Chỉ được ghi hình, ghi âm bằng thiết bị thông thường: "Làm khó" nhà báo điều tra
Đời sống - Ngày đăng : 14:24, 14/04/2017
Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Sau khi dự thảo Nghị định được công bố, đã có nhiều ý kiến tranh cãi về vấn đề này.
Nhiều chuyên gia pháp lý đã phản bác gay gắt với Dự thảo của Bộ Công an vì cho rằng quy định cấm công dân không được sử dụng các thiết bị ghi âm ghi hình với mục đích hợp pháp là trái với quy định của Hiến pháp. Mới đây, Bộ Công an đã có những giải thích cụ thể về vấn đề gây tranh cãi này.
Không cấm ghi âm, ghi hình bằng thiết bị thông thường
Theo Bộ Công an, quyền con người, quyền công dân phải được bảo đảm theo quy định của Hiến pháp năm 2013, trong đó Điều 21 Hiến pháp quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”.
Vì vậy, các quy định của pháp luật phải tuân thủ nguyên tắc hiến định này. Việc ghi âm, ghi hình bí mật là xâm phạm đến các quyền nêu trên, do vậy, trong trường hợp cần điều tra tội phạm, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rất chặt chẽ về căn cứ, điều kiện, đối tượng chủ thể, thẩm quyền, thủ tục và sử dụng kết quả của việc ghi âm, ghi hình bí mật.
Không cấm người dân, nhà báo ghi âm bằng thiết bị thông thường
Khoản 1 Điều 223 Bộ luật này xác định, ghi âm, ghi hình bí mật là biện pháp điều tra tố tụng hình sự đặc biệt, chỉ được áp dụng sau khi khởi tố vụ án hình sự về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tham nhũng, khủng bố, tài trợ khủng bố, rửa tiền, ma túy, các tội có tổ chức đặc biệt nghiêm trọng khác, phải do người có thẩm quyền tiến hành tố tụng của Cơ quan điều tra cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên quyết định và phải được phê chuẩn của Viện kiểm sát có thẩm quyền.
Việc ghi âm, ghi hình bí mật chỉ được cơ quan chuyên trách trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân theo quy định của pháp luật tiến hành (Khoản 3 Điều 225 Bộ luật). Thông tin, tài liệu thu được từ hoạt động ghi âm, ghi hình bí mật chỉ được dùng để giải quyết vụ án. Bộ luật này còn nghiêm cấm sử dụng thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được bằng các biện pháp nêu trên vào mục đích khác (khoản 1 Điều 227).
Như vậy, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì chỉ có cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân mới được tiến hành biện pháp ghi âm, ghi hình bí mật với sự kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn ngừa vi phạm quyền con người, quyền công dân.
Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị quy định nguyên tắc “chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mới được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng” là phù hợp với quy định nêu trên của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và bảo đảm thi hành Luật an ninh quốc gia năm 2004, Luật Công an nhân dân năm 2014 và Luật đầu tư năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2016) về quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự đối với tất cả các giai đoạn sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, tồn trữ, trao đổi, sử dụng một cách chặt chẽ, có hiệu quả.
Về phạm vi điều chỉnh, Nghị định này quy định điều kiện về an ninh, trật tự, công tác quản lý nhà nước, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và biện pháp thi hành đối với hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.
Từ phạm vi điều chỉnh cho thấy, Nghị định này không quy định hành vi ghi âm, ghi hình của người dân hay nhà báo mà chỉ quy định điều kiện về an ninh, trật tự, công tác quản lý nhà nước, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và biện pháp thi hành đối với hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.
“Thiết bị thông thường khó đáp ứng được công việc điều tra của nhà báo”
Đó là ý kiến băn khoăn của nhiều nhà báo chuyên viết về điều tra sau khi Dự thảo của Bộ Công an được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Nhiều nhà báo chung quan điểm, đối với người viết phóng sự điều tra, không thể thiếu các thiết bị ghi âm, ghi hình bí mật. Thiết bị này như một công cụ sắc bén để ghi lại những bằng chứng sống trong công tác đấu tranh chống lại những hành vi vi phạm pháp luật.
Thiết bị ghi âm ghi hình, quay lén không thể thiếu đối với phóng viên làm điều tra
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, “cây viết phóng sự điều tra” (hiện đang công tác tại Báo Lao động) cho biết, rất nhiều tác phẩm phóng sự điều tra được phát trên truyền hình, trên báo in, báo điện tử đều được tác nghiệp bằng thiết bị ngụy trang để quay lén.
“Để thâm nhập điều tra một vấn đề tiêu cực của tổ chức, cá nhân đang gây nguy hại cho xã hội, phóng viên không thể không dùng thiết bị ngụy trang để quay lén được. Nếu chỉ dùng máy ảnh hay điện thoại để quay lén, đối tượng bị quay họ sẽ phát hiện khiến phóng viên gặp rất nhiều nguy hiểm. Chúng tôi phải dùng thiết bị quay được ngụy trang dưới hình thức là cúc áo, đồng hồ, kính, chùm chìa khóa. Nhiều tác phẩm báo chí được tác nghiệp bằng hình thức đó đã trở thành tài liệu chứng cứ quan trọng để cơ quan Công an phá án" - nhà báo Doãn Hoàng nói.
Theo nhà báo Doãn Hoàng, dự thảo Nghị định cần có sự rành mạch, nếu quy định chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội mới được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình thì sẽ gây rất nhiều khó khăn, nguy hiểm cho phóng viên trong hoạt động điều tra báo chí.
Đề cập đến việc nhà báo sử dụng thiết bị thông thường để tác nghiệp trong hoạt động viết bài điều tra, một nhà báo chuyên viết về điều tra chia sẻ, nhà báo viết điều tra là những người dám đánh cược mạng sống của mình, đi đến tận cùng những vấn đề gai góc nhất của xã hội.
Khi viết điều tra, người viết cần xác định đối tượng bị điều tra là ai, đó có thể là những tên tội phạm nguy hiểm sẵn sàng cầm dao xuống tay khi biết đối tượng đối diện đang điều tra về mình. Cũng có thể là một cán bộ chức quyền nào đó. Nếu là quan chức, có thể họ có quyền chấm dứt nói chuyện khi biết đang bị ghi âm hay quay phim. Còn lại các đối tượng khác, để báo chí phanh phui những hành vi vi phạm pháp luật cần có bằng chứng xác đáng và cách tốt nhất mà nhà báo sử dụng là lén ghi âm, hoặc ghi hình, bởi nhà báo không có quyền thẩm vấn. Chẳng hạn khi tên tội phạm cách xa hoặc nguy hiểm không thể tiếp cận được thì cũng cần có những thiết bị quay lén chuyên dụng để đáp ứng được điều đó.
Theo Bộ Công an, khái niệm về thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị được xác định trong Điều 3 của Nghị định này như sau: Thiết bị ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình là thiết bị ghi âm, ghi hình giấu trong đồ vật thông thường hoặc thiết bị ghi âm, ghi hình được giả dạng thiết bị, đồ vật thông thường. Từ khái niệm trên cho thấy, thiết bị ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình là một loại thiết bị (không phải là máy quay phim, chụp ảnh, ghi âm thông thường hoặc điện thoại thông minh như iPhone, Samsung…người dân vẫn đang được phép sử dụng) mà chúng được thể hiện dưới hình dạng của các thiết bị, đồ vật thông thường (như cúc áo, bút viết, lọ hoa, kính mắt…). |