Vấn nạn buôn bán người: Nghĩ trước, bước sau để không bị rơi vào bẫy
Hà Tĩnh là địa phương có đường biên giới trên bộ với nước bạn Lào và có lượng người xuất khẩu lao động khá lớn, tiềm ẩn sự phức tạp của tội phạm mua bán người, đặc biệt là các băng nhóm buôn người xuyên quốc gia. Hiện tỉnh đang tích cực, chủ động trong đấu tranh phòng, chống với loại tội phạm này.
Cảnh báo về phương thức, thủ đoạn
Theo Công an tỉnh Hà Tĩnh, để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, Công an tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện các nhóm nhiệm vụ, và tổ chức hiệu quả nhiều văn bản chỉ đạo về phòng, chống mua bán người, với mục tiêu cao nhất là bảo vệ "quyền con người", bảo vệ "an ninh con người" và đem lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.
Qua công tác dự báo, nắm tình hình thực tế trên địa bàn, Công an tỉnh Hà Tĩnh nhận định thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và liên quan đến địa bàn nhiều tỉnh, thành phố, thậm chí có yếu tố nước ngoài và trên không gian mạng.
Phương thức hoạt động của tội phạm mua bán người là các đối tượng triệt để lợi dụng không gian mạng để tiếp cận nạn nhân, hạn chế tiếp xúc trực tiếp. Bên cạnh đó, tội phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa người mua và người bán, môi giới, dẫn dắt, hình thành đường dây tội phạm liên tỉnh, xuyên biên giới. Các đối tượng lợi dụng mạng xã hội (qua Zalo, Facebook) với tên, tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương, hứa hẹn tìm việc làm thu nhập cao, sau đó lừa bán nạn nhân.
Về thủ đoạn, các đối tượng mua bán người lợi dụng các trang mạng xã hội đăng tải bài viết giới thiệu tuyển người “việc nhẹ lương cao”. Các đối tượng đã dụ dỗ, lôi kéo và đưa nạn nhân xuất cảnh trái phép, sau đó bán cho các tổ chức tội phạm quốc tế. Với phương thức, thủ đoạn này, nhiều nạn nhân trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã bị bọn tội phạm lừa bán sang các nước như Lào, Campuchia,...
Chung tay ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm mua bán người
Tại Hà Tĩnh, công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm mua bán người được cả hệ thống chính trị thực hiện quyết liệt và đồng bộ. Bên cạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân, công tác nắm tình hình tuyến, địa bàn, tình hình hoạt động của các đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người; công tác tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân được quan tâm thực hiện.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tỉnh (Sở LĐ – TB&XH), các cấp, các ngành của tỉnh luôn xác định phải chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để hỗ trợ các nạn nhân khi các cơ quan chức năng phát hiện các vụ việc liên quan đến hành vi buôn bán người nhằm kịp thời hỗ trợ nạn nhân ổn định tâm lý, ổn định cuộc sống.
Để triển khai các hoạt động hỗ trợ cho nạn nhân, Liên ngành: Sở LĐ – TB&XH, Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp số 47/CTrPH-LĐTBXH-CAT-BCHBĐBP-NV ngày 06/9/2023.
Trên cơ sở Chương trình phối hợp chung của 4 ngành đã thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan thành viên trong việc tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Sở LĐ – TB&XH Hà Tĩnh đã chỉ đạo sát sao các đơn vị trực thuộc được giao nhiệm vụ tiếp nhận và hỗ trợ các đối tượng là nạn nhân bị mua bán trở về, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất để tiếp nhận đối tượng khi Cơ quan Công an, Biên phòng tiến hành bàn giao nạn nhân theo quy định, phân công bố trí cán bộ, nhân viên có chuyên môn để hỗ trợ nạn nhân ổn định tâm lý, bố trí chỗ ăn ở phù hợp với giới tính, lứa tuổi; hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết, chăm sóc y tế và tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị mua bán.
Còn rất nhiều khó khăn khi giải cứu nạn nhân
Qua 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người (2012-2022), lực lượng chức năng Hà Tĩnh đã phát hiện 4 vụ việc vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; khởi tố, truy tố 4 vụ/9 bị can; xét xử 3 vụ/7 bị cáo; đã giải quyết 4 tin báo, tố giác về tội phạm mua bán người. Trong số các nạn nhân bị mua bán, có 3 người là phụ nữ, 2 người dưới 16 tuổi, 13 nạn nhân nam.
