Khởi công nhà máy sản xuất văn phòng phẩm, nội thất 270 triệu USD
Ngày 28/9, Dự án nhà máy Deli Hải Dương - nhà máy sản xuất văn phòng phẩm và nội thất lớn nhất tại Việt Nam, do Tập đoàn Deli (Trunng Quốc) đầu tư đã khởi công xây dựng tại Khu công nghiệp Đại An, tỉnh Hải Dương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc dự và phát biểu tại lễ khởi công.
Dự án nhà máy Deli Hải Dương có quy mô sản xuất mỗi năm hơn 104 triệu sản phẩm văn phòng phẩm từ giấy, nhựa, các sản phẩm gia công từ nhựa; hơn 33 triệu sản phẩm hồ, keo dán dạng khô và dạng nước; hơn 23,7 triệu sản phẩm hàng gia dụng, thiết bị văn phòng, thiết bị giáo dục, đồ dùng học sinh từ kim loại; hơn 2,4 triệu sản phẩm máy tính điện tử cá nhân, máy photocopy, máy hủy tài liệu, máy ép plastic, máy scan mã vạch, máy chấm công, ổ cắm điện; 22,5 triệu sản phẩm bóng cao su, gậy cao su, thảm cao su, dụng cụ vệ sinh, chổi cao su từ cao su thành phẩm.
Dự án có diện tích khoảng trên 212.00m2 tại Khu công nghiệp Đại An mở rộng giai đoạn 2, tỉnh Hải Dương, có tổng vốn đầu tư đăng ký 270 triệu USD (tương đương hơn 6.490 tỷ đồng).
Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong quý IV/2026, sẽ tạo ra doanh thu khoảng 5 triệu USD/năm và việc làm cho khoảng 3.000 lao động.
Dự án do Tập đoàn Deli (Trung Quốc) đầu tư, là nhà sản xuất và cung cấp các sản phẩm văn phòng phẩm và nội thất lớn nhất Trung Quốc và châu Á, chiếm lần lượt 30% và 40% tại 2 thị trường này. Deli hiện điều hành 8 thương hiệu riêng độc lập, bao gồm gần 20 danh mục sản phẩm bao gồm văn phòng phẩm, thiết bị văn phòng, đồ thể thao và dụng cụ.
Theo ông Lưu Phúc An, Chủ tịch Tập đoàn Deli, nhà máy Deli Hải Dương là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay của tập đoàn. Ông Lưu Phúc An tin rằng, sự mở rộng phát triển tại Việt Nam lần này sẽ không chỉ giúp tăng cường hình ảnh của Tập đoàn Deli trên thị trường toàn cầu, mở rộng mạng lưới kinh doanh mà còn mang đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng hơn. Tập đoàn Deli sẽ tận dụng công nghệ sản xuất tiên tiến và kinh nghiệm quản lý để hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất của Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Lê Ngọc Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định: Việc khởi công xây dựng nhà máy của Tập đoàn Deli là dấu ấn quan trọng, minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và chính quyền địa phương. Từ đó, phấn đấu đến năm 2030, Hải Dương trở thành tỉnh có công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp động lực của Vùng Đồng bằng sông Hồng. Lãnh đạo tỉnh cam kết sẽ luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, để các nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn tỉnh đúng tiến độ và đạt hiệu quả cao, trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật.
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đánh giá cao công tác chuẩn bị, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành của tỉnh với chủ đầu tư dự án. Phó Thủ tướng kỳ vọng và tin tưởng dự án này sẽ đóng góp cho sự phát triển vững mạnh của tỉnh Hải Dương.
Chính phủ Việt Nam luôn xác định chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là một trong những cốt lõi của cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; thúc đẩy mô hình tăng trưởng xanh. Do đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc tin tưởng các nhà đầu tư nói chung, Tập đoàn Deli nói riêng bằng uy tín, kinh nghiệm sẽ sử dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến nhất, tạo ra những sản phẩm thân thiện môi trường; thu hút nhân lực, phát triển kinh tế-xã hội của Hải Dương nói riêng, Việt Nam nói chung.
Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Hải Dương sát cánh cùng các nhà đầu tư, cùng đồng hành, cùng làm, cùng hưởng, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ phát triển bền vững, toàn diện. Hải Dương cần hỗ trợ nhà đầu tư trong các vấn đề liên quan như cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư, phối hợp tuyển chọn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như nguồn nguyên liệu... với trách nhiệm cao nhất. Địa phương cần coi các dự án, nhà máy của nhà đầu tư chính là dự án, nhà máy của tỉnh, phục vụ cho người dân, phục vụ cho sự phát triển của tỉnh.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, lũy kế đến nay, Hải Dương có 584 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực đến từ 27 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 10,6 tỷ USD và có 1.761 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn gần 113.000 tỷ đồng.
Hết 8 tháng năm 2024, Hải Dương thu hút được gần 320 triệu USD vốn FDI đăng ký (bằng 93% mức vốn thu hút của cả năm 2023). Cụ thể, tỉnh đã cấp mới cho 46 dự án (6 dự án trong khu công nghiệp và 10 dự án ngoài khu công nghiệp) với tổng vốn đăng ký 202,5 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 23 lượt dự án với tổng vốn tăng thêm 108,7 triệu USD. Các dự án FDI mới chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực năng lượng, chế biến, chế tạo, văn phòng phẩm...; đầu tư xây dựng tại các khu công nghiệp mới, khu công nghiệp mở rộng trên địa bàn tỉnh.