Phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện: Thách thức và giải pháp
Đời sống - Ngày đăng : 10:23, 18/04/2017
Nhà nước có chính sách hỗ trợ với một số nhóm đối tượng khi tham gia BHXH tự nguyện; linh hoạt phương thức đóng…Tuy nhiên, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Chính sách BHXH tự nguyện theo Luật BHXH năm 2014
BHXH tự nguyện là một trong các chính sách mới của Đảng và Nhà nước ta, bắt đầu thực hiện kể từ ngày 01/01/2008 theo quy định của Luật BHXH năm 2006; trong đó, có các nội dung quy định về đối tượng, mức đóng, phương thức đóng, mức hưởng các chế độ BHXH tự nguyện. Đến ngày ngày 20/11/2014 Quốc hội đã thông qua Luật BHXH số 58/2014/QH13 để thay thế Luật BHXH năm 2006 quy định về chính sách BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.
Theo Luật BHXH 2014, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện không bị khống chế trần tuổi. Ảnh minh họa. Nguồn : Internet
Theo Luật BHXH 2014, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện không bị khống chế trần tuổi. Cụ thể nam từ đủ 60 tuổi trở lên, nữ từ đủ 55 tuổi trở lên đều được tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Trước đó, Luật BHXH năm 2006 quy định trần tuổi tham gia BHXH tự nguyện đến đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ (trừ trường hợp có từ đủ 15 năm đóng BHXH thì được tiếp tục đóng đến khi đủ 20 năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu).
Về phương thức đóng, Luật BHXH 2014 đã bổ sung, linh hoạt các phương thức đóng (ngoài phương thức đóng hàng tháng, 03 tháng hoặc 06 tháng một lần) như đóng 12 tháng một lần; Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm (60 tháng) một lần. Người tham gia BHXH tự nguyện cũng có thể đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Về mức đóng, Luật BHXH năm 2006 quy định mức thu nhập lưa chọn làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung và từ tháng 5/2013 là mức lương cơ sở. Tuy nhiên, Luật BHXH 2014 đã hạ thu nhập người tham gia lựa chọn làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm đóng. Thời điểm đóng cũng nới rộng khoảng thời gian đóng tiền kể từ ngày đăng ký tham gia, hoặc từ ngày thực hiện xong phương thức đóng trước đến thời điểm người tham gia đóng tiền.
Bên cạnh đó, kể từ ngày 1/1/2018, nhà nước sẽ triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể mức hỗ trợ bằng 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.
Tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện còn thấp
Theo Luật BHXH 2014, những vướng mắc liên quan đến BHXH tự nguyện đã được sửa đổi nhằm thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, tổng kết của BHXH Việt Nam cho thấy cho đến năm 2016, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 203.560 người. Mặc dù số thu năm sau có tỷ lệ cao hơn so với năm trước, nhưng số người tham gia so với lực lượng lao động còn đạt tỷ lệ rất thấp (năm 2015 bằng 0,41%, năm 2016 bằng 0,36% lực lượng lao động).
Theo lý giải của Ban Thu (BHXH Việt Nam) một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng số người tham gia BHXH tự nguyện đạt thấp là do nhiều người vẫn chưa hiểu đầy đủ về chính sách BHXH tự nguyện; thậm chí một bộ phận dân cư còn chưa biết có chính sách BHXH tự nguyện.
Nguyên nhân thứ hai là thu nhập của người lao động ở nông thôn thấp, không ổn định; giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2015 mức đóng BHXH tự nguyện còn cao so với thu nhập của đa số người dân và trước năm 2018 chưa có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Từ ngày 01/01/2018 người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng; tuy nhiên, mức hỗ trợ này còn rất thấp, không thể thúc đẩy tăng nhanh đối tượng tham gia, kể cả khi có hỗ trợ từ Nhà nước.
Một phần nữa là người lao động ở Việt Nam chưa có thói quen tham gia BHXH khi trẻ để hưởng lương hưu khi tuổi già. Chính quyền một số địa phương cũng chưa thực sự quan tâm đến chính sách BHXH tự nguyện; chưa giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, chưa tổng kết, đánh giá, kiểm điểm những tồn tại, hạn chế nguyên nhân chậm phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Ngoài ra, việc số người tham gia BHXH tự nguyện đạt thấp còn do mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện còn ít, trình độ đại lý thu còn hạn chế, nên chưa thuận tiện cho người lao động tham gia (người muốn tham gia BHXH tự nguyện nhưng không biết tham gia như thế nào, đóng ở đâu, mức đóng bao nhiêu, được hưởng các quyền lợi gì, ...); Sự phối hợp trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện của các cấp, các ngành ở địa phương với cơ quan BHXH chưa thường xuyên, thiếu quan tâm, có nơi coi đây là nhiệm vụ của riêng cơ quan BHXH.
Để thu hút hơn người lao động tham gia BHXH tự nguyện, các chuyên gia đề nghị cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu, rộng chính sách BHXH tự nguyện để nhiều người dân hiểu để tham gia BHXH tự nguyện. Mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, phấn đấu mỗi thôn, bản, tổ dân phố đều có nhân viên đại lý thu, hoặc điểm thu BHXH tự nguyện. Hướng dẫn, tập huấn chính sách BHXH tự nguyện đối với nhân viên đại lý thu để phối hợp tuyên truyền, tư vấn đến người dân.
Bên cạnh đó, cần giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đối với BHXH cấp huyện và từng đại lý thu.Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và hỗ trợ nghiệp vụ của ngành BHXH nhằm quản lý chặt chẽ quỹ BHXH,… Đa dạng các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ đối với người tham gia BHXH tự nguyện.
Cũng theo các chuyên gia, để tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách BHXH, trong đó có cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện. Chính sách cần đa dạng, linh hoạt, hướng tới đáp ứng được nhu cầu, khả năng của nhiều nhóm đối tượng khác nhau.