Cấm người dân, nhà báo ghi âm, ghi hình ngụy trang: Quyền con người bị giới hạn?
Đời sống - Ngày đăng : 05:54, 13/04/2017
Đe dọa quốc phòng an ninh trật tự ...nên cấm
Bộ Công an đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, chụp hình, định vị. Dự thảo Nghị định bao gồm 4 Chương, 19 Điều quy định điều kiện về an ninh, trật tự, công tác quản lý nhà nước, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và biện pháp thi hành đối với hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.
Đối tượng áp dụng tại Nghị định này là cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh và thành lập, cấp phép, đăng ký, quản lý hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị.
Vụ phóng viên Quang Thế báo Tuổi trẻ bị hành hung khi tác nghiệp trên cầu Nhật Tân được ghi lại bằng hình ảnh và clip
Theo Bộ Công an, trong những năm qua, tình hình kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, chụp hình, định vị diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc trong xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa quốc phòng, an ninh, trật tự của đất nước.
Qua công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, Bộ Công an đã phát hiện nhiều vụ việc đối tượng sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, chụp hình, định vị. Điển hình là vụ Công ty TNHH Công nghệ Việt Hồng, công khai quảng cáo sản phẩm phần mềm Ptracker và đã thực hiện giám sát hơn 14.000 tài khoản điện thoại di động, cho phép đối tượng thuê dịch vụ phần mềm Ptracker của Công ty Việt Hồng để bí mật quay phim, chụp hình, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại trái pháp luật.
Ngoài ra, Bộ Công an đã xác định có ít nhất 24 cá nhân, tổ chức công khai quảng cáo, buôn bán thiết bị và cung cấp các dịch vụ tương tự như Công ty Việt Hồng.
Theo dự thảo, các hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, chụp hình, định vị gồm: sản xuất, lắp ráp, vận chuyển, tồn trữ, mua bán, cho thuê, sửa chữa thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, chụp hình, định vị là hoạt động kinh doanh có điều kiện, bắt buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự do cơ quan thẩm quyền thuộc Bộ Công an hoặc Bộ Quốc phòng cấp.
Nghị định đề xuất chỉ có 3 nhóm được kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, chụp hình, định vị là: Cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Công an, cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng phục vụ cho lực lượng quân đội nhân dân và cơ sở kinh doanh không thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được Bộ Công an có văn bản chấp thuận.
Đáng chú ý, tại điều 4 dự thảo Nghị định nêu rõ: “Chỉ cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, chụp hình, định vị phục vụ cho hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng”.
Sau khi dự thảo Nghị định này được đưa ra, đã có nhiều ý kiến phản biện cho rằng dự thảo này là “vi hiến”, gây trói buộc, ảnh hưởng đến hoạt động điều tra và hạn chế vai trò của báo chí và quyền còn người trong công tác đấu tranh chống tiêu cực. Nhiều người dân cũng không đồng tình với với dự thảo Nghị định của Bộ Công an vì cho rằng dự thảo này làm phức tạp thêm vấn đề và ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong sản xuất kinh doanh.
Quyền con người bị giới hạn?
Trao đổi với Báo Công lý về vấn đề này, Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla cho biết, việc dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị do Bộ Công an chủ trì xây dựng là giới hạn quyền con người.
Luật sư Trương Quốc Hòe
Luật sư Hòe phân tích, thứ nhất, việc quy định về người sử dụng trong quy định về nguyên tắc hoạt động và quản lí trong Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thể hiện sự thiếu phù hợp về nội dung. Thứ hai, theo quy định trên thì có thể hiểu chỉ các cơ quan chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được quyền sử dụng thiết bị, phần mềm ngụy trang ghi âm, ghi hình, định vị hoặc thậm chí là các công cụ, phương tiện khác vì mục đích an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và vì nhiệm vụ quốc phòng, còn các chủ thể khác như nhà báo, người dân sẽ không được sử dụng các thiết bị ngụy trang để ghi âm, ghi hình. Chính vì vậy, quy định này làm hạn chế quyền sử dụng các thiết bị, phần mềm ngụy trang để ghi âm, ghi hình hợp pháp, chính đáng của các chủ thể khác.
Luật sư Hòe cho biết, phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng là nhiệm vụ của toàn dân, người dân cũng có quyền sử dụng thiết bị, phần mềm này vì những mục đích này và mục đích hợp pháp, chính đáng của họ.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự thì luật sư được quyền tự thu thập tài liệu chứng cứ và trong quá trình thu thập tài liệu chứng cứ để phục vụ việc thu thập tài liệu chứng cứ thì luật sư cần sử dụng các thiết bị, phần mềm ghi âm, ghi hình.
