Vấn đề quan tâm

Bắt buộc mua bảo hiểm xe máy đảm bảo quyền lợi người dân

Trang Nhi 02/10/2024 - 08:21

Bảo hiểm xe máy là giấy tờ bắt buộc với người dân tham gia giao thông. Nhưng nhiều người mua chỉ để "đối phó" lực lượng CSGT, thay vì quan tâm đến quyền lợi.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Trật tự ATGT đường bộ 2024 đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân, trong đó có quy định bắt buộc chủ xe mô tô, xe gắn máy và xe máy điện phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự.

bhxm.jpg
Bắt buộc mua bảo hiểm xe máy nhằm đảm bảo quyền lợi người dân

Thực tế, dù sử dụng xe máy hàng ngày nhưng nhiều người không quan tâm đến bảo hiểm xe máy. Chỉ đến bị CSGT kiểm tra giấy tờ, mọi người mới nhớ ra bảo hiểm của mình đã hết hạn hoặc không có loại giấy tờ này.

Từ rất lâu mọi người mua bảo hiểm xe máy chỉ là để "đối phó" chứ không nghĩ là sẽ được đền bù. Khi bị tai nạn, hầu hết chủ xe máy sẽ tự thương lượng để bồi thường sự vụ do mình gây ra. Bởi thực chất đợi nhân viên bảo hiểm thì quá lâu, mà giữ nguyên hiện trường sẽ gây tắc đường, mất thời gian của đôi bên.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc mua bảo hiểm xe máy là cần thiết, khi tìm hiểu lợi ích bảo hiểm mang lại. Trong trường hợp xảy ra tai nạn, chúng ta cần gọi ngay cho công ty bảo hiểm (đường dây nóng luôn in trên thẻ bảo hiểm), thông báo với CSGT địa phương. Nếu công an hoặc giám định viên của bảo hiểm xuất hiện kịp lúc thì cần làm theo hướng dẫn của họ. Còn trong trường hợp phải rời đi luôn thì cần chụp ảnh, quay video lại làm bằng chứng để được phía bảo hiểm hướng dẫn giải quyết quyền lợi.

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới (bao gồm cả ô tô, xe máy) được thực hiện tại Việt Nam từ năm 1988, đến nay đã 36 năm.

Từ ngày 1/1/2025, Luật Trật tự ATGT đường bộ năm 2024 thay thế cho Luật Giao thông đường bộ 2008 sẽ chính thức có hiệu lực. Hiện nay, Bộ GTVT lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của luật này và dự kiến 7 nghị định hướng dẫn thi hành sẽ được Chính phủ ban hành trước ngày 15/10 năm nay.

Đáng chú ý, trong dự thảo lần 2 (ngày 29/7/2024) quy định về bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy hiện hành (Nghị định 123/2021) vẫn được bảo lưu - bắt buộc chủ xe mô tô, xe gắn máy và xe máy điện phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự, giống như chủ xe ô tô.

Tuy nhiên, trong dự thảo Nghị định có một quy định rất mới (khoản 5, Điều 6) về bộ cơ sở dữ liệu bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới và xe máy chuyên dùng. Cơ sở dữ liệu này sẽ được quản lý tập trung thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo tính chính xác, kịp thời.

Thạc sỹ Đỗ Cao Phan cho biết, quy định bắt buộc phải có bảo hiểm xe máy không mới nhưng những bổ sung mới trong quy định về cập nhật hệ thống dữ liệu, tra cứu thông tin, thủ tục xử lý theo hướng chặt chẽ, giảm bớt phiền hà sẽ có tác động lớn, làm thay đổi mảng bảo hiểm xe máy theo hướng liên thông, minh bạch. Từ đó phát huy tính nhân văn, nhân đạo của bảo hiểm bắt buộc.

ĐBQH Lê Thị Song An – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đặt vấn đề có thể điều chỉnh quy định mua bảo hiểm xe máy theo hướng tự nguyện thay vì bắt buộc như hiện nay.

Theo bà An, cử tri và nhân dân phản ánh, thời gian qua việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới đối với người thứ 3, đặc biệt là với xe máy còn mang tính hình thức. Nhiều trường hợp mua, bán bảo hiểm trên vỉa hè, lề đường, giấy chứng nhận bảo hiểm viết tay khó cất giữ, bảo quản. Khi xảy ra sự cố, công tác thanh quyết toán phức tạp, mức bồi thường thấp khiến người mua bảo hiểm rất phiền hà khi đề nghị chi trả nên chỉ làm thủ tục khi có tai nạn đặc biệt nghiêm trọng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, thời gian vừa qua, tai nạn xe máy rất lớn, chiếm khoảng 63% trong các vụ tai nạn. Vì vậy, bảo hiểm xe máy nên quy định bắt buộc vì quyền lợi người dân.

Các chuyên gia giao thông cũng cho rằng, việc bổ sung quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tra cứu, giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo hiểm một cách nhanh chóng, chính xác. Bởi hiện nay người dân tham gia bảo hiểm xe máy, khi tai nạn giao thông gây thiệt hại về tài sản hay tổn thương, thương tật về người, tài sản cho bên thứ ba, việc giải quyết bồi thường còn gặp nhiều khó khăn, thủ tục rườm rà và hầu như không được hưởng.

Song, để luật đi vào thực tiễn cuộc sống đạt hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GTVT cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo hiểm của chủ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sao cho phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của chủ phương tiện và người tham gia giao thông đường bộ.

Trang Nhi