Ý nguyện của những người lính trở về từ chiến trường…
Đời sống - Ngày đăng : 07:21, 30/04/2017
Từ đơn vị anh hùng 551, người thương binh Trần Đình Chín trở về với cuộc sống đời thường, sau những dây phút vỡ òa niềm vui chiến thắng, là câu hỏi mình phải làm gì để sống khi gia tài chỉ có một chiếc ba lô đã sờn rách, với mấy bộ quần áo cũ . Ý nguyện sống để chiến đấu và chiến thắng đã giúp Trần Đình Chín vượt qua bom đạn, vượt qua những khoảnh khắc tưởng như không thể đứng dậy được . Giờ đây, ý nguyện sống để vượt lên đói nghèo lại trỗi dậy mãnh liệt . “Tôi xin vào học ở trường trung cấp nghiệp vụ xây dựng. Ở đó, tôi đã làm quen với vợ tôi sau này . Ra trường, tôi xin về làm việc ở xí nghiệp gạch ngói Đại Thành…Tôi bắt đầu đi lên như thế, từ một công nhân, từ một người chỉ có hai bàn tay trắng với ý chí phải sống, phải vượt qua khó khăn, phải làm ra những đồng tiền chân chính… Quê tôi quá nghèo, đâu đâu cũng bị đạn bom cày xới, nhà tôi có hai người em đã hy sinh trong chiến tranh …”.
Doanh nhân Trần Đình Chín
Khi ông Trần Đình Chín dẫn tôi đi xem dự án của tập đoàn quản trị TRẦN với số vốn đầu tư hàng chục triệu đô la Mỹ ở vùng biển Nha Trang, tôi thực sự ngạc nhiên . Bây giờ, tuy đã ở tuổi ngoài 70, ông vẫn rất nhanh nhẹn, say sưa với những ý định kinh doanh mới . Công viên biển TRÍ NGUYÊN mà ông đang đầu tư xây dựng chính là hồ cá TRÍ NGUYÊN nổi tiếng trước đây . Tôi vào thăm Thủy Cung, ngắm không chán mắt hàng trăm loài sinh vật biển quý hiếm… Tôi vào thăm quan khách sạn Viễn Đông, nơi con trai ông là Trần Đình Thành đang làm giám đốc . Hiện nay, ông Trần Đình Chín là Tổng giám đốc tổng công ty du lịch TRÍ NGUYÊN . Từ ý nguyện sống để chiến thắng, sống phải thoát nghèo, ông đã trở thành một doanh nhân thành đạt .
Trong những ngày đi làm báo, tôi có quen biết nhiều doanh nhân thành đạt, họ trở về từ chiến trận, trở về sau chiến thắng 30 tháng 4 .
Doanh nhân Vũ Văn Tiền, ông chủ của tập đoàn GELEXIMCO nổi tiếng, đang đầu tư hàng ngàn tỷ đồng vào nhiều công trình lớn trong cả nước, kể lại những ngày mới ra quân “Không nhà, không cửa, không nơi nương tựa, không có bất cứ thứ gì để bấu víu …”. Tốt nghiệp Học viện kỹ thuật quân sự, Vũ Văn Tiền chuyển qua học trường Kinh tế quốc dân. “Tôi là con cả trong một gia đình đông con, rất nghèo, từ một vùng quê nghèo Thái Bình ra đi…Tôi ra đi với hai bàn tay trắng, với ý chí của một người lính quyết không khuất phục khó khăn, gian khổ, không khuất phục đói nghèo, chấp nhận hy sinh…”, doanh nhân Vũ Văn Tiền tâm sự . Ông kể rằng, một lần đến chơi nhà bạn thấy đứa con mới sinh của bạn lả đi vì khát sữa, Vũ Văn Tiền cảm thấy đau nhói trong lòng…Từ đó, Vũ Văn Tiền tự hứa với mình sẽ cố gắng vươn lên để thoát nghèo, để con mình và những đứa trẻ như vậy có sữa uống, có một cuộc sống cho ra sống...Ý nguyện sống, ý nguyện thoát nghèo, ý nguyện làm giàu chân chính cũng bắt đầu từ những cảnh ngộ như vậy . Những cảnh ngộ thường tình sau chiến tranh .
