển đổi từ sản xuất muối hiệu quả thấp sang nuôi trồng thủy sản. Sản suất thủy sản ven biển chiếm 86,4% giá trị sản xuất kinh tế biển, tốc độ tăng trưởng bình quân 6,6%/năm, sản lượng nuôi trồng và khai thác: 52.700 tấn trở lên, giá trị sản xuất từ 1.400 đến 1.500 tỷ đồng/năm.

Về du lịch: Tổng lượng khách đến tham quan du lịch tại địa phương đạt 500.000 lượt người/năm. Tổng doanh thu dịch vụ du lịch đạt 185 tỷ đồng/năm trở lên, chiếm 11,4% giá trị sản xuất kinh tế biển. Tổng số lao động trực tiếp làm việc trong ngành du lịch 1.000 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%. 100% cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch được thẩm định, xếp hạng. Phấn đấu có khách sạn được xếp hạng 3 sao. Giá trị tăng thêm của ngành du lịch bình quân tăng 15- 20%/năm.

Để thực hiện mục tiêu trên, trong thời gian tới, Giao Thủy tập trung tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và năng lực quản lý Nhà nước về biển và bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh ứng dụng KHCN, phát triển kỹ thuật tiên tiến trong khai thác, đánh bắt và nuôi trồng thủy, hải sản; xây dựng Giao Thủy trở thành Trung tâm sản xuất giống thủy sản nước mặn, lợ của tỉnh; tập trung sản xuất các đối tượng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh và có thị trường tiêu thụ lớn như: tôm sú, ngao, bống bớp.

Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho các phương tiện đánh bắt xa bờ; huy động các nguồn lực để đóng mới, cải hoán tầu thuyền, đầu tư các thiết bị cần thiết để ngư dân an tâm bám biển. Phát triển và nhân rộng các mô hình như: Hội Nhuyễn thể, HTX NTTS.... Khai thác, nâng cao chất lượng và tiêu thụ sản phẩm sau đánh bắt; phát huy nguồn lực tại chỗ và thu hút các thành phần kinh tế đầu tư khai thác, phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến, tiêu thụ sản phẩm thủy sản, nhất là đẩy mạnh hợp tác mở rộng ngành nghề, làng nghề chế biến thủy sản.

Nam Định: Huyện Giao Thủy phát huy tiềm năng thế mạnh kinh tế biển

Đoàn thuyền đánh cá ở huyện Giao Thủy

Tập trung xúc tiến mời gọi đầu tư vào Khu du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển Giao Phong (đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích trên 253,78 ha) thành khu nghỉ dưỡng cao cấp; chú trọng việc đầu tư vào các dịch vụ phụ trợ, trước mắt đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch sinh thái VQG Xuân Thủy; dự án Rừng và Đồng bằng do nước ngoài tài trợ trên địa bàn huyện; trên cơ sở mô hình Bảo tàng Đồng Quê và mô hình du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Giao Xuân, triển khai và nhân rộng loại hình du lịch này trên địa bàn các xã, thị trấn. Tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên, nâng cấp hệ thống đê biển, đê sông; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ nhu cầu dân sinh, phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng - an ninh và các khả năng ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, nhất là bão, triều cường và xâm nhập mặn của nước biển.

Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống cùng những thành tựu đạt được, tiếp tục khơi dậy các tiềm năng, lợi thế, nhất là tiềm năng về kinh tế biển, hy vọng Giao Thủy sẽ có thêm điểm tựa để phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ nhanh và bền vững; tạo tiền đề thực hiện thắng lợi mục tiêu sớm đưa Giao Thủy hoàn thành tiêu chí huyện Nông thôn mới trước năm 2020, là Trung tâm kinh tế - văn hóa phía Đông Nam tỉnh Nam Định.

Mai Thanh Long