Ông Hòe cho rằng, để vừa đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm vừa đảm bảo lợi ích của người dân cũng như doanh nghiệp thì Nghị định nên quy định chính xác cách thức, nguyên tắc sử dụng các thiết bị, phần mềm nguy trang để ghi âm, ghi hình thay vì quy định về đối tượng sử dụng. Bởi các thiết bị, phần mềm là sản phẩm sáng tạo, là trí tuệ của con người, được phát minh với mục đích tốt. Chỉ có hành vi, mục đích sử dụng của từng đối tượng cụ thể mới gây nguy hiểm cho xã hội.
Trước dự thảo về việc cấm người dân nhà báo, ghi âm, ghi hình nguy trang, luật sư Đặng Văn Sơn, Trưởng VPLS Đặng Sơn và cộng sự nêu quan điểm, ngày 22/11/2016, Quốc hội đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung điều 6 và phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của luật Đầu tư, trong đó, bổ sung hoạt động kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Luật sư Sơn cho rằng, việc cấm người dân, nhà báo ghi âm ghi hình ngụy trang là vượt quá phạm vi điều chình, hạn chế vai trò của báo chí.
“Nhiều vụ sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực mất an toàn vệ sinh thực phẩm, các hành vi môi giới hối lộ hoặc đưa, nhận hối lộ trong các cơ quan công quyền… đã được các nhà báo phanh phui từ việc nhập vai, ghi âm, ghi hình bí mật. Qua các bài báo này, các cơ quan chức năng đã có thêm căn cứ vào cuộc xác minh, điều tra, giải quyết”, Luật sư Sơn cho biết.
Theo ông Sơn đối với các phóng viên, thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình có thể là những công cụ không thể thiếu để tác nghiệp và nhiều vụ việc tiêu cực được phản ánh, phanh phui cũng là nhờ vào việc ghi âm, ghi hình. Bên cạnh đó, đối với các luật sư thì việc sử dụng các thiết bị, phần mềm ghi âm, ghi hình cũng rất cần thiết trong hoạt động hành nghề. Việc sử dụng các thiết bị, phần mềm ghi âm, ghi hình của luật sư phù hợp với các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Bộ luật tố tụng dân sự.
Thêm vào đó, Điểm d khoản 2 điều 4 Luật báo chí quy định: nhà báo có nhiệm vụ, quyền hạn đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội.Vì vậy, thay vì chỉ cho các cơ quan chuyên trách sử dụng, pháp luật cần cho phép những đối tượng có đặc thù riêng như nhà báo sử dụng các sản phẩm trên với một số yêu cầu cụ thể nhằm đảm bảo sự chặt chẽ và cũng tránh được những lạm dụng, vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, khoản 3 Điều 99 BLHS2015 về dữ liệu điện tử quy định: “Giá trị chứng cứ của dữ liệu điện tử được xác định căn cứ vào cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi dữ liệu điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của dữ liệu điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác”.
Trước dự thảo Nghị định do Bộ Công an chủ trì, soạn thảo, PGS-TS Nguyễn Văn Dững, Trưởng khoa Báo chí Học viện Báo chí - Tuyên truyền cho rằng cơ quan soạn thảo đưa ra điều khoản chỉ có một số ít cơ quan chuyên trách sử dụng thiết bị ngụy trang là mang tính độc quyền. “Nếu vì mục đích an ninh quốc phòng thì các cơ quan chức năng phải sử dụng những thiết bị chuyên dụng riêng và họ phải có những trình độ đặc biệt để quản lý. Còn theo điều khoản trong dự thảo đã cấm một cách “đại trà” và để cho một số ít cơ quan được sử dụng thì tôi thấy không ổn trong cách thức quản lý”, PGS-TS Dững cho biết.
Nhà báo Phan Hữu Minh - Trưởng Ban Kiểm tra, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng Luật Báo chí 2016 mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 cho nên những nghị định, văn bản dưới luật không được có những quy định trái tinh thần của luật. Theo nhà báo Phan Hữu Minh, đối với phóng viên, nhà báo, hoạt động tác nghiệp trong thể loại báo chí điều tra buộc phải sử dụng các thiết bị ghi âm, chụp hình. Không ít trường hợp phải bí mật nên cần ngụy trang cho các thiết bị này. Nếu quy định chỉ có cơ quan chuyên trách mới được sử dụng thì vô hình trung đã hạn chế quyền tác nghiệp của báo chí. Từ đó, Trưởng Ban Kiểm tra, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đề xuất sửa đổi dự thảo quy định về việc sử dụng thiết bị ngụy trang ghi âm, ghi hình. “Cần làm rõ theo hướng mở rộng đối tượng, nhất là với báo chí có những đặc thù riêng, phải được ưu tiên trong trường hợp này. Không chỉ điều tra tiêu cực mà ngay cả việc phản ánh tích cực cũng cần ngụy trang thiết bị ghi âm, chụp hình”, nhà báo Phan Hữu Minh nói. |