Sức trẻ hồi sinh “vùng đất chết”
Đời sống - Ngày đăng : 06:15, 25/03/2017
Nhưng giờ đây, ngay trên mảnh đất từng một thời được mệnh danh là “thung lũng tử thần”, “vùng đất chết” này, đã và đang có một sự hồi sinh mạnh mẽ sau “cơn bão trắng”. Để có được điều đó, phải kể đến những đóng góp không nhỏ của những cán bộ trẻ, giàu nhiệt huyết ở mảnh đất xa xôi, cam khó bậc nhất của tỉnh Điện Biên này.
Quá khứ nhuốm màu khói trắng
Con đường từ trung tâm huyện Điện Biên lên Cửa khẩu quốc tế Tây Trang giờ đã được trải nhựa, người ta không còn phải cắm mặt leo núi, gặn chắt từng giọt mồ hôi. Chỉ mới vài năm trước, mỗi khi trời mưa là chặng đường 10km từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang vào trung tâm xã Na Ư, huyện Điện Biên trở nên trơn trượt, nhầy nhụa bùn đất. Giờ đây, con đường ấy đã được trải nhựa phẳng phiu, những khúc cua tay áo đã bị “cắt”, những con dốc tức đã được hạ độ cao. Hai bên đường, những cánh rừng xanh tốt kéo dài. Có lẽ đây là một trong rất ít địa bàn khi có đường giao thông tiện lợi mà vẫn còn nhiều rừng như vậy.
Ông Và Vả Tông (bên trái), Chủ tịch UBND xã Na Ư: Na Ư đã dần hồi sinh sau “bão trắng”
Tất nhiên, con đường trải nhựa là thứ đầu tiên đem lại cảm nhận về sự đổi thay ở Na Nư. Chỉ riêng con đường đó đã đem lại niềm tin về một Na Ư mới mẻ, một Na Ư không còn biệt lập mà đã được kéo lại gần hơn với trung tâm tỉnh Điện Biên.
Ông Và Vả Tông, Chủ tịch UBND xã Na Ư, mắt chợt buồn khi nhắc nhớ về cái thuở cơn bão ma túy tràn qua, cách đây hơn mười năm trước: “Ngày đó, cả cái xã này, bản nào cũng có người buôn ma túy, đi đâu cũng gặp nghiện hút. Thanh niên trai tráng, thậm chí đến cả phụ nữ cũng bị cuốn hút bởi ma lực của những đồng tiền thu được từ việc buôn cái chết trắng. Có gia đình 3 thế hệ đều nghiện, đều đi vận chuyển ma túy thuê, mỗi bánh mang từ Lào về thành phố Điện Biên được trả tiền công vài triệu. Số tiền đó người ta có cắm mặt cả năm trên nương cũng không ra. Thế cho nên, ruộng đồng, nương rẫy bỏ bê chả ai làm, tất cả cuốn theo những bánh heroin”.
Ngày đó, Na Ư luôn là điểm “nước sôi lửa bỏng” của Điện Biên về tội phạm ma túy và mất ổn định an ninh trật tự. Không chỉ bỏ bê ruộng nương, lao động sản xuất mà rất nhiều người (trong đó có cả cán bộ xã) tham gia buôn bán, vận chuyển các chất ma túy. Một số đối tượng buôn bán ma túy đã lợi dụng triệt để uy thế của các vị chức sắc có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng người Mông để làm vỏ bọc che chở, biến các thành viên trong đường dây này thành nhóm. Và kết quả là hàng chục bản án nghiêm khắc (trong đó có 11 án tử hình) đã được thi hành đối với những đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ở Na Ư.
Với 24km đường biên giáp với tỉnh Phoong Sa Lỳ của nước bạn Lào, vùng đất nổi tiếng về buôn ma túy, người dân Na Ư chỉ cần vài bước chân đã sang phía bên kia biên giới rồi mang theo “cái chết trắng” trở về. Người ta đi buôn ma túy như đi chợ. Ngày đó, Na Ư là một trong những địa bàn mà các đối tượng trong đường dây Siêng Phiêng – Vũ Xuân Trường, Nguyễn Văn Tám thường xuyên qua lại. Chúng xem Na Ư như một điểm trung chuyển ma túy quan trọng từ Lào về Việt Nam.
Nhiều đoàn cán bộ Công an, Bộ đội Biên phòng lặn lội vào Na Ư làm công tác vận động đồng bào gặp rất nhiều khó khăn. Bởi, chỉ cần có khách lạ đến đầu bản, cả xã đã sôi lên sung sục, nhà nhà bẻ lá xanh gài cổng. Khách chỉ biết đứng nhìn. Có lúc, biên phòng, công an lên bản, còn bị bọn trùm ma túy chào đón bằng hàng loạt đạn AK găm vào vách núi. Thời đó, người ta ước tính ở Na Ư có đến hàng trăm khẩu súng tự tạo, súng quân dụng chưa kể mìn, thuốc nổ.
Chủ tịch Tông kể: “Không ít lần máu của các chiến sỹ đã đổ trên cuộc hành trình đấu tranh giành lại sự bình yên cho Na Ư. Như trường hợp Trung úy Phạm Văn Cường, cán bộ phòng chống tội phạm ma túy Công an tỉnh Điện Biên, và hai đồng chí dân quân tự vệ đã hy sinh khi gặp phải sự chống trả bằng súng của các đối tượng Lý A Va, Lý Giống Minh. Hoặc Đại úy Nguyễn Danh Thuận, lúc đó là cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang, bị bọn buôn ma túy đánh ngất trong rừng. Nhưng, dù khó khăn đến đâu, cũng phải đấu tranh xóa bỏ “thung lũng tử thần” này”.
