Mưa lớn liên tiếp, nhiều tỉnh ban bố tình huống khẩn cấp do sạt lở
Mưa dông nhiều ngày tại Bắc Bộ, đặc biệt là sau bão Yagi, nguy cơ sạt lở ở các tỉnh trung du, miền núi gia tăng. Trong tình trạng này, buộc chính quyền Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Bắc Giang, Phú Thọ phải ban bố tình trạng khẩn cấp để ứng phó.
Tỉnh Hòa Bình công bố tình huống khẩn cấp do sạt lở tại hai khu vực là xóm Rài, xã Tuân Đạo, huyện Lạc Sơn và xóm Rằng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc. Sau bão Yagi, xã Tuân Đạo xuất hiện nhiều vết nứt, sụt lún dài 1-3m, sâu 2-3m, có đoạn dài trên 800m trong phạm vi khoảng 7ha.
Nhà chức trách đánh giá lượng đất đá nếu xảy ra sạt lở khoảng 7-8 triệu m3 uy hiếp 111 hộ với 539 nhân khẩu. Trong đó, khu vực nghiêm trọng đã di chuyển 60 hộ, gần 280 người.
Tại xã Cao Sơn, ngày 13/9 đã xuất hiện vết nứt, sụt lún dạng bậc thang, điểm lớn nhất có độ cao khoảng 200 m, cung trượt dài 500 m. Chính quyền đã sơ tán 30 hộ với 126 người. Điểm sạt lở này đang tiếp tục mở rộng.
Tỉnh Hòa Bình yêu cầu hai huyện trên đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho các hộ di dời, theo dõi chặt diễn biến sạt lở; đồng thời đề xuất phương án di dân tái định cư, xen ghép hoặc ổn định tại chỗ, hoàn thành trong năm nay.
Tỉnh Bắc Giang đã công bố tình huống khẩn sự cố sạt lở núi Y Sơn, xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa ngày 18/9, do xuất hiện cung trượt dài khoảng 100m và nhiều vị trí quanh khu vực xuất hiện các vết nứt đe dọa 10 hộ, 42 nhân khẩu và trường THCS Hòa Sơn.
Để hạn chế thiệt hại, tỉnh này đã yêu cầu UBND huyện Hiệp Hòa theo dõi chặt chặt chẽ diễn biến sự cố, tổ chức chặt cây, phát quang, cắm tiêu, cắm biển khu vực sạt trượt nguy hiểm, cắm mốc để quan trắc khe nứt, cung sạt, trượt; hạn chế không để nước mưa chảy vào khe nứt.
Tỉnh Vĩnh Phúc ban hành tình huống khẩn cấp thiên tai và lệnh xây dựng công trình khẩn cấp đối với đê tả sông Lô đoạn thuộc xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô. Trước đó, 10h30 ngày 20/9, đoạn đê này xuất hiện đoạn sạt lở dài khoảng 200m.
Khu vực bãi sông hiện có bảy hộ dân sinh sống với khoảng 44 nhân khẩu. Trong đó, ba hộ đã bị đổ sập công trình phụ, chuồng trại chăn nuôi, vị trí sạt lở nguy hiểm nhất cách chân đê tả sông Lô khoảng 30m. Đến 18h cùng ngày, sạt lở tiếp tục lan rộng, ăn sâu vào bãi sông trên 10m, nơi nguy hiểm nhất cách nhà dân 3m và cách chân đê khoảng 20m.
UBND huyện Sông Lô lập chốt và tổ chức trực 24/24h tại nơi sạt lở cho đến khi xử lý xong. Lực lượng chức năng tổ chức phân luồng giao thông, cấm xe quá khổ, quá tải chạy trên đê và hạn chế tập trung đông người để bảo đảm giao thông thông suốt phục vụ cứu hộ, cứu nạn, hộ đê khi có sự cố.
Tỉnh Vĩnh Phúc đánh giá sạt lở có mức độ nguy hiểm "đặc biệt nghiêm trọng, đe dọa trực tiếp đến an toàn đê tả Lô". Ông Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp.
Tại Phú Thọ, trên bờ đê sông Lô qua huyện Đoan Hùng cũng xuất hiện sạt lở dài khoảng 100 m thuộc đường tỉnh 323 tại xã Vụ Quang và xã Hùng Long. Xã Hùng Xuyên bị sạt lở mái bờ vở sông đến giáp đường bêtông liên thôn với chiều dài khoảng 600m, khối lượng đất khoảng 30.000m3. Tuyến kè bờ sông Lô tại phố Phong Châu, phường Bạch Hạc bị sạt lở khoảng 50m.
Trước đó, các tỉnh Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Thái Nguyên cũng đã ban bố tình huống khẩn cấp thiên tai do ảnh hưởng của mưa lũ, sạt lở sau bão Yagi.