Tin địa phương

Vinh danh cá nhân, tổ chức đóng góp “vì sự phát triển quê hương” nơi miền quê cách mạng

PV 29/09/2024 - 06:14

Nếu Cao Bằng được biết đến miền đất linh thiêng, tự hào là một địa danh lịch sử, quê hương cội nguồn của cách mạng Việt Nam. Thì huyện Hòa An được xem nơi có địa linh nhân kiệt, miền đất thiêng của Cao Bằng, rất nhiều người con miền đất này thành danh xây dựng quê hương đất nước từ xưa đến nay.

Nhân kỷ niệm 525 năm thành lập tỉnh Cao Bằng (1499-2024), huyện Hòa An tổ chức chương trình gặp mặt, vinh danh con em thành đạt và các tổ chức, cá nhân đã có nhiều đóng góp cho quê hương Hòa An vào chiều 28/9.

hoa-an.jpg
Một góc huyện Hòa An (Cao Bằng) cánh đồng màu mỡ, thôn xóm yên ả

Quá trình phát triển của Hòa An được lịch sử xưa có ghi, từ thế kỷ III trước công nguyên đến nay, thị xã Cao Bằng luôn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa. Nhiều vùng đất nổi tiếng của Thị xã được lưu truyền trong dân gian gắn với nhân vật hào kiệt và di tích. Hưng Đạo - đất vua, chúa “trạch kinh” (chọn xây dựng kinh đô).

Cổ nhân cho rằng đây là đất long chầu, hổ phụng sinh vượng khí. Nếu ai đến Hưng Đạo ngắm nhìn sẽ thấy khung cảnh đẹp tựa tranh vẽ. Dãy núi xanh trùng điệp như nghìn con thiên mã (ngựa trời) từ phía Lam Sơn - Hồng Việt, Hoàng Tung (Hòa An) chạy tới bên dòng sông Mãng chảy uốn lượn, bao bọc cánh đồng bằng phẳng hàng nghìn ha. Vùng Cao Bình, Hưng Đạo xưa là kinh đô Nam Bình thuộc nước Nam Cương thời Thục Phán. Dân gian vẫn lưu truyền chuyện “Cẩu chủa cheng vùa” (Chín chúa tranh vua) diễn tả kinh đô xưa có kinh tế, văn hóa phát triển rực rỡ từ thế kỷ III trước công nguyên. Kinh đô Nam Bình có thành Bản Phủ, khắp nơi đổ về giao thương, trao đổi hàng hóa.

Từ thế kỷ XI - XVII, nhiều địa danh Hưng Đạo gắn với biến chuyển của các thời kỳ phong kiến. Năm 1592, Nhà Mạc thất thủ trước quân Lê - Trịnh, kéo quân lên Cao Bằng, xây thành Na Lữ (Hoàng Tung, Hòa An) và đế đô tại Cao Bình. Hơn 80 năm trị vì (1593 - 1677), qua 3 đời vua, nhà Mạc chú trọng phát triển kinh tế - xã hội. Tại Cao Bình, nhà Mạc xây chợ Háng Séng (Chợ tỉnh). Tổ chức khoa cử, tuyển chọn người tài vào học trường Quốc học Bản Thảnh tại Cao Bình. Mở nhiều tuyến đường trọng yếu tới các địa phương.

Trung tâm Thị xã cũ (chưa sáp nhập xã Hưng Đạo, Vĩnh Quang, Chu Trinh, huyện Hòa An), trước năm 1677 là Mục Mã, nơi chăn ngựa của nhà Mạc. Sau khi quân Lê - Trịnh lên Cao Bằng đánh tan nhà Mạc, giao cho tướng Hoàng Triều Hoa trấn giữ Cao Bình. Lỵ sở trấn Cao Bình rời về Mục Mã.

