Huyện Phong Điền (TP Cần Thơ): Đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng
Với thế mạnh, tiềm năng và lợi thế sẵn có, những năm qua, du lịch cộng đồng tại huyện Phong Điền đang có bước phát triển mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Nằm ở vị trí trung tâm của vùng ĐBSCL và là một đô thị trẻ năng động, Cần Thơ đã và đang trở thành một lực hút của du lịch ĐBSCL. Đóng góp đáng kể vào sự phát triển du lịch ở TP Cần Thơ trong những năm gần đây là việc xây dựng thành công và phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở huyện Phong Điền.
Huyện Phong Điền là “vành đai xanh” của thành phố, nằm ở vành đai phía Nam của trung tâm TP Cần Thơ, dọc tuyến lộ vòng cung lịch sử với những vườn cây trái xum xuê, không khí trong lành, hệ thống kênh rạch chằng chịt cùng nét văn hóa nông nghiệp của người dân.
Cho đến nay, huyện Phong Điền có 65 điểm du lịch, trong đó có 48 điểm vườn, cơ sở kinh doanh du lịch và các điểm liên kết; 11 điểm du lịch tâm linh và có 6 điểm di tích được xếp hạng. Với tổng 65 điểm du lịch của huyện có 4 điểm được Hiệp Hội du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu: Làng du lịch sinh thái Mỹ Khánh; Thiền viện Trúc lâm Phương Nam; Làng du lịch sinh thái Ông Đề; Khu du lịch Lung Cột Cầu và 5 điểm được Hiệp Hội du lịch TP Cần Thơ công nhận là du lịch tiêu biểu của thành phố: Vườn trái cây Vàm Sáng; Vườn trái cây Giáo Dương; Vườn trái cây 9 Hồng; Khu du lịch Giàn Gừa; Khu nghỉ dưỡng Cần Thơ Eco Resort.
Ông Nguyễn Trung Nghĩa - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, huyện Phong Điền với thế mạnh là các vườn trái cây xanh mướt cùng hệ thống kênh rạch chằng chịt đậm nét văn hóa miệt vườn; cùng với đó là không khí miền quê yên ả gắn liền với cuộc sống thanh bình của những con người chân chất hiền lành, tất cả là tiềm năng và thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái - văn hóa gắn với cộng đồng. Qua đó, đã giúp huyện Phong Điền dần hình thành loại hình du lịch cộng đồng và thu hút du khách trong và ngoài nước.
Ngoài ra, với vị trị địa lý thuận lợi, nằm giáp trung tâm TP Cần Thơ, có đường Nguyễn Văn Cừ nối dài và lộ vòng cung, nằm cạnh Kênh Xáng Xà no nên giao thông di chuyển tới địa bàn huyện khá thuận tiện. Vấn đề an ninh chính trị, trật tự xã hội tại đây luôn được đảm bảo, tạo cảm giác an toàn cho khách tham quan cũng góp phần vào sự phát triển du lịch của huyện.
“Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đó là tài nguyên du lịch ở các tỉnh ĐBSCL tương đối giống nhau đặt ra vấn đề làm thế nào để du lịch cộng đồng huyện Phong Điền nổi bật so với các địa phương khác? Các sản phẩm du lịch cộng đồng ở huyện Phong Điền vẫn bị trùng lắp, các điểm du lịch còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát và quan trọng nhất là chất lượng dịch vụ và nguồn nhân lực còn yếu kém. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sự hài lòng và khả năng quay lại của du khách, làm hạn chế sự phát triển du lịch bền vững trong tương lai. Qua đó, việc phân tích, đánh giá về các sản phẩm du lịch hiện tại nhằm đề xuất các giải pháp phát triển sản phẩm Du lịch cộng đồng tại huyện Phong Điền theo hướng bền vững là vấn đề cần được quan tâm”, ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết.
Nhằm phát huy thế mạnh về du lịch cộng đồng và khắc phục những tồn tại, hạn chế, theo Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Trung Nghĩa, thời gian tới, huyện cần xây dựng thành công không gian giao lưu văn hóa cộng đồng đậm chất bản địa để du khách cảm nhận được sự gần gũi và nhiệt tình của người dân, sự độc đáo và thú vị của văn hóa địa phương.
Bên cạnh đó, người dân có thể tham gia gián tiếp vào phát triển du lịch cộng đồng của địa phương bằng cách tham gia cung ứng các dịch vụ, bao gồm: ăn uống, hướng dẫn, lữ hành… Phần lớn người dân tại huyện Phong Điền vẫn còn hoạt động nông nghiệp, đó sẽ là nguồn cung cấp lương thực thực phẩm để phục vụ du lịch.
Huyện sẽ tăng cường và đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức theo hướng chuyên nghiệp và đẩy mạnh liên kết,… hợp tác đầu tư trong lĩnh vực du lịch hướng phát triển bền vững; đồng thời không ngừng bổ sung, đổi mới và hoàn thiện các sản phẩm du lịch, từng bước đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách… Tăng cường công tác tuyên tuyền, phổ biến, đẩy mạnh xúc tiến sâu rộng về ý nghĩa và tầm quan trọng của phát triển du lịch địa phương, nhằm tạo sự đồng thuận và huy động được sự tham gia và hưởng ứng của các ngành, các cấp và xã hội.
Đồng thời, tạo bài bản nguồn nhân lực tại địa phương; nghiên cứu những sản phẩm du lịch độc đáo, loại hình du lịch lễ hội; công tác đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ theo hướng du lịch chuyên nghiệp; tổ chức các hoạt động điểm nhấn về du lịch cấp thành phố; tổ chức đăng cai sự kiện văn hóa, thể thao mang tính quy mô để thu hút khách du lịch…