Doanh nhân Vũ Văn Tiền
Ông chủ của thương hiệu vàng nổi tiếng Bảo Tín Minh Châu, doanh nhân Vũ Minh Châu nhớ lại những dây phút cả đơn vị ôm nhau reo hò hân hoan mừng chiến thắng, mừng nước nhà thống nhất, độc lập . Rời quân ngũ, Vũ Minh Châu xin về làm công nhân ở công ty thực phẩm Hà Nội . Làm ở kho xăng dầu, làm công nhân bốc vác…Vũ Minh Châu mơ có được chiếc xe ba bánh chở thực phẩm do tự mình cầm lái . Rồi người ta cũng phân cho Vũ Minh Châu một chiếc xe cũ nát, sắp đến kỳ thanh lý . Quá say mê, ngày đêm kỳ cạch chữa, Vũ Minh Châu đã biến chiếc xe cũ nát thành một chiếc xe ba bánh chở thực phẩm ngon lành . Doanh nhân Vũ Minh Châu kể rằng, chính ông là người mở xưởng sản xuất và sửa chữa xe Lam đầu tiên ở Hà Nội . Xưởng của ông đã làm được hơn chục chiếc xe lam chở khách…
Doanh nhân Vũ Minh Châu
Khi nhà nước có chủ trương cho tư nhân mở cửa hàng vàng, ông đã đi học nghề phân kim và nấu vàng. Được sự giúp đỡ của mẹ, năm 1989, ông mở cửa hàng vàng đầu tiên với vốn đi vay có ba cây vàng . Ông nói: “ Giai đoạn mới hiện nay lại có những khó khăn, thách thức mới, những doanh nhân từng mặc áo lính như chúng tôi lại tiếp tục hun đúc ý chí của người lính để tiếp tục vươn lên. Công ty chúng tôi đang quyết tâm đa dạng hóa các sản phẩm vàng, bạc cho phù hợp với đông đảo người tiêu dùng và tiếp tục nâng cao chất lượng về mọi mặt…”.
Doanh nhân Đào Hồng Tuyển
Từ một người lính quả cảm trên đoàn tầu không số, Đào Hồng Tuyển, ông “Chúa đảo” Tuần Châu nổi tiếng hiện nay nhớ lại ngày từ chiến trường trở về, lang thang ở thành phố Hồ Chí Minh tìm việc làm, một đêm ngủ trên ghế đá vừờn hoa Tao Đàn bị kẻ cắp lấy mất đôi dép nhựa Tiền Phong, tài sản duy nhất . Ý nguyện sống cho ra sống, ý nguyện làm giàu trong ông bắt đầu từ đó . Đào Hồng Tuyển nghĩ tới những trí thức của chính quyền cũ, những “công chức lưu dung” cũng đang lang thang kiếm việc như ông . Đào Hồng Tuyển tập hợp họ lại cùng nhau bàn bạc rồi cùng nhau góp sức, góp công… thành lập các tổ hợp sản xuất . Những nước khoáng Đảnh Thạnh, bột giặt Bình Điền ra đời từ đó . Đào Hồng Tuyển cũng đi lên từ đó…
Doanh nhân, anh hùng lao động, đại tá Nguyễn Đăng Giáp bắt nhịp qua điện thoại cùng tôi hát bài mà gần bốn mươi năm trước chúng tôi đã hát “Vui sao, nước mắt lại trào …”. Sau niềm vui vỡ òa của ngày chiến thắng, người chiến sỹ lái xe quả cảm trên tuyến đường Trường Sơn, “đội bom mà đi” ngày ấy trở về với đời sống thực tại vô vàn khó khăn, thách thức… Nguyễn Đăng Giáp luôn thấm nhuần câu nói của cha ông mình: “Cha lươn không đào lổ cho lươn ở”. Ông đã biến một xí nghiệp cũ nát, nợ nần hàng chục tỷ trở thành một tổng công ty làm ăn phát đạt, Tổng công ty 36 anh hùng . Tôi thực sự khâm phục ý nguyện sống không khuất phục khó khăn, gian khổ, quyết vượt lên tất cả để chiến thắng của những người lính từ trong khói lửa chiến tranh trở về như đại tá anh hùng Nguyễn Đăng Giáp .
Đại tá- Anh hùng Nguyễn Đăng Giáp
Ngồi viết những dòng này, tôi lại nhớ lần đơn vị tên lửa của chúng tôi hành quân thâu đêm, đến khoảng ba giờ sáng, đơn vị ghé vào một dãy lán nghỉ tạm . Người đại đội trường lệnh tất cả phải đi đào hầm. Tôi vì quá mệt và buồn ngủ, không muốn đi . Thấy vậy, đại đội trưởng quát: “Này, cậu muốn chết hả?”. Tôi nói: “Đã là lính chiến thì sợ gì chết hở thủ trưởng !”. Đại đội trưởng bảo: “Không sợ chết, nhưng phải sống mà chiến đấu và chiến thắng chứ” . Câu nói của ông làm tôi tỉnh người, tôi xách cái xẻng chạy đi đào hầm. Và, nhờ vậy mà tôi đã thoát chết lần đó vì chỉ hai tiếng đồng hồ sau máy bay Mỹ đã đến dội bom, quả bom cắt rơi cách căn hầm trú ẩn của tôi chưa đầy 5 mét. Suốt những năm làm trắc thủ phát lệnh tên lửa, tôi đã luôn nhớ tới câu nói của người đại đội trưởng: “Phải sống để chiến đấu và chiến thắng …”. Và câu nói đó như một ý nguyện sống, ý nguyện phấn đấu, vươn lên của tôi thời gian qua… Như những người bạn của tôi, những doanh nhân từng mặc áo lính mà tôi vừa kể về họ…
* Viết tại nhà vườn Sóc Sơn