“Hoa nở trên những niềm đau”
Với quyết tâm “dập lửa”, đem lại sự bình yên cho Na Ư, lần lượt các đội công tác tăng cường cắm xã Na Ư của Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh đã được thành lập. Các đội công tác lĩnh ấn lên đường với nhiệm vụ nặng nề: Tham mưu, giúp đỡ cấp ủy, chính quyền địa phương củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh. Giai đoạn đầu tiến vào Na Ư là cả một quá trình đầy khó khăn, thách thức đối với cán bộ, chiến sỹ tăng cường cắm xã. Nhận thức của người dân hạn chế, vận động những trường hợp kiếm tiền nhờ buôn bán ma túy trở về sản xuất nuôi sống gia đình bằng sức lao động chân chính là vô cùng khó.
Khó khăn là vậy, nhưng chính quyền và các cơ quan đoàn thể của Điện Biên vẫn quyết tâm đẩy lùi ma túy ở Na Ư bằng mọi giá. Nhiệm vụ chống “bão”, ngăn “gió độc” giờ không còn phó mặc cho riêng lực lượng Công an mà huy động cả hệ thống chính trị rùng rùng vào cuộc. Mỗi cá nhân, đơn vị đều được phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể. Mục tiêu chung là phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp nhằm kiểm soát, làm giảm tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn.
Công tác vận động, tuyên truyền bắt đầu được triển khai quyết liệt. Băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về tác hại của các loại ma túy được cán bộ các cơ quan đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên chằng buộc sau xe, vượt đường rừng lên tận xã, “cõng” vào từng bản treo rợp lối ngõ; Đài phát thanh và truyền hình của huyện liên tục phát các chương trình có nội dung về phòng chống ma túy và HIV; hàng trăm buổi tuyên truyền, giáo dục ý thức pháp luật cũng được các cơ quan, Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội ở các xã, bản phối kết hợp tổ chức với nhiều nội dung phong phú, thu hút hàng nghìn lượt đồng bào tham dự, nhất là tầng lớp thanh niên.
Một góc Na Ư
Cùng với đó, Công an, Biên phòng liên tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm về ma túy, đồng thời tăng cường cử cán bộ về “cắm bản”, “ba cùng” với đồng bào; phối kết hợp với chính quyền cơ sở vận động đồng bào “Nói không với ma túy” và tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm, góp phần giữ gìn an ninh trật tự.
Chính nhờ tinh thần xả thân chiến đấu của lực lượng công an, biên phòng, trong đó có nhiều chiến sỹ còn rất trẻ, đã từng bước phá vỡ nhiều chuyên án ma túy lớn, đưa hàng loạt đối tượng ra xét xử làm gương (trong đó có cả cán bộ xã - pv), cộng với việc tích cực vận động bà con nói không với ma túy thì tệ nạn mới thuyên giảm. Những tín hiệu đáng mừng đang hiện hữu, sinh trưởng ngay giữa lòng bản Ca Hau, bản Na Ư…, nơi “cơn bão trắng” tràn qua khốc liệt nhất. Những mô hình trồng lúa nước ở cả 6 bản đang được triển khai xây dựng, góp phần ổn định kinh tế cho đồng bào. Bên cạnh đó, một số dự án nước sạch, cụm cộng đồng dân cư của Chính phủ cũng đã và đang được hình thành. Vậy là, từ nay, đời sống người dân Na Ư sẽ đi vào ổn định và từng bước phát triển.
Đồng thời, cán bộ còn lập ở mỗi bản, mỗi dòng họ một hòm thư tố giác tội phạm. Những kẻ buôn bán, nghiện hút lẩn quất trong rừng hay bên Pa Hốc mỗi đêm mò về không được ai chứa. Tối ở bản có chiếu phim, ban ngày có thầy giáo, cô giáo đến dạy chữ. Cha mẹ, anh em, công an, biên phòng không xua đuổi bắt bớ mà ân cần khuyên bảo ra đầu thú để sau này về với vợ con, bản làng.
Nhờ những cố gắng đó, cuối cùng điều kỳ diệu cũng hiện hữu ở Na Ư. Giờ đây, ở “thung lũng tử thần” này, người ta không còn bắt gặp những cặp mắt giấu mình sau liếp cửa hay ngồi đó than khóc cho thân phận. Đồng bào đã biết học tập nhau làm nương, trồng lúa, trồng ngô để trong nhà có nhiều lương thực, không bị phụ thuộc vào tiền trợ cấp của Chính phủ. Những phụ nữ có chồng nghiện, bị nhiễm HIV trong xã cũng đã đứng lên, tự thành lập câu lạc bộ những phụ nữ có hoàn cảnh éo le để tự nguyện giúp nhau lúc khó khăn, tuyên truyền, phổ biến cho nhau cách phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS cho những người xung quanh.
Nhưng, cái được lớn nhất ở Na Ư bây giờ là nhận thức của người dân đã được nâng cao rõ rệt. Người dân “thung lũng tử thần” hôm nay không còn tin lời kẻ xấu, đắm chìm trong ma túy mà họ tin vào chính mình, tin vào sức mạnh, sự nỗ lực của bản thân để vươn lên thoát khỏi đói nghèo, bệnh tật, dựng xây tương lai cho ngày mới.