Vĩnh Phúc: Giao thông "mở đường" cho phát triển kinh tế - xã hội
Với quan điểm “giao thông đi trước mở đường”, tạo nền tảng, động lực cho sự phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc đã ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng. Nhờ đó, thu hút đầu tư, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nhờ tập trung tối đa nguồn lực, xây dựng quy hoạch, đầu tư phát triển, kết nối hạ tầng giao thông tỉnh với các tỉnh lân cận và hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia, đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ của tỉnh tương đối hoàn chỉnh với tổng chiều dài khoảng 7.918 km. Trong đó, quốc lộ, cao tốc có tổng chiều dài trên 120 km; đường tỉnh và tương đương là 470 km; đường đô thị dài 309 km; đường huyện 693 km và đường cấp xã, giao thông nông thôn khoảng 6.406 km. Cùng với đó là 35 km đường sắt và 75 km đường thủy.
Từ khi tái lập tỉnh đến nay, hạ tầng giao thông đường bộ của Vĩnh Phúc luôn được ưu tiên nguồn lực để đầu tư cải tạo, nâng cấp kết hợp xây dựng mới theo quy hoạch được duyệt. Các tuyến đường được cứng hóa 100%, kết nối liên thông từ địa phương đến trung tâm của huyện, trung tâm của tỉnh; kết nối với các tuyến đường cao tốc, quốc lộ và các tỉnh, thành phố lân cận thông qua các công trình cầu vượt sông như cầu Vĩnh Thịnh, cầu Vĩnh Phú...
Giao thông thuận lợi đã góp phần thúc đẩy giao thương, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhờ đó, Vĩnh Phúc đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Đồng thời, việc phát triển hạ tầng giao thông cũng góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo an ninh trật tự xã hội.
Một số tuyến đường vành đai quan trọng của tỉnh chưa được đầu tư khép kín như: Đường Vành đai 2, dường Vành đai 3, đường Vành đai 4, đường Vành đai 5. Mặt khác, các nút giao trung tâm thành phố của tỉnh hiện nay cơ bản là nút giao cùng mức, dẫn đến tình trạng thường xuyên ùn tắc giao thông trong khu vực nội thành, gây ức chế cho người tham gia giao thông và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, phát sinh khói bụi, gây ô nhiễm môi trường.
Theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các tuyến đường cao tốc, quốc lộ được tích hợp theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm các tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Vành đai 5 vùng Thủ đô, Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C, Quốc lộ 2D. Đường tỉnh và tương đương gồm 47 tuyến, trong đó có 5 tuyến đường vành đai với tổng chiều dài khoảng 1.132 km.
Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ cơ bản hoàn thành các trục giao thông quan trọng như trục Bắc - Nam, trục Đông - Tây, đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội; cơ bản hoàn thành bảo đảm khép kín 5 tuyến đường vành đai cấp tỉnh; nâng cấp mở rộng đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp III đồng bằng đối với toàn bộ hệ thống đường tỉnh hiện hữu; xây dựng mới một số tuyến đường tỉnh theo quy hoạch tỉnh; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng một số nút giao khác mức để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực thành phố Vĩnh Yên.
Dự án xây dựng cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành là một minh chứng cho quyết tâm của Vĩnh Phúc trong việc giải quyết những vấn đề bức xúc về giao thông. Dự án nhóm B, công trình giao thông cấp đặc biệt, có tổng mức đầu tư 488 tỷ đồng, được khởi công xây dựng từ cuối tháng 12/2022 với mục tiêu khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông và bảo đảm an toàn giao thông tại nút giao cắt giữa đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên với đường sắt Hà Nội - Lào Cai. Dự án góp phần tạo điểm nhấn kiến trúc trong không gian đô thị, hoàn thiện hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch giao thông vận tải được duyệt.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, hạ tầng giao thông Vĩnh Phúc vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Nhiều tuyến đường đến nay chưa được đầu tư đủ bề rộng theo quy mô quy hoạch, dẫn đến hạn chế trong việc tiếp cận với các dự án kết nối như các khu đô thị, khu công nghiệp... Từ đó làm hạn chế thu hút đầu tư.
Với những nỗ lực và quyết tâm, Vĩnh Phúc đang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế - xã hội năng động của khu vực, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của cả nước. Việc đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông là minh chứng cho quyết tâm của tỉnh trong việc tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân và thu hút đầu tư.