Hồ sơ vụ án

Vụ Xuyên Việt Oil: Hai cựu lãnh đạo của Bộ Công Thương có lý lịch như thế nào?

Mạnh Hùng 24/09/2024 - 19:58

Cáo trạng truy tố của VKSNDTC trong vụ Xuyên Việt Oil nêu nhân thân của cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và cựu Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Nguyễn Lộc An đều từng phải nhận án tù.

Theo cáo trạng truy tố, trong số 15 bị can vụ Xuyên Việt Oil bị truy tố, ông Đỗ Thắng Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương và ông Nguyễn Lộc An, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đều bị truy tố tội "Nhận hối lộ".

bo-cong-thuong(1).jpg
Hai bị can Đỗ Thắng Hải và Nguyễn Lộc An.

Trong vụ án vừa bị truy tố, VKSNDTC cáo buộc ông Nguyễn Lộc An đã nhận hối lộ từ Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil Mai Thị Hồng Hạnh tổng số tiền 400 triệu đồng cùng chiếc đồng hồ hiệu Patek Philippe.

Trong khi đó, bị can Đỗ Thắng Hải bị cáo buộc đã ký cấp giấy phép số 55 ngày 19/11/2021 cho Công ty Xuyên Việt Oil. Vài ngày sau, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận hối lộ 50.000 USD (tương đương hơn 1,2 tỉ đồng) của bà Hạnh tại phòng làm việc của mình.

Điều đáng chú ý, trong phần lý lịch các bị can, VKSNDTC nêu rõ nhân thân bị can Đỗ Thắng Hải và Nguyễn Lộc An đều đã từng phải nhận án tù.

Theo hồ sơ vụ án, năm 1988, bị can Đỗ Thắng Hải bị TAND TP. Hà Nội tuyên phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Đầu cơ", thời gian thử thách là 4 năm. Tội phạm và hình phạt quy định tại Điều 165 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985. Bị can Hải đã được xóa án tích.

Cũng theo hồ sơ vụ án, năm 2002, bị can Nguyễn Lộc An bị TAND tỉnh Lạng Sơn xét xử và tuyên mức án 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Trốn thuế", theo Điều 161 BLHS năm 1999.

Sau đó, xét xử phúc thẩm, bị can Lộc nhận án 3 năm tù song đến nay đã được xóa án tích.

Trước những thông tin trên, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Với việc từng bị tuyên án tù, bị can Hải và bị can An có được coi là có nhân thân xấu?

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Tiến - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: Pháp luật Việt Nam quy định, người đã xóa án tích thì coi như chưa từng phạm tội. Họ được tái hòa nhập cộng đồng, tạo cơ hội việc làm và được đối xử bình đẳng.

Theo luật sư, quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, ngoài việc thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội, chứng minh các dấu hiệu cấu thành tội phạm làm căn cứ buộc tội đối với người phạm tội, cơ quan tiến hành tố tụng còn phải thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh các yếu tố quyết định đến hình phạt, trong đó có yếu tố nhân thân.

Với những người có tiền án (từng bị kết án mà chưa xóa án tích), họ sẽ được xác định là tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm. Với những người phạm tội đã từng bị kết án nhưng đã được xóa án tích mà tiếp tục phạm tội, họ sẽ được xác định là nhân thân xấu.

Người có nhân thân xấu có thể bị áp dụng mức hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn. Bởi vậy, việc thu thập lý lịch tư pháp của bị can, làm rõ nhân thân của bị can là một trong những nhiệm vụ của cơ quan điều tra và cơ quan công tố trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

Mạnh Hùng