Đời sống

Hồi sinh sau đổ nát ở mảnh đất nghèo vùng trung du Bình Định

Đức Hồ 30/09/2024 - 13:50

Bước ra từ đống đổ nát sau chiến tranh, từ khát vọng muốn thoát nghèo, nhiều nông dân ở huyện trung du Hoài Ân, tỉnh Bình Định đã gây dựng lên một “thủ phủ” cây ăn quả, đa dạng bậc nhất ở miền Trung. Cuộc sống được hồi sinh và nhiều câu chuyện kỳ tích đang được viết nên trên vùng đất này.

Vực dậy… sau đổ nát chiến tranh

Vùng trung du Hoài Ân, Bình Định là huyện đầu tiên của Khu V được giải phóng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và là một trong những huyện được giải phóng hoàn toàn trên chiến trường miền Nam ngay từ cuộc tiến công tổng hợp Xuân – Hè 1972.

Lịch sử Đảng bộ Bình Định (1954 – 1975) có đoạn ghi: “Cuối năm 1972, quân và dân địa phương cùng các đơn vị chủ lực của Sư đoàn 3 Sao Vàng đã đánh bại 9 đợt phản kích của quân đội Sài Gòn, với lực lượng tương đương 2 sư đoàn bộ binh, 7 chi đoàn xe tăng và bọc thép. Bất chấp bom đạn tàn khốc, vùng giải phóng Hoài Ân vẫn đứng vững cho đến ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam, Xuân 1975”.

Bước ra từ đổ nát sau chiến tranh, nhưng bằng ý chí bất khuất, kiên cường của người Hoài Ân, đến nay huyện trung du này được vinh danh là ngọn cờ đầu, là mũi nhọn của Bình Định trên lĩnh vực đổi mới kinh tế nông, lâm nghiệp. Cuộc sống người nông dân khấm khá, có thu nhập ổn định và tràn đầy hạnh phúc ở miền quê.

4f07220e-40ea-455e-957a-bc89798b4ecb.jpeg
Huyện trung du Hoài Ân, tỉnh Bình Định đã gầy dựng lên một “thủ phủ” cây ăn quả, đa dạng bậc nhất ở miền Trung.

Với đặc thù là huyện trung du, được bao bọc bởi hai dòng sông Kim Sơn và An Lão cùng 22 hồ chứa nước, với thổ nhưỡng, khí hậu đặc biệt thích hợp để phát triển các loại cây trồng, nhất là cây ăn quả.

Trong những năm qua, bằng khát vọng, quyết tâm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hoài Ân đã không ngừng tìm tòi, học hỏi, sáng tạo để phát huy lợi thế của địa phương về phát triển nông nghiệp.

Đặc biệt từ năm 2016, huyện Hoài Ân tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Từ nhiều năm qua, Hoài Ân là cái tên được nhắc đến với nền nông nghiệp sạch bền vững, thủ phủ cây ăn quả và là vựa heo lớn nhất miền Trung.

200b8bb0-1a22-433c-beb1-ea79f29dfd00.jpeg
Nông dân bên cạnh cây ăn trái.

Anh Tô Vũ Thành Tín được coi là gương mặt tỷ phú trẻ của huyện Hoài Ân, sau khi thành công với 2 mô hình nuôi chim trĩ và ong dú bản địa. Với 1.000 tổ ong dú, 5.000 con chim trĩ cho Tín nguồn thu ổn định từ 1-3 tỷ đồng/năm. Thành Tín từng học kỹ sư xây dựng, nhưng rồi bỏ ngang về quê nuôi chim trời trong sự ngỡ ngàng của người thân, bạn bè. Năm 2014, Tín bắt đầu tìm hiểu cách nuôi loài chim trĩ. Đến năm 2016, nhận thấy ở đồi núi Hoài Ân có loài ong dú rất quý hiếm, nên Tín quyết định thuần phục.

Kỳ công suốt 3 năm, nếm nhiều thất bại rồi Tín cũng thành công. “Ong dú là loài đặc biệt, bởi mật nó tuy ít nhưng rất quý hiếm và có giá trị y học cao. Mỗi loài ong ủ mật 10 ngày, nhưng ong dú ủ mật đến 100 ngày, mỗi tổ chỉ cho 1-2 lít mật (giá 1,6 triệu đồng/lít). Ngoài ra, mô hình nuôi chim trĩ cũng đa dạng: trĩ vảy xanh, vảy vàng, vảy đỏ; trĩ thương phẩm; chim công và nhiều giống chim nhập khẩu từ châu Âu, châu Á… Thị trường chủ yếu ở trong tỉnh và một số tỉnh lân cận”, anh Tín kể, và cho biết tới đây sẽ hướng đến xây dựng thành chuỗi sinh thái vườn chim đủ loại để phát triển thành điểm du lịch.

Ông Đặng Văn Cấp (74 tuổi, xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân) vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vào năm 2023, vì có mô hình sản xuất hiệu quả, ổn định và có sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, của tỉnh Bình Định.

Để có được thành công này, ông Cấp từng thua lỗ, lâm nợ từ nghề gạch ngói, đến xây dựng.

5f45bb3a-3b82-4123-b089-dd12d3546cb8.jpeg
Năm 2016, huyện Hoài Ân tập trung thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Sau hàng chục năm kiên trì theo đuổi mô hình kinh tế vườn, từ chỗ chạy ăn từng bữa, gia đình ông Cấp trở nên giàu có, thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 500 triệu đồng, có năm thu tiền tỷ.

