Chính trị

Thủ tướng đối thoại chính sách tại TP.HCM

Kim Sáng 25/09/2024 16:03

Chiều 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên đối thoại chính sách với lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, TP.HCM, lãnh đạo các tỉnh, thành, khách mời, tập đoàn trong nước và quốc tế.

635a2412.jpg
Toàn cảnh phiên đối thoại chính sách của Thủ tướng Chính phủ tại TP.HCM.

Phát biểu đề dẫn, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan chia sẻ, Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024 rất vui mừng khi nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương, chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế, đặc biệt là sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên đối thoại chính sách.

Điều này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như tầm quan trọng và giá trị thực tiễn của Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần thứ 5 năm 2024 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TP.HCM.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, sự phát triển công nghệ mang tính đột phá trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị đến xã hội và môi trường; làm thay đổi căn bản, thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tri thức dựa trên đổi mới sáng tạo; đã tạo ra nhiều cơ hội cho các nước, nhất là các quốc gia khu vực Đông Nam Á như Việt Nam; nhờ vào chuyển đổi kinh tế số chúng ta có thể rút ngắn khoảng cách phát triển để bứt phá đi lên.

635a2421.jpg
Thủ tướng đối thoại chính sách tại TP.HCM.

Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng tạo ra nhiều thách thức, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nguồn lực phải lớn, nhân lực phải dồi dào, chính sách pháp luật phải hoàn thiện; hợp tác quốc tế phải sâu rộng hơn nữa; sự chủ động của địa phương là rất cần thiết, nhưng những quyết sách của Trung ương là quan trọng quyết định thành công của quá trình chuyển đổi.

Trong 5 năm gần đây, kinh tế thành phố tiếp tục phát triển ổn định, giữ vai trò là trung tâm nhiều mặt của khu vực và cả nước; là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước. Hàng năm, thành phố đóng góp 20% GRDP, 25% nguồn thu ngân sách và của cả nước.

Trong sự phát triển kinh tế của thành phố, ngành công nghiệp có vị trí quan trọng và chiếm tỷ trọng đóng góp cao.

Trong giai đoạn từ 2016 đến nay, với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế TP.HCM, ngành công nghiệp đã có những bước phát triển mạnh và vững chắc dựa trên 4 ngành công nghiệp trọng yếu: Cơ khí; điện tử - công nghệ thông tin; hóa dược - cao su nhựa; chế biến lương thực - thực phẩm.

635a2437.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trao đổi tại phiên đối thoại chính sách.

Bên cạnh những thành tựu đạt được thì công nghiệp thành phố đang đứng trước những thách thức, phát triển thiếu bền vững; gia công, lắp ráp còn chiếm tỷ trọng cao; giá trị gia tăng thấp; có công nghệ sau hơn 30 năm đầu tư phát triển nay đã lạc hậu; sử dụng nhiều tài nguyên; thâm dụng lao động; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp không còn phù hợp, một số khu công nghiệp hiện nay nằm trong vùng lõi của thành phố.

Để khắc phục các hạn chế nêu trên, việc chuyển đổi ngành công nghiệp thành phố là hết sức cấp bách và cần thiết.

Theo Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan, ngoài nỗ lực các doanh nghiệp, nhà đầu tư, chuyển đổi công nghiệp thành phố cần sự đồng hành của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương.

Ông Hoan nhấn mạnh, phiên đối thoại chính sách tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2024 là cơ hội để doanh nghiệp phản ánh kiến nghị, chính sách để Chính phủ và chính quyền thành phố lắng nghe, tìm kiếm giải pháp để xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp ở TP.HCM và các địa phương trong cả nước.

"TP.HCM luôn nhận thức rằng sự thành công của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong quá trình chuyển công nghiệp nói chung và sản xuất kinh doanh nói riêng, chính là sự thành công của thành phố, góp phần tiếp thêm động lực cho thành phố phát triển mạnh mẽ theo tinh thần "TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM", vì sự thịnh vượng chung của đất nước", ông Hoan nói.

635a2405.jpg
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu.

Phát biểu tại phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ niềm vui, tự hào về TP.HCM khi Diễn đàn tổ chức lần thứ 5, quy mô ngày càng lớn hơn, đối tượng nhiều hơn, vấn đề sâu sắc hơn, nhận được sự quan tâm của bạn bè, đối tác quốc tế.

Theo Thủ tướng, chủ đề của diễn đàn về chuyển đổi công nghiệp là chủ đề rất rộng và cũng là tiềm năng khác biệt, cơ hội nội trội, lợi thế cạnh tranh của TP.HCM; là chủ đề mang tính thời sự của quốc tế.

"Diễn đàn rất có ý nghĩa với TP.HCM, với Việt Nam và với cả bạn bè, đối tác quốc tế. Đây là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau; tiến tới hợp tác, cùng chia sẻ, lắng nghe, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng có niềm vui, hạnh phúc và sự tự hào. Tôi tin chắc sau Diễn đàn, mỗi người ra về đều có thêm "phần quà" là kiến thức mà Diễn đàn mang lại, ngoài tình cảm nồng hậu, ấm cúng của TP.HCM là đơn vị tổ chức. Từ sáng đến giờ, tôi cũng đã nhận được rất nhiều từ Diễn đàn", Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ.

Phiên đối thoại chính sách đang diễn ra với phần hỏi đáp giữa các Bộ, ngành, địa phương với Thủ tướng Chính phủ.

Phiên Đối thoại chính sách có sự tham dự của lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương (Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước), Chủ tịch UBND TP.HCM, lãnh đạo một số tỉnh thành Việt Nam và các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế.

Hoạt động nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại thành phố cũng như vấn đề chiến lược quốc gia, đồng thời kiến nghị với Chính phủ những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô.

Kim Sáng