Làng Nủ tiếp tục bị chia cắt
Ông Nông Thế Mạnh, Chủ tịch UBND xã Phúc Khánh, cho biết mưa lớn liên tục từ tối 30/9 khiến nước suối từ thượng nguồn dâng. Trong ngày 1/10, nước lũ đẩy đất đá trên đồi tràn xuống đầu cầu khiến giao thông tại thôn Làng Nủ bị chia cắt.
Tại Lào Cai, tuyến đường cứu hộ, cứu nạn xã từ Trịnh Tường đi Y Tý vừa khắc phục sau bão Yagi lại tiếp tục bị xói lở, giao thông tê liệt. Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận tại đường tỉnh 155 tại xã Mường Hum, đường liên xã Nậm Chỏn đi Tả Cầu Liền, Séo Phìn Than.
Ông Nông Thế Mạnh, Chủ tịch UBND xã Phúc Khánh, cho biết mưa lớn liên tục từ tối 30/9 đến chiều 1/10 khiến nước suối từ thượng nguồn dâng. Nhiều đoạn đường giao nhau đã bị nước ngập và lực lượng chức năng phải đóng chốt hai đầu để người dân không di chuyển qua.
Trong ngày 1/10, chính quyền di dời hơn 100 hộ dân ở vùng nguy cơ sạt lở tại 13 thôn trên địa bàn tới nhà văn hóa, nhà họ hàng và những nơi an toàn hơn. Các lực lượng ứng trực 24/24, tiếp tục vận động bà con chuyển đi nếu trời vẫn mưa lớn.
Riêng thôn Làng Nủ, nước lũ đẩy đất đá trên đồi tràn xuống đầu cầu khiến giao thông chia cắt, xe máy, ôtô không thể di chuyển qua.
"Mưa kéo dài khiến nước lũ tràn về, việc tìm kiếm 9 nạn nhân mất tích tạm gián đoạn do lượng bùn đất trôi về quá lớn, gây mất an toàn cho tổ máy xúc", ông Mạnh nói.
Theo hệ thống cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét của Tổng cục Khí tượng Thủy văn, lúc 18h ngày 1/10, cả nước có 408 xã có nguy cơ, hầu hết ở khu vực các tỉnh Yên Bái, Lào Cai và Hà Giang. Riêng Yên Bái và Lào Cai cấp độ rủi ro lũ quét sạt lở đất ở cấp hai.
Một số huyện có nguy cơ rất cao gồm Bảo Yên, Bắc Hà, Bát Xát, Sa Pa, Văn Bàn của tỉnh Lào Cai; Bắc Yên, Vân Hồ của tỉnh Sơn La; Lục Yên, Mù Cang Chải, Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Trấn Yên, Văn Chấn của tỉnh Yên Bái; các huyện Bạch Thông, Ba Bể tỉnh Bắc Kạn; huyện Vị Xuyên, Quang Bình, Xín Mần của tỉnh Hà Giang.