Tòa tuyên án

Bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị giải toả nhiều tài sản bị kê biên

Minh Đức - Quang Trung 30/09/2024 - 21:16

Phần nào của bị cáo thì bị cáo tự nguyện dùng để khắc phục hậu quả vụ án, phần nào không phải thì xin trả lại cho người đứng tên theo quy định.

Ngày 30/9, phiên tòa xét xử giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát tiếp tục với phần xét hỏi bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và người có quyền, nghĩa vụ liên quan về các tài sản kê biên trong vụ án.

p2388749.jpg
Các bị cáo tại toà.

Liên quan đến các tài sản như cổ phần tại Công ty TNHH Vietcombank – Bonday – Bến Thành; Vốn góp 73,04% Công ty Hợp Thành 1; 82% vốn góp tại FWD; Công ty Đông Dược 5; 82% vốn góp công ty Ngọc Viễn Đông; 13,23% cổ phần công ty Sao Thủy…

Bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị HĐXX làm rõ, phần nào của bị cáo thì bị cáo tự nguyện dùng để khắc phục hậu quả vụ án, phần nào không phải thì xin trả lại cho người đứng tên theo quy định.

Đối với 100% cổ phần Công ty Hòa Thuận Phát, bị cáo Trương Huệ Vân nói “Công ty của bà nội (mẹ của bị cáo Lan - PV) có từ rất lâu, con cháu đều đứng tên từ khi bà còn sống. Trong đó, Công ty Emaral mà bị cáo là đại diện pháp luật, đề nghị giải tỏa kê biên. Vì đây là Công ty gia đình xuất phát từ xưởng đóng tàu nên muốn phát triển Công ty để giữ gìn truyền thống gia đình”.

p2388747.jpg
Bị cáo Trương Mỹ Lan.

Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng trình bày “Công ty của mẹ bị cáo, công ty chuyên đầu tư lấy tiền để xây dựng chùa chiền. Riêng Công ty này là nhà Trương Huệ Vân và Trương Lập Hưng chứ không liên quan Công ty Vạn Thịnh Phát hay của bị cáo”.

Đối với 16 quyền sử dụng đất ở Phước Kiểng, Nhà Bè, bị cáo Lan khai “Tài sản của bạn bị cáo cho mượn để tái cơ cấu SCB. Bạn bị cáo (không tiện nói tên) bỏ 500 tỷ đồng mua, đề nghị bán trả cho họ, còn lại thì khắc phục hậu quả vụ án”.

Đối với 1,4 triệu cổ phần tại Công ty Cổ phần chứng khoán Tân Việt (1.400 tỷ đồng), bị cáo Lan đề nghị “Cứ giữ lấy ngày nào bán được thì đem đi khắc phục". "Nguồn gốc số cổ phần này là từ năm 2003. Lúc đó những anh em chứng khoán Tân Việt khó khăn, kiếm người chuyển nhượng nên bị cáo mua lại và nhờ người đứng tên. Hiện bị cáo không biết sở hữu bao nhiêu %”, bị cáo Lan nói.

Tại phiên tòa chiều, HĐXX tiếp tục hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan về số tiền 25 tỷ đồng do Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đặt cọc để mua 8 bất động sản tại TP.HCM. Bị cáo Lan khai, các tài sản này thuộc Dự án Tứ giác Amigo, để tiết kiệm tiền, bạn bè bị cáo Lan ứng tiền ra đền bù trước, sau khi xong pháp lý thì họ bán lại cho bị cáo Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

truong-hue-van1_img-0709-8052(2).jpeg
Bị cáo Trương Huệ Vân.

Tiếp theo HĐXX hỏi bị cáo Trương Huệ Vân về việc đặt cọc mua căn nhà tại TP Long Xuyên (An Giang). Bị cáo Vân nói năm 2022, Vân mua căn nhà trên với giá 20 tỷ đồng để tặng mẹ (mẹ Vân quê An Giang) và đã đặt cọc số tiền 5 tỷ đồng.

Về nguồn gốc hình thành tài sản, bị cáo Vân nói đó là tiền riêng cá nhân tích lũy trong nhiều năm. Khi đặt cọc xong, Vân bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt tạm giam. Bị cáo Vân xin HĐXX trả lại cho mình số tiền 5 tỷ đồng trên để dùng khắc phục hậu quả trong vụ án này.

Đối với nhà máy Tanifood (Tây Ninh), nhà máy Lavifood (Long An) và Xưởng Sơ chế, bảo quản trái cây Hồng Nguyên Long, bị cáo Lan đề nghị toà giải toả để họ bán trả nơi 2 ngân hàng, còn lại trả lại cho bị cáo để khắc phục hậu quả.

Đối với nhà máy Tây Ninh đang thế chấp tại Viettinbank vay hơn 695 tỷ đồng, đây là khoản vay của Công ty Lavifood, không liên quan đến Vạn Thịnh Phát. Bị cáo Lan đề nghị HĐXX giải toả việc dừng giao dịch.

Đồng thời, các khoản vay của Lavifood đã được giải quyết ở giai đoạn 1, tài sản thế chấp tại Viettinbank không liên quan đến tài sản thế chấp tại SCB.

Ngoài ra, bị cáo Lan còn đề nghị các tài khoản của Công ty TVSI tại SCB đang bị phong toả, đề nghị giải toả để TVSI thực hiện nghĩa vụ đối với các trái chủ. Tài sản đảm bảo của 6 gói trái phiếu không liên quan vụ án nhưng cũng bị ngăn chặn giao dịch…

Minh Đức - Quang Trung