Văn hóa - Du lịch

Siết chặt công tác quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích

Vũ Ba 24/09/2024 - 19:50

Để việc quản lý các di tích lịch sử - văn hóa được hiệu quả, công tác giám sát, quản lý tiền công đức, tài trợ tại di tích cần được các cấp, ngành tăng cường quan tâm, bảo đảm tính công khai, minh bạch.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 77/CĐ-TTg ngày 8/8/2024 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa; căn cứ Báo cáo số 174/BC-BTC ngày 26/6/2024 của Bộ Tài chính về việc kết quả kiểm tra tổng thể việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa trên phạm vi toàn quốc năm 2023 và trên cơ sở báo cáo, đề xuất của Sở Tài chính, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng vừa có ý kiến chỉ đạo nhằm siết chặt công tác quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng giao Sở Văn hóa và Thể thao, UBND các quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả theo quy định để tăng cường công tác quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa; rà soát văn bản, quy định của địa phương liên quan đến quản lý thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội để ban hành quyết định mới hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp theo quy định của Bộ Tài chính; chỉ đạo các tổ chức, cá nhân có liên quan công khai, minh bạch việc thu, chi các khoản công đức, tài trợ cho di tích, cho hoạt động lễ hội và cung cấp thông tin kịp thời khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền yêu cầu theo quy định.

Các cấp, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội, huy động sự vào cuộc, đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân; xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ và tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được sử dụng chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả, đúng mục đích, quy định.

Các cấp, ngành, địa phương kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật, tuyệt đối không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi, phục vụ lợi ích cá nhân; góp phần giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc và đóng góp tích cực cho việc bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích, tổ chức lễ hội, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc Việt Nam.

Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng giao Sở Văn hóa và Thể thao, UBND các quận, huyện, cơ quan, đơn vị có liên quan được phân cấp quản lý di tích tại Quyết định số 21/2020/QĐ-UBND ngày 27/8/2020 của UBND thành phố chủ động thực hiện công tác quản lý tiền công đức, tiền tài trợ tại các di tích lịch sử - văn hóa theo quy định.

nguyen-binh-khiem.jpeg
Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng.

Hải Phòng là thành phố cảng biển, không chỉ là một trung tâm kinh tế lớn, trọng điểm của đất nước mà còn là trung tâm tiếp nhận và giao thoa các nền văn hóa, nơi hội tụ và kết tinh giá trị văn hóa dân tộc và nhân loại.

Cùng với những di sản do thiên nhiên ban tặng, các thế hệ người Hải Phòng đã tạo dựng nên những di sản văn hóa quý giá, giàu bản sắc văn hóa. Toàn thành phố hiện có hơn 1.000 di tích văn hóa, lịch sử có giá trị. Trong số cả nghìn di tích, thành phố có 555 di tích được xếp hạng; trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt, 119 di tích quốc gia, 434 di tích cấp thành phố.

Vũ Ba