Lạng Sơn khẳng định vị thế tiên phong về phát triển kinh tế số
Tỉnh Lạng Sơn đã có những bước tiến mạnh mẽ trong công cuộc chuyển đổi số, được vinh danh là địa phương tiêu biểu thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0, khẳng định vị thế tiên phong về phát triển kinh tế số.
Lạng Sơn không ngừng tăng tốc chuyển đổi số
Ngày 27/9/2024, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn họp quý III, do ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh chủ trì.
Cuộc họp có sự tham gia của thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan, được tổ chức trực tuyến tới các điểm cầu trên toàn tỉnh, nhằm đánh giá những kết quả nổi bật trong 9 tháng đầu năm, khẳng định bước tiến mạnh mẽ và vững chắc trong công cuộc chuyển đổi số.
Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và sự đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều bước tiến đáng kể trong công cuộc chuyển đổi số, đặt nền móng cho sự phát triển hiện đại và bền vững.
Tính đến nay, Lạng Sơn đã triển khai 1.543 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 1.027 dịch vụ công toàn trình và 516 dịch vụ công trực tuyến một phần.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, tỉnh đã tiếp nhận tổng cộng 239.723 hồ sơ, với tỷ lệ tiếp nhận trực tuyến đạt 97,92%. Đáng chú ý, tỷ lệ số hóa hồ sơ hành chính đạt tới 96%, tương ứng 942.934 trên tổng số 979.536 hồ sơ được lưu trữ tại Kho dữ liệu số của tỉnh. Những con số này minh chứng cho sự chuyển biến nhanh chóng và hiệu quả của quá trình số hóa hành chính tại Lạng Sơn.
Về phát triển hạ tầng số, mạng lưới viễn thông của tỉnh được duy trì kết nối thông suốt 3 cấp, 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động và internet tốc độ cao. Đặc biệt, 94% thuê bao 2G đã được chuyển đổi sang 4G, giúp tỉnh trở thành một trong những địa phương đi đầu trong hiện đại hóa hạ tầng viễn thông, tiến tới hoàn thành lộ trình tắt sóng 2G.
Một trong những thành tựu nổi bật nhất của Lạng Sơn là việc triển khai nền tảng cửa khẩu số vào tháng 2/2022.
Hệ thống này không chỉ giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu khai báo thông tin dễ dàng mà còn tối ưu hóa quy trình và tăng tính minh bạch trong quản lý.
Hiện đã có hơn 1.400 doanh nghiệp đăng ký và sử dụng hệ thống này, mang lại hiệu quả cao trong các hoạt động tại các cửa khẩu lớn như Hữu Nghị và Tân Thanh.
Nền tảng cửa khẩu số còn liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu trên Cổng dịch vụ công quốc gia, giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu chỉ cần khai báo thông tin một lần duy nhất.
Không chỉ dừng lại ở hành chính và kinh tế, chuyển đổi số đã len lỏi vào các lĩnh vực giáo dục và y tế ở Lạng Sơn. Hiện nay, 100% các trường học trên địa bàn tỉnh đã áp dụng phương thức thanh toán học phí không dùng tiền mặt.
Các bệnh viện và trung tâm y tế cũng đã triển khai thanh toán điện tử, kết nối với bệnh viện tuyến trên thông qua nền tảng số, giúp quá trình khám chữa bệnh trở nên nhanh chóng và hiệu quả hơn. Đặc biệt, căn cước công dân đã được tích hợp trong quá trình quản lý bảo hiểm y tế, giúp tiết kiệm thời gian và tăng tính tiện lợi cho người dân.
Trong cuộc họp, đại diện lãnh đạo các đơn vị còn thảo luận về việc xây dựng Hệ thống thông tin OCOP và nông đặc sản của tỉnh, đưa các sản phẩm OCOP tham gia giới thiệu, tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử, cũng như về các sáng kiến chuyển đổi số trong ngành giáo dục và tuyên truyền ứng dụng công nghệ thông tin.
Ngoài ra, Lạng Sơn đang tích cực nâng cấp Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành UBND tỉnh (IOC) và phát triển trợ lý ảo iSee nhằm hỗ trợ thủ tục hành chính.
Tính đến thời điểm hiện tại, Lạng Sơn đã hoàn thành 21/30 chỉ tiêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TU về chuyển đổi số và dự kiến sẽ hoàn thành thêm hai chỉ tiêu quan trọng trong năm 2024.
Những kết quả này không chỉ giúp tỉnh khẳng định vị thế trong công cuộc chuyển đổi số mà còn cải thiện các chỉ số quan trọng như Chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI), và Chỉ số Hài lòng của người dân (SIPAS).
Đặc biệt, từ năm 2023 tỉnh Lạng Sơn đã vươn lên vị trí thứ 5/63 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Cùng đó, nền tảng cửa khẩu số của tỉnh đã được nhận giải thưởng Viet Solutions 2022 cho bài toán chuyển đổi số xuất sắc cho địa phương; Lạng Sơn cũng vinh dự là 1 trong 7 đơn vị trong toàn quốc đạt giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc”. Đây là minh chứng rõ ràng cho những nỗ lực không ngừng trong lãnh đạo và sự tham gia tích cực của toàn dân trong công cuộc số hóa.
Được vinh danh là địa phương tiêu biểu trong Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số
Cùng trong ngày 27/9/2024, tại Hà Nội, tỉnh Lạng Sơn đã được vinh danh là một trong những địa phương tiêu biểu tại Lễ biểu dương "Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam - I4.0 Awards" lần thứ 3. Đây là chương trình do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) chủ trì, phối hợp với Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA) và Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số (VIDTI) tổ chức.
Phát biểu tại lễ biểu dương, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0).
Ông cho biết, việc biểu dương những đơn vị tiêu biểu như Lạng Sơn giúp đánh giá hiệu quả của công cuộc chuyển đổi số và thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và phát triển kinh tế số.
Năm nay, Ban tổ chức đã lựa chọn ra 30 đơn vị tiêu biểu trong 4 hạng mục, trong đó Lạng Sơn vinh dự là một trong 6 địa phương được biểu dương về việc tổ chức và triển khai hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng của tỉnh trong việc không chỉ đi đầu trong chuyển đổi số mà còn góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội thông qua việc ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến.
Hiện, Lạng Sơn đang triển khai mô hình chuyển đổi số toàn diện, xoay quanh 5 trụ cột: chuyển đổi số trong cơ quan Đảng, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và cửa khẩu số. Các nỗ lực kể trên đã giúp tối ưu hóa công tác quản lý hành chính và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội.
Với bước đi, cách làm hợp lý, Lạng Sơn đang hướng tới mục tiêu lọt vào top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số vào năm 2025. Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ số trong mọi lĩnh vực, từ giáo dục, y tế đến quản lý hành chính và kinh tế, tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện và bền vững trong tương lai. Tin rằng, thời gian tới, công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực.