Những kết quả đạt được sau 2 năm thực hiện Quy chế phối hợp tại TAND huyện Quỳ Hợp
Thời gian qua, việc thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa TAND huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) với các đơn vị liên quan để xử lý, giải quyết các đơn thư, tranh chấp trên địa bàn đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Quy chế thiết thực, phù hợp với tình hình địa phương
Quỳ Hợp là huyện miền núi của tỉnh Nghệ An với dân số hơn 11,5 vạn người (đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 52%), diện tích rộng, đứng thứ 7 toàn tỉnh.
Do lịch sử về quản lý, sử dụng đất đai trước đây còn nhiều hạn chế nên tình trạng tranh chấp đất trên địa bàn ngày càng nhiều. Trong khi đó chưa có quy định cụ thể làm hành lang pháp lý để ràng buộc chính quyền các xã, thị trấn phải vào cuộc trong quá trình TAND thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến cấp xã và ngược lại, nhất là trong việc hòa giải đối thoại giải quyết các tranh chấp đất đai, dẫn đến nhiều vụ việc còn kéo dài.
Để hạn chế thấp nhất việc thụ lý giải quyết tranh chấp đất đai và giải quyết dứt điểm, không kéo dài vụ việc, cần có chính quyền của các cấp, các cơ quan liên quan cùng cấp vào cuộc, đồng hành với Tòa án.
Từ những khó khăn và sự cần thiết đó, TAND huyện Quỳ Hợp đã xây dựng và ban hành hai quy chế gồm Quy chế phối hợp trong công tác giữa TAND huyện Quỳ Hợp với UBND các xã, thị trấn và Quy chế phối hợp trong công tác xử lý, giải quyết các đơn thư, tranh chấp, vụ việc phát sinh trên địa bàn huyện giữa UBND huyện, TAND huyện và VKSND huyện Quỳ Hợp.
Các quy chế được ban hành nhận được sự ủng hộ, đồng tình rất cao từ phía chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng và người dân. Với sự phối hợp chặt chẽ, mang tính đồng bộ, nhất là sau khi có quyết định thành lập tổ công tác liên ngành, nhiều vụ việc trên địa bàn đã được giải quyết dứt điểm, không phải ra tòa.
Ông Đào Văn Đạt - Chánh án TAND huyện Quỳ Hợp cho biết: “Thông qua việc triển khai thực hiện các Quy chế phối hợp đã giảm thiểu được một số lượng án phải thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng, từ đó giảm bớt khối lượng công việc thực tế cho Thẩm phán, Thư ký. Hiện các Quy chế đã và đang được các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng, người dân trên địa bàn huyện quan tâm và ủng hộ”.
“Sau 2 năm thực hiện các Quy chế phối hợp, TAND huyện Quỳ Hợp đã thụ lý 30 vụ án tranh chấp đất đai theo thủ tục tố tụng, nhưng Tòa án giải quyết thông qua các Quy chế phối hợp nên chúng tôi đã hòa giải thành công 28/30, đạt tỷ lệ 93%”, ông Đạt cho biết thêm.
Ngoài giải quyết các đơn khởi kiện, TAND huyện Quỳ Hợp còn hướng dẫn, tư vấn cách giải quyết tranh chấp đất đai cho các xã, các cơ quan chức năng tổng là 89 lượt, đã thành công 100%.
Phát huy vai trò quan trọng của tổ liên ngành
Mặc dù thời gian hoạt động chưa nhiều, nhưng tổ liên ngành được thành lập tại huyện Quỳ Hợp đã bước đầu đạt được một số kết quả quan trọng.
Việc phối hợp công tác đã huy động được trí tuệ của nhiều cá nhân, nhiều phòng, ngành trong xem xét hồ sơ, khảo sát thực địa, tổ chức làm việc giữa các bên liên quan, nên khi giải quyết các vụ việc sẽ mang tính toàn diện hơn, sát đúng và có sự đồng thuận về hướng giải quyết.
Mặt khác, tại các cuộc làm việc, hầu hết các trưởng ngành đều có mặt và phát biểu, nên đã có sức thuyết phục cao, tạo dựng được niềm tin cho nhân dân, làm cho các bên liên quan nhận thức đúng và đầy đủ về sự việc, thuận lợi trong quá trình giải quyết.
Qua 2 năm hoạt động, tổ liên ngành đã xử lý được gần 300 vụ việc; tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 90%. Qua đó, lượng đơn thư chuyển lên huyện giải quyết giảm rõ rệt (năm 2022 có 659 đơn, đến năm 2023 còn 459, giảm 200 đơn).
Để có được kết quả trên, theo ông Đào Văn Đạt - Chánh án TAND huyện Quỳ Hợp, trước khi tiến hành phiên hòa giải, tổ công tác phải làm việc riêng với từng bên nguyên đơn, hoặc bị đơn để nắm bắt các yêu cầu khởi kiện.
Sau khi lựa chọn thời điểm tiến hành hòa giải, với vai trò là người trung gian, tổ công tác phải giải thích rõ những quy định của pháp luật có liên quan đến vụ việc, giúp người dân hiểu rõ hơn quyền lợi, nghĩa vụ của mình, trên cơ sở đó tìm ra phương án thỏa thuận đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của các bên.
Ông Quán Vi Giang - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: “Tổ công tác là sự kết hợp của nhiều cán bộ tâm huyết trong công việc, biết vận dụng linh hoạt để vừa hòa giải vừa đối thoại. Trong giải quyết các vụ việc chúng tôi phải vừa cương và vừa nhu. Điều kiện làm việc tại địa bàn huyện miền núi còn rất nhiều khó khăn, dân trí thấp nên việc hòa giải cũng phải có nhiều tình tiết vận dụng linh hoạt”.
“Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chúng tôi có thể khẳng định, TAND huyện Quỳ Hợp với vai trò tham mưu cho chính quyền trong công tác thành lập Tổ liên ngành là thành công, giảm áp lực đơn thư cho chính quyền địa phương”, ông Giang cho biết thêm.
Sự ra đời của các Quy chế phối hợp và Tổ liên ngành đã góp phần rất quan trọng trong công tác giải quyết các vụ khiếu kiện kéo dài, nhiều vụ việc đã trên cả chục năm, nhiều tình tiết phức tạp nhưng hiện nay đã được giải quyết dứt điểm, hợp tình hợp lý.
Đây được xem là biện pháp khả thi và hiệu quả, khi các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng và người dân hiểu được ý nghĩa và lợi ích mà các Quy chế mang lại.