Xã hội

Bình Định: "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau"

Đức Hồ 29/09/2024 - 17:20

Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh Bình Định đã bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, tập trung chỉ đạo quyết liệt với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, kịp thời ban hành chủ trương chính sách, giải quyết tồn tại, vướng mắc cho các cấp, các ngành, địa phương, thực hiện tốt công tác giảm nghèo.

Kéo điện về làng, giúp dân ở miền núi xây dựng nhà mới

Cuối tháng 4/2024, UBND tỉnh Bình Định tổ chức lễ khánh thành công trình cấp điện đến làng Canh Giao, xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh từ điện lưới quốc gia. Đây là sự nỗ lực của các ngành chức năng tỉnh Bình Định và ngành điện để đưa điện lưới về cho 72 hộ đồng bào Chăm ở huyện miền núi Vân Canh.

Làng Canh Giao, xã Canh Hiệp có 72 hộ dân với 207 nhân khẩu là người Chăm. Để vào được ngôi làng này phải đi khoảng 35 km, vòng sang xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Sau gần 50 năm giải phóng, làng Canh Giao chưa được cấp điện từ lưới quốc gia nên điều kiện sống, sản xuất của người dân trong làng, việc học hành của các trẻ em trong làng còn nhiều hạn chế, khó khăn.

Gia đình bà Đoàn Thị Ca, người Chăm ở làng Canh Giao, lâu nay dùng điện năng lượng mặt với tấm pin và bình ắc quy tích điện. Đêm đến, bà Ca mở tivi xem thời sự được vài tiếng đồng hồ lại hết điện, căn nhà lại tối om. Mùa mưa, cả ngôi làng nhỏ yên ắng dưới chân núi Hàng Ung lại chìm trong bóng tối. Bà Ca cho biết, mấy chục năm qua, bà con mong muốn có điện nhưng làng ở xa chưa thể bắt điện tới được. Bây giờ thì ai cũng vui mừng.

“Từ khi có điện quốc gia rồi thì tôi thấy mừng và thoáng mát trong nhà. Thời gian tới, nếu có điều kiện tôi sẽ mua ti vi mới, máy điều hòa, máy lạnh, tủ lạnh, tủ kem. Có điện ngoài đường vào ban đêm sáng hơn, thoáng hơn, sạch sẽ và sáng mắt. Mấy chục năm trôi qua mà bữa nay mới thấy có điện”, bà Ca nói.

56fb9e17-e5cb-405f-a90f-095cae007183.jpeg
Các đại biểu cắt băng Khánh thành Công trình cấp điện làng Canh Giao.

Trong khi đó, gia đình chị Đinh Thị Liễu, ở khu phố 2, thị trấn An Lão, huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định rất vui mừng vì căn nhà cấp 4 vừa xây xong. Gia đình chị Liễu thuộc diện hộ nghèo.

Đầu năm 2024, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, gia đình chị Đinh Thị Liễu được hỗ trợ 50 triệu đồng xây dựng nhà ở. Từ số tiền được Nhà nước hỗ trợ, gia đình chị đã bỏ thêm 200 triệu đồng dành dụm được để xây căn nhà cấp 4 khang trang.

Theo chị Đinh Thị Liễu, có nhà mới, gia đình chị sẽ mở rộng chăn nuôi, tăng thu nhập và thoát nghèo.

"Nhà nước hỗ trợ bò, tôi được học nghề và được sửa lại nhà. Sửa được ngôi nhà cũng nhờ vào Nhà nước và sự tích góp từ gia đình và sự hỗ trợ công từ hàng xóm.

Trước đây, tôi được cho đi học nghề chăn nuôi. Sắp tới tôi tận dụng nghề đã học vào trong sản xuất để nuôi thêm vào con heo và mấy con bò để nâng cao thu nhập cho gia đình. Gia đình tôi cố gắng thoát nghèo và không tái nghèo nữa", chị Liễu cho hay.

a3374b65-2e70-4cb9-afdb-88b075867f5a.jpeg
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn tại nhà 1 người dân làng Canh Giao trong ngày đưa điện về làng.

Tỉnh Bình Định hiện còn 27.160 hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nguyên nhân hộ nghèo, cận nghèo chủ yếu do các hộ không có đất, vốn, công cụ, phương tiện sản xuất, thiếu lao động và kiến thức về sản xuất. Tỉnh Bình Định phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,13%, giảm 2% so với năm 2023, đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo dưới 6% và huyện nghèo An Lão thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định cho biết, hiện nay, trên cơ sở 3 chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia này, các sở, ngành cũng đang phối hợp để thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng. Qua rà soát, riêng những người ốm, đau, bệnh tật nếu như chúng ta để ở trong hộ nghèo thì vẫn nghèo.