Trước tình hình phức tạp của tội phạm mua bán người, lãnh đạo Công an Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phát huy vai trò nòng cốt, tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, chú trọng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua bán người.
Bên cạnh đó, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai thực hiện quyết liệt kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người trên tuyến biên giới cửa khẩu Cầu Treo và các địa bàn trọng điểm, phức tạp trong tỉnh; mở các đợt cao điểm để tập trung nắm tình hình, điều tra xử lý các đối tượng, đường dây mua bán người và tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.
Mới đây, vào tháng 8/2024, lực lượng Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm mua bán người Bộ Công an Lào, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh và các đơn vị nghiệp vụ khác đã đấu tranh, triệt phá thành công tổ chức tội phạm hoạt động mua bán người, lừa đảo qua mạng với quy mô đặc biệt lớn, bắt giữ 162 đối tượng, giải cứu 49 nạn nhân.
Nạn nhân bị mua bán thường có trình độ văn hóa thấp, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Phần lớn nạn nhân bị mua bán trở về, chịu nhiều tổn thất về thể chất, tinh thần... tâm lý còn chưa ổn định, dễ thay đổi, tự ti nên không dễ hòa nhập cộng đồng... Để hỗ trợ nạn nhân trở về cuộc sống bình thường, các cấp ngành tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về sớm ổn định hòa nhập cộng đồng.
Các hoạt động được thực hiện thường xuyên như triển khai các giải pháp toàn diện để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ và nhân dân về công tác phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về nói riêng.
Tất cả nhằm giảm số người bị mua bán và người có nguy cơ bị mua bán. Nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; tạo các điều kiện cho nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ cơ bản và tái hòa nhập cộng đồng bền vững.
Tích cực hỗ trợ các nạn nhân
Trao đổi với Báo Công lý, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Các cấp, các ngành ở Hà Tĩnh luôn xác định phải chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để hỗ trợ các nạn nhân khi các cơ quan chức năng phát hiện các vụ việc liên quan đến hành vi buôn bán người nhằm kịp thời hỗ trợ nạn nhân ổn định tâm lý, ổn định cuộc sống.
Để triển khai các hoạt động hỗ trợ cho nạn nhân, Liên ngành: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã ký kết Chương trình phối hợp số 47/CTrPH-LĐTBXH-CAT-BCHBĐBP-NV ngày 06/9/2023.
Trên cơ sở Chương trình phối hợp chung của 4 ngành đã thực hiện phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan thành viên trong việc tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với cơ quan công an, UBND cấp xã nơi nạn nhân cư trú để liên hệ với gia đình hoặc người thân trước khi đưa trở về nơi cư trú; trường hợp trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa thì làm thủ tục hưởng chế độ trợ cấp xã hội theo quy định.
Đối với những trường hợp có nhu cầu tìm kiếm việc làm, học nghề hoặc có nhu cầu vay vốn, Sở sẽ giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm, các trường cao đẳng, trung cấp nghề tiếp cận hỗ trợ tư vấn học nghề cho các đối tượng.
Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh cũng đã phối hợp với các tổ chức quốc tế như Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam (IOM), Tổ chức World Vision International tại Việt Nam (WWI) trong khuôn khổ Dự án “ Đầu tranh phòng, chống mua bán người” hợp phần hỗ trợ các gói tái hòa nhập cho người bị mua bán và người di cư trong tình trạng bị tổn thương đã hỗ trợ 5 mô hình sinh kế, mô hình khởi nghiệp cho người di cư trở về tại huyện Thạch Hà.
Hiện tại, Sở đang phối hợp với Tổ chức tầm nhìn thế giới (WWI) tiến hành bàn giao các gói hỗ trợ sinh kế cho 30 người di cư trở về thuộc huyện Can Lộc, Nghi Xuân.
Nhờ sự vào cuộc thực hiện đồng bộ, hiệu quả của chính quyền Hà Tĩnh, các vụ việc. liên quan đến nạn buôn bán người đã theo chiều hướng giảm, các giải pháp hỗ trợ các nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn dần có thu nhập và tái hòa nhập cộng đồng bền vững, giảm thiểu số nạn nhân bị mua bán người trên địa bàn góp phần đảm bảo an ninh, chính trị và phát triển kinh tế xã hội bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế.