Chính trị

Làm rõ đặc thù chính sách dành cho nhà giáo

Duy Tuấn 25/09/2024 - 15:10

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, làm rõ đặc thù chính sách dành cho nhà giáo bằng cơ chế, chính sách, bao gồm cả lĩnh vực công và tư...

Tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 37, sáng 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo.

Cải cách tiền lương nhà giáo phải linh hoạt

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, làm rõ đặc thù chính sách dành cho nhà giáo; có phân biệt giữa nhà giáo và nhà quản lý giáo dục hay không.

ng4.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

"Đây là luật mới hoàn toàn, do đó, cần xác định rõ Quốc hội sẽ ban hành cơ chế, chính sách gì, bao gồm cả lĩnh vực công và tư, để không trùng lặp với các luật khác. Đồng thời, phải bảo đảm thận trọng, nhất quán, chất lượng, đột phá về chính sách, nhưng không phá vỡ cấu trúc của hệ thống pháp luật hiện hành", Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

Cùng quan điểm, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cải cách tiền lương của nhà giáo phải nghiên cứu kỹ lưỡng hơn theo hướng linh hoạt, bảo đảm đãi ngộ với người tài trong ngành giáo dục, tránh câu chuyện “sống lâu lên lão làng”, lương cứ tăng tuần tự, trong khi đó, người giỏi, người sau làm tốt nhưng lại không có chính sách khuyến khích.

ng3.jpeg
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát xác định rõ đối tượng áp dụng cho từng nhóm chính sách đặc thù để bảo đảm tính khả thi, làm rõ những vấn đề mới, những vấn đề đủ mạnh, tạo ra những thay đổi, chuyển biến rõ nét, tích cực khi ban hành luật.

Tăng quyền tự chủ, sáng tạo

Trình bày tờ trình dự án Luật Nhà giáo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, dự thảo Luật có một số điểm mới, trong đó, làm rõ đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo với tính chất là hoạt động đặc thù so với các ngành, nghề khác ở 4 khía cạnh: là hoạt động có tính chuyên nghiệp, sáng tạo cao; sản phẩm của hoạt động này là phẩm chất, năng lực của người học; được thực hiện theo năm học hoặc khóa học; được cụ thể hóa theo từng cấp học và trình độ đào tạo.

ng1.jpeg
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng.

Dự thảo Luật quy định theo hướng tăng quyền tự chủ, sáng tạo trong hoạt động giảng dạy và giáo dục của nhà giáo, quyền được áp dụng các biện pháp kỷ luật tích cực trong giáo dục và bản quyền sở hữu trí tuệ đối với các nội dung sáng tạo, đổi mới trong giáo dục; quyền được làm việc trong môi trường an toàn, được tôn trọng, bảo vệ nhân phẩm, danh dự, thân thể; được đối xử bình đẳng trong hoạt động và thăng tiến nghề nghiệp.

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo đảm tính thống nhất với các luật liên quan đang điều chỉnh đối tượng nhà giáo; nội luật hóa các công ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam đã ký kết.

Duy Tuấn