Phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy qua đường chuyển phát nhanh
Mặc dù các cơ quan chức năng đã tiến hành các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, tuy nhiên các đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh để gửi ma túy về nước qua cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài và thông qua dịch vụ vận chuyển trong nước tiếp tục chuyển từ Hà Nội đi các tỉnh, thành phố khác…
Trong các năm qua, Công an Thành phố Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Cục Hải quan Thành phố, sự hỗ trợ tích cực từ các công ty chuyển phát bưu chính, vận tải hàng hóa đã điều tra khám phá được nhiều vụ vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ số lượng lớn ma túy.
Tuy nhiên, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng ngày càng tinh vi, liên tục thay đổi phương thức hoạt động để đối phó nên công tác phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời tội phạm lợi dụng dịch vụ chuyển phát, bưu chính để vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy của lực lượng chức năng cũng gặp nhiều khó khăn.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP. Hà Nội phối hợp lực lượng chức năng phát hiện, đấu tranh, bắt giữ 14 vụ, 31 đối tượng, thu giữ hơn 810kg ma túy tổng hợp, giảm số vụ, đối tượng so với cùng kỳ năm 2023.
Số ma túy này chủ yếu các đối tượng lợi dụng dịch vụ chuyển phát, bưu chính trong nước để vận chuyển từ Hà Nội đi các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc - Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hà Nội cho biết, trung bình hằng năm, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tiếp nhận khoảng 620.000 tấn hàng hóa được vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam; Tổng Công ty chuyển phát nhanh bưu điện - EMS vận chuyển khoảng trên 800.000 tấn hàng hóa được các khách hàng đặt vận chuyển trong nước, bao gồm cả số hàng hóa từ nước ngoài về được vận chuyển trong nội địa.
Qua công tác nắm tình hình và kết quả điều tra, khám phá các vụ án thời gian qua cho thấy, mặc dù các cơ quan chức năng đã tiến hành các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng các đối tượng lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh để vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài. Tuy nhiên, các đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài vẫn gửi hàng có chất cấm (là ma túy) về Việt Nam qua cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài và thông qua dịch vụ vận chuyển trong nước, tiếp tục chuyển từ Hà Nội đi các tỉnh, thành phố khác.
Để tăng cường hơn nữa việc nhận diện phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy nói chung, tội phạm ma túy lợi dụng dịch vụ chuyển phát, bưu chính để vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy nói riêng, thời gian tới, Công an thành phố đề nghị lãnh đạo Tổng Công ty bưu điện Việt Nam - Vietnam Post, lãnh đạo Tổng Công ty chuyển phát nhanh Bưu điện - EMS quan tâm hơn nữa việc đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ, kỹ năng kiểm tra hàng hóa ký gửi cho cán bộ, nhân viên công ty; đảm bảo cán bộ, nhân viên chấp hành quy trình của việc nhận, ký, gửi hàng hóa theo đúng quy định Luật Bưu chính.
Nhân viên thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, kiểm soát hàng hóa cần nâng cao nhận thức, ý thức, cảnh giác và vận dụng kinh nghiệm để kịp thời phát hiện hàng hóa có mang hàng cấm (là ma túy), thông tin khẩn trương cho lực lượng Công an tiếp nhận, giải quyết
Đồng chí Phó Giám đốc cũng chỉ đạo, Công an các quận, huyện, xã, phường, thị trấn tiếp tục làm tốt công tác nắm tình hình, nắm thông tin các đối tượng có biểu hiện nghi vấn hoạt động phạm tội về ma túy nhất là có dấu hiệu liên quan nhận, gửi hàng hóa thông qua dịch vụ chuyển phát, bưu chính từ nước ngoài về Việt Nam hoặc vận chuyển trong nước... để thực hiện các biện pháp phòng ngừa, quản lý hiệu quả.
Tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin các cơ sở kinh doanh dịch vụ chuyển phát, bưu chính để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vận chuyển hàng cấm trong có có ma túy, xây dựng, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc một cách sâu rộng tại mỗi địa bàn, mỗi hộ gia đình, cơ sở kinh doanh, mỗi người dân... để trở thành cánh tay đắc lực của cơ quan chức năng trong công tác phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần cùng với Công an thành phố Hà Nội và các đơn vị chức năng nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, thực hiện đúng tinh thần, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố là” Hà Nội –chung một quyết tâm vì cộng đồng không ma túy”.
Đồng chí Nguyễn Tây Nam - Phó trưởng Ban Chỉ đạo 89, Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 17.000 người nghiện ma túy và sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý. Số người sử dụng ma túy tổng hợp tăng; công tác quản lý, xác định tình trạng nghiện ma túy, điều trị và cai nghiện gặp nhiều khó khăn. Do đó đòi hỏi phải có sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành và của toàn dân.