Ngày nay, tại huyện Hòa An (Cao Bằng) vẫn còn lưu giữ nhiều cổ vật, dấu tích về triều đại của Thục Chế - cha của Thục Phán; nền móng thành Bản Phủ, ngôi thành có cấu trúc tương tự với thành Cổ Loa. Các nhà khảo cổ cho rằng Cổ Loa chính là bản sao của thành Bản Phủ.

Thời kỳ đấu tranh chống thực dân Pháp, Thị xã có người con ưu tú Hoàng Đình Giong (1/6/1904), tại Thâm Hoáng (phường Đề Thám). Tháng 12/1929, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Chi bộ Đảng hải ngoại ở Long Châu (Trung Quốc) thành lập, đồng chí được bầu làm Bí thư chi bộ. Đồng chí Hoàng Đình Giong chỉ đạo thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh (ngày 1/4/1930, tại Nặm Lìn, Hoàng Tung, Hòa An).

z5877020976355_fc4b47d7b872416ecd83eb2230659c91.jpg
Từ tháng 9/2023 cá nhân, tổ chức đã ủng hộ huyện Hòa An được trên 13,6 tỷ đồng

Phát huy những truyền thống quê hương cách mạng, huyện Hòa An tổ chức vinh danh, gặp mặt gần 180 đại biểu là các con em thành đạt của huyện Hòa An đang giữ các chức vụ chủ chốt của các ban, sở, ngành, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Tại buổi gặp mặt, đồng chí Nông Thanh Tùng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chia sẻ, Hòa An vốn miền đất hiếu học, các con em thành đạt đã thể hiện sự đồng tình và đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Lãnh đạo huyện, nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, có nhiều giải pháp nhằm tạo động lực cho kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng có nhiều chuyển biến tích cực, niềm tin trong Đảng, trong nhân dân được củng cố và tăng cường; tin tưởng với sự năng động, nhiệt huyết, bản lĩnh, sáng tạo của đội ngũ lãnh đạo huyện đương nhiệm, huyện Hòa An sẽ có những bước phát triển tăng tốc bứt phá để về đích trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025.

hao.jpg
Bà Hoàng Thị Mỹ Hảo là người con quê hương Hòa An luôn đồng hành, sẻ chia với quê hương
hoa-an-2-.jpg
Huyện Hòa An đã vinh danh và tặng hoa cho các cá nhân đã có nhiều thành tích đóng góp, ủng hộ xây dựng và phát triển quê hương Hòa An trong năm 2023

Buổi gặp mặt lãnh đạo huyện Hòa An đã vinh danh và tặng hoa cho các cá nhân đã có nhiều thành tích đóng góp, ủng hộ xây dựng và phát triển quê hương Hòa An trong năm 2023. Trong khuôn khổ chương trình, huyện Hòa An cũng đã tiếp nhận hơn 691 triệu đồng từ sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, và con em thành đạt của quê hương .Trước đó từ tháng 9/2023 cá nhân, tổ chức đã ủng hộ được trên 13,6 tỷ đồng. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng giúp huyện từng bước xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát để các hộ nghèo vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống lâu dài

Ông Nguyễn Quốc Trung, Bí thư huyện Hòa An chia sẻ “Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Hòa An đã không ngừng đoàn kết, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo. Bằng việc khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện đã khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực và triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Vinh danh cá nhân, tổ chức đóng góp cho Hòa An tâm huyết của các đồng chí Lãnh đạo tỉnh và con em thành đạt. Những ý kiến này không chỉ thể hiện sự trăn trở mà còn khơi dậy khát vọng chung về sự phát triển của huyện”.

Bằng cách làm sáng tạo của Hòa An, sẽ là cầu nối, đến con em sinh ra và lớn lên tại Hòa An trong khắp mọi miền Tổ quốc cùng hướng về xây dựng quê hương thêm giàu mạnh trong thời gian tới. Qua đó nhân lên tình yêu quê hương, đất nước, sâu đậm trong mỗi người con Cao Bằng nói chung và Hòa An nói riêng

PV