Ông Cấp nhẩm tính, nếu thời tiết thuận lợi, chỉ riêng số trụ tiêu khủng (chưa kể dừa), gia đình thu hoạch 14 tấn hạt tiêu, doanh thu 1,3-1,4 tỷ đồng, trừ hết chi phí sẽ "bỏ túi" 300-400 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, ông Cấp trồng dừa xiêm đang cho quả, mỗi năm thu 130 triệu đồng; dâu ăn quả mỗi vụ thu 7 tấn (doanh thu ước đạt 180 triệu đồng), bưởi da xanh cũng bắt đầu có trái giá cả khá cao.

"Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền. Theo tôi kinh nghiệm để chinh phục các loài cây ăn quả ngoài yếu tố thổ nhưỡng, tự nhiên, nguồn nước, phân ra thì người làm phải có chí, bền gan và phải thương cây như thương chính con ruột của mình", ông Cấp cho hay.

Không bao giờ bỏ cuộc

Với lợi thế vùng trung du, miền núi tỉnh Bình Định, huyện Hoài Ân đang tập trung phát triển thế mạnh của mình, trong đó có ngành mũi nhọn nông nghiệp. Hiện, địa phương đang nỗ lực xây dựng lên một “thủ phủ” nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; từng bước đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường các chuỗi liên kết nhằm nâng cao giá trị, mở rộng thị trường để tạo nguồn thu bền vững.

Các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tiếp tục phát huy lợi thế, như: bưởi da xanh, dừa xiêm, tiêu hột, heo Hoài Ân, gà ta thả vườn Hoài Ân, Trà Hoa hòe... đã đem lại nguồn thu nhập cao, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng cho người dân; thúc đẩy phát triển KT-XH gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

Vùng đất này, mấy năm trở lại đây xuất hiện nhiều nông dân tiêu biểu được mệnh danh là những “ông vua” trồng cây ăn quả khi sở hữu khu vườn cây trái “đẻ” bạc tỷ mỗi năm.

Ông Nguyễn Hữu Khúc – Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân (Bình Định) cho biết, đi lên từ khó khăn, ở Hoài Ân có rất nhiều nông dân đã vươn mình mạnh mẽ, với khát vọng sống, lao động cùng quyết tâm làm giàu, trên chính mảnh đất quê hương.

132bdba4-78ca-415c-b455-2a7ed6e89d53.jpeg
Một mô hình trồng cây ăn trái tại huyện Hoài Ân.

"Nhiều năm qua, chính quyền luôn sát cánh, đồng hành để hỗ trợ nông dân thực hiện được ước mơ đó. Huyện nỗ lực xây dựng "thủ phủ" nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao. Từng bước đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường các chuỗi liên kết nhằm nâng cao giá trị, mở rộng thị trường để tạo nguồn thu bền vững cho nông dân", ông Khúc cho hay.

Đến nay, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đã công nhận nhãn hiệu cho 8 sản phẩm nông nghiệp của huyện Hoài Ân, gồm: trà Gò Loi, bưởi da xanh, heo Hoài Ân, gà ta thả vườn, dừa xiêm, mít thái, tiêu hột, gạo hữu cơ. Ngoài ra, 60 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP và trên 100ha được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, VietGap.

Nhiều mặt hàng nông sản của huyện như: heo Hoài Ân, gà ta thả vườn, bưởi da xanh, trà nụ hoa hòe, mật ong dú, trứng chim trĩ, thịt heo thảo mộc, gạo hữu cơ đã có mặt trên hệ thống các siêu thị lớn ở TP. Quy Nhơn, TP. Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh.

Trong đó, các sản phẩm trà nụ hoa hòe, dầu phộng, dầu mè của Công ty TNHH DULAH và bún khô, bún tươi của Công ty TNHH Spevi Food đã xuất khẩu sang Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc bằng đường chính ngạch.

64e47b22-6564-4be5-95dd-6181e9505371.jpeg
Huyện Hoài Ân đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông sản tiêu biểu, nông sản sạch hướng đến quy trình VietGAP và chứng nhận OCOP.

"Đây đều là những thành quả đáng tự hào, được đánh đổi bằng mồ hôi, công sức, tâm huyết và cố gắng không biết mệt mỏi, của người nông dân Hoài Ân. Chính vì vậy, nhiều năm qua, huyện đã tổ chức các Ngày hội nông sản để vinh danh công sức và thành quả của nông dân", ông Khúc cho hay.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định đánh giá, những năm qua, huyện Hoài Ân đã lựa chọn con đường đúng đắn trong đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông sản tiêu biểu, nông sản sạch hướng đến quy trình VietGAP và chứng nhận OCOP.

Hoài Ân đã thực hiện đồng bộ các giải pháp từ công tác quy hoạch, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và liên kết tiêu thụ, quảng bá sản phẩm.

Bên cạnh đó, huyện Hoài Ân đã tranh thủ được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nghiên cứu từ các trung tâm, viện nghiên cứu nông nghiệp, từ đó tạo ra các mô hình sản xuất tập thể hướng đến tính chuyên nghiệp, hiện đại, an toàn và mang đến thu nhập bền vững cho người nông dân.

Đức Hồ