Cần Thơ: Thực tập phương án phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp thành phố năm 2024
Sáng 4/10, UBND TP Cần Thơ tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cấp thành phố năm 2024, có sự phối hợp của Công an tỉnh Hậu Giang và Vĩnh Long.
Đây là phương án quy mô cấp thành phố huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia (17 cơ quan, đơn vị, địa phương) như: Công an thành phố, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa thành phố, Công ty Điện lực, Công ty Cổ phần cấp nước Cần Thơ 2, Tổng kho xăng dầu Miền Tây, lực lượng PCCC cơ sở, các đơn vị chủ quản trên địa bàn quận Ninh Kiều và các đơn vị chức năng trực thuộc Công an thành phố…
Trong đó, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an thành phố là lực lượng chủ yếu, nòng cốt. Đặc biệt, có sự tham gia phối hợp của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Vĩnh Long và Công an tỉnh Hậu Giang.
Theo thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2024, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an thành phố đã điều động 495 lượt cán bộ, chiến sĩ và 65 lượt phương tiện tham gia cứu chữa 15 vụ cháy, tham gia cứu nạn, cứu hộ 19 vụ tai nạn, sự cố;
Trực tiếp cứu được 6 người, hướng dẫn thoát nạn trên 30 người, tìm kiếm được 12 thi thể nạn nhân, cứu và bảo vệ được trên 50 ngôi nhà, công trình cùng lượng lớn tài sản ước tính hàng trăm tỷ đồng.
Tình huống giả định tại buổi thực tập, trong quá trình tổ chức sự kiện do hệ thống điện tại khu vực sân khấu hội trường tầng 3, Khách sạn Mường Thanh Cần Thơ (27 tầng) gặp sự cố gây cháy. Do khu vực có nhiều chất dễ cháy và gặp gió lớn nên đám cháy phát triển mạnh, tỏa ra nhiệt lượng lớn kèm theo nhiều khói, khí độc.
Công tác chữa cháy ban đầu của lực lượng PCCC cơ sở không hiệu quả nên đám cháy phát triển ra toàn bộ hội trường với diện tích khoảng 500m2, ngọn lửa có thể tiếp tục cháy lan ra nhiều nơi. Do bất cẩn của khách tại phòng 7 tầng 17, không rút bàn là điện nên sinh thêm đám cháy mới tại đây.
Khi xảy ra sự cố cháy quản lý khách sạn đã kích hoạt chuông báo động và sử dụng loa để thông báo cho toàn bộ khách sạn, mọi người ở các tầng nhanh chóng di tản, chạy ra các lối thoát hiểm, thang bộ để xuống khu vực an toàn đồng thời triển khai các biện pháp chữa cháy, cứu người, cứu tài sản nhưng đám cháy vẫn còn diễn biến phức tạp.
Tại thời điểm xảy ra cháy có khoảng 650 khách, do sợ hãi nên đã xô đẩy, dẫm đạp... tìm cách thoát nạn gây ra cảnh tượng hỗn loạn, 7 người ngất xỉu tại hành lang ở tầng 3; 18 người chạy ra hướng hành lang tầng 5 phá cửa sổ trèo sang khu vực mái tôn để thoát nạn nhưng bị mắc kẹt lại; 5 người khách lưu trú đang sử dụng thang máy.
Ngay lập tức, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã điều động lực lượng, phương tiện đến hiện trường cùng với lực lượng PCCC cơ sở và các đơn vị được huy động tham gia để tổ chức công tác chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và bảo vệ các công trình lân cận.
Khi tình hình sự cố cháy, nổ có diễn biến phức tạp vượt quá khả năng ứng phó của các lực lượng tham gia của TP Cần Thơ, Công an thành phố báo cáo UBND TP đề nghị Bộ Công an điều động lực lượng, phương tiện chi viện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Qua buổi thực tập này rút ra được một số kinh nghiệm như: Hoạt động tuyên truyền, huấn luyện, hướng dẫn xây dựng và thực tập các phương án nhằm nâng cao ý thức: công tác thực tập phương án, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất chỉ huy, điều hành chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ của các lực lượng khi tham gia chữa cháy; các lực lượng tham gia tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, các thao tác, kỹ, chiến thuật xử lý phải thuần thục, nhanh chóng, đảm bảo sự chính xác cao,…
Thực tập phương án là hoạt động thường xuyên nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra các tình huống cháy, nổ.
Đồng thời, kiểm tra năng lực chỉ huy, điều hành; khả năng thường trực sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và công tác phối hợp tác chiến giữa các lực lượng có liên quan góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn thành phố.