Chính trị

Tăng cường giám sát thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội

Duy Tuấn 23/09/2024 - 16:37

Tiếp tục Phiên họp thứ 37, chiều 23/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét Báo cáo kết quả của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 90/2023/QH15 ngày 08/6/2023 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 và Nghị quyết số 95/2023/QH15 ngày 22/6/2023 về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

thanh2.jpg
Toàn cảnh phiên họp.

Trình bày dự thảo Báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh– Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát nhấn mạnh, mục tiêu của chuyên đề giám sát là đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội. Đề xuất, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, nhất là sau khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

thanh1.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Đoàn giám sát xác định đây là chuyên đề giám sát khó; nội dung, phạm vi giám sát rộng do thị trường bất động sản và nhà ở xã hội liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều Bộ, ngành, địa phương; trong thời kỳ giám sát đã có nhiều sự thay đổi về chính sách, pháp luật; thị trường bất động sản trong thời kỳ giám sát không chỉ bao gồm những dự án mới triển khai mà còn có nhiều dự án đã tồn tại, giao dịch trên thị trường bất động sản bao gồm cả những giao dịch dân sự của người dân, dẫn đến có những thông tin, số liệu không thể thu thập đầy đủ.

Đoàn giám sát đã tổ chức 4 phiên họp; 3 đoàn công tác làm việc trực tiếp với 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, làm việc với Chính phủ, 8 bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tổ chức các tọa đàm tham vấn ý kiến các chuyên gia, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại; tham khảo, kế thừa kết quả giám sát trước đó có liên quan, kết quả tổng kết thi hành các luật và kết quả kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan chuyên môn.

thanh3.jpg
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội cũng đã khái quát về tình hình thị trường bất động sản từ năm 2015 đến hết năm 2023; tình hình phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023; đưa ra các nhận xét về kết quả đạt được trong ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản; kết quả đạt được trong ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở xã hội; Phân tích những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; đồng thời nêu các kiến nghị cụ thể đối với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan...

Dự kiến, sau Phiên họp này, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội sẽ tiếp thu ý kiến góp ý, tiếp tục hoàn thiện dự thảo, trình Quốc hội xem xét Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát, thông qua Nghị quyết chuyên đề giám sát tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Duy Tuấn