"Chính vì vậy, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh đang xây dựng một chính sách để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh hỗ trợ thêm để tăng mức sống cho các đối tượng nghèo, hỗ trợ để họ thoát nghèo", bà Hạnh nói.

Không chỉ "trao cần câu hay trao con cá", mà phải "dạy cách câu, tạo con cá"

Hiện nay, vấn đề lớn nhất trong giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Định là giải quyết việc làm và nâng thu nhập của người dân. Các sở, ngành, địa phương cần tập trung giải quyết việc làm tại chỗ, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cộng đồng, sản xuất kinh doanh theo chuỗi.

Đặc biệt, phải rà soát chặt chẽ từng vấn đề của từng hộ ở từng địa phương để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời. Các huyện miền núi đang tập trung giao đất cho hộ nghèo, cận nghèo tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế.

Ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định cho rằng, ngành Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh cùng các huyện, thị xã, thành phố phải có giải pháp cụ thể trong giảm nghèo bền vững. Người dân thiếu sản xuất trong 6 tháng cuối năm 2024 chưa cấp được thì phải quy hoạch, tạo quỹ đất. Những hộ nghèo đã cải thiện được một số tiêu chí, tiếp cận dịch vụ xã hội nhưng tiêu chí thu nhập chưa cải thiện được thì cần đưa từ hộ nghèo sang hộ cận nghèo.

Theo ông Lê Kim Toàn, muốn nâng tiêu chí thu nhập cho các hộ nghèo thì các địa phương xây dựng kế hoạch hỗ trợ về đất đai, vốn, kiến thức, làm nhiều năm và thông qua các chương trình.

fef0faca-f857-4788-a6e8-1a3f7189cc9a.jpeg
Một khu tái định cư tại huyện An Lão.

"Triển khai công tác giảm nghèo bằng xây dựng kế hoạch, bằng ra nghị quyết thì mãi mãi vẫn nghèo. Không giảm nghèo chỉ duy nhất bằng nghị quyết và kế hoạch. Cần rà soát, kiểm tra lại chứ không thì mình sẽ hô khẩu hiệu từ trên xuống dưới, còn người nghèo vẫn cứ là nghèo. Phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung, thì tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh phải thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước, đó mới là hợp lý", ông Lê Kim Toàn khẳng định.

Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, có sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, người dân.

Quan điểm về công tác giảm nghèo trong giai đoạn 2024-2025 là phải quyết liệt, triệt để, chi tiết, cụ thể các giải pháp trên cơ sở nhận diện các nguyên nhân nghèo.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu, trách nhiệm của các cơ quan, các địa phương là phải bám sát các giải pháp đã đề ra, xây dựng kế hoạch cụ thể, có phân kỳ cho từng đầu việc một, có báo cáo tiến độ cho từng tháng, từng quý. Cần có sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương, trong đó chủ trì là Sở Lao động Thương binh và Xã hội.

Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng hành cùng với các địa phương tạo điều kiện cho người nghèo, người cận nghèo trên địa bàn tỉnh về vốn vay.

9d605699-e75f-4181-8455-db95a6e2d30c.jpeg
Người dân xây nhà trên khu đất tái định cư.

"Giải pháp giảm nghèo không chỉ "trao cần câu hay trao con cá" mà phải "dạy cách câu, tạo con cá". Như vậy, mới giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững, đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn bình quân chung của cả nước", ông Phạm Anh Tuấn cho hay.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cùng tham gia công tác giảm nghèo, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nỗ lực lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp uỷ đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đối với việc thực hiện chương trình, đề án, kế hoạch giảm nghèo.

Nâng cao vai trò của người dân, cộng đồng dân cư trong việc giám sát tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm phát huy sử dụng vốn đầu tư một cách hiệu quả. Xử lý nghiêm những trường hợp gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Chương trình.

Ngoài ra, tiếp tục phát huy hiệu quả phong trào "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau". Kịp thời phát hiện, tôn vinh, khen thưởng, động viên những tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp cho công tác giảm nghèo và những gương sáng thoát nghèo điển hình.

Đức Hồ