Chính trị

Làm rõ và khắc phục những bất cập về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Duy Tuấn 25/09/2024 - 20:24

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị làm rõ kỷ cương pháp luật an toàn giao thông có thực hiện nghiêm không, hay chỉ hô khẩu hiệu.

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp 37, chiều 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã xem xét báo cáo của đoàn giám sát và thông qua nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023".

Chưa chủ động xử lý nghiêm tập thể, cá nhân vi phạm

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Lê Tấn Tới, Phó Trưởng đoàn Đoàn giám sát, từ năm 2019 đến năm 2023, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ có những chuyển biến tích cực, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người tham gia giao thông được nâng cao; số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục giảm, nhất là số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải được kiềm chế.

gt5.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng-An ninh Lê Tấn Tới.

Trong đó, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông đường bộ của lực lượng chức năng đạt kết quả cao. Đã tập trung ra quân xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm, trọng tâm là vi phạm nồng độ cồn, quá tải trọng.

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập như công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều hạn chế.

Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông mặc dù đã được tăng cường, nhưng kết quả kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông chưa vững chắc, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ vẫn còn ở mức cao.

gt1.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông của một số bộ, ngành, địa phương hiệu quả còn thấp, chưa phân định rõ trách nhiệm, chưa chủ động phát hiện và xử lý nghiêm khắc các tập thể, cá nhân vi phạm để răn đe, phòng ngừa sai phạm, tiêu cực trong quản lý nhà nước về giao thông.

Cần nhấn mạnh "tiêu cực, ý thức" về trật tự, an toàn giao thông

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, báo cáo nhấn mạnh thêm công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

"Cần làm rõ kỷ cương pháp luật có thực hiện nghiêm không; cả hệ thống chính trị có vào cuộc quyết liệt, quyết tâm cho an toàn giao thông hay chỉ hô khẩu hiệu mà không cụ thể"- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

gt4.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Đoàn giám sát thẳng thắn nhìn nhận những tiêu cực trong lĩnh vực đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

“Ví dụ như tiêu cực của Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm, thi bằng lái, sát hạch... Qua thực tế cho thấy, những tiêu cực này đã ảnh hưởng đến tình hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, Chủ nhiệm Lê Thị Nga phát biểu.

Ngoài ra, theo bà Nga, cũng là một người, đi ra nước ngoài chấp hành rất tốt quy định về trật tự, an toàn giao thông sở tại, nhưng khi về Việt Nam thì vượt đèn đỏ, vi phạm rất nhiều.

gt2.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga.

"Điều này chứng tỏ luật của chúng ta chưa được thực hiện nghiêm, chưa góp phần rèn giũa được ý thức của người tham gia giao thông. Do đó, báo cáo cần nhấn mạnh thêm về ý thức chưa tốt của một bộ phận không nhỏ người tham giao thông", bà Nga đề nghị.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, trong các lĩnh vực đường bộ, đường không, đường thủy, đường sắt, hàng hải thì lĩnh vực đường bộ là tai nạn nhiều nhất, phức tạp nhất, khó khăn nhất. "Báo cáo cần gia công lại, tập trung đánh giá kỹ hơn lĩnh vực giao thông đường bộ và các giải pháp liên quan".

Tại phiên họp, 100% thành viên UBTVQH có mặt đã thống nhất thông qua về nguyên tắc dự thảo nghị quyết và giao cho đoàn giám sát hoàn chỉnh, báo cáo xin ý kiến.

Duy Tuấn