Chấn chỉnh tình trạng lợi dụng nạo vét lòng sông để lấy cắp tài nguyên
Đời sống - Ngày đăng : 22:00, 22/03/2017
Thất thoát tài nguyên, dân bức xúc
Thông tin phản ánh gần đây cho thấy, tình hình nạo hút cát lòng sông diễn ra ở rất nhiều nơi, không chỉ ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân sống ven sông mà là việc vô khối tài nguyên cát bị các đối tượng công khai khai thác. Người dân thì bức xúc còn chính quyền địa phương thì gần như bất lực với nạn cát tặc hoành hành, đỉnh điểm là gần đây lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh phải cầu cứu Thủ tướng vì bị đe dọa khi ra tay dẹp bỏ vấn nạn này.
Lý giải nguyên nhân, ông Trịnh Hữu Hùng, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bắc Ninh cho hay, cơ quan này phải chi ngân sách tới 30 tỷ đồng làm kè gia cố 3 điểm bị sạt lở thuộc huyện Quế Võ vì tình trạng khai thác cát diễn ra trên sông Cầu. Quá trình triển khai dự án đã diễn ra tình trạng khai thác cát khiến đê Hữu Cầu, bờ, bãi sông bị sạt lở với chiều dài 50 m, ăn sâu vào bãi 5-10 m. Khu vực dự án nằm giáp ranh hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Tỉnh Bắc Giang đã đồng ý cho Cục Đường thủy nội địa triển khai dự án đến hết năm 2017. Về phía Bắc Ninh khẳng định từ năm 2015 đến nay không cấp phép cho bất cứ đơn vị nào thực hiện dự án, đồng thời nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT tạm dừng nạo vét sông Cầu để đánh giá lại sự cần thiết của việc khơi thông luồng lạch.
Đáng chú ý, UBND tỉnh Bắc Ninh đề nghị Thủ tướng Chính phủ không cho tiếp tục triển khai thực hiện dự án nạo vét đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm sông Cầu. Đồng thời, tỉnh này cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra các các đối tượng đứng ra bảo kê, đe dọa các cán bộ chuyên môn…
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa giải trình với Tổ công tác một số vấn đề liên quan
Tại buổi làm việc với Bộ GTVT ngày 21/3, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề cập đến việc nạo vét lòng sông hiện địa phương đang rất bức xúc vì cát tặc thò vòi khắp nơi. Không chỉ ở Bắc Ninh mà tại Lý Nhân (Hà Nam) cũng có thông tin phản ánh việc người dân mang cuốc xẻng ra đánh nhau với cát tặc. Năm 2014, tại địa phương này đã có đánh nhau đổ máu...Từ thực tế đó, Bộ trưởng cũng nhận định do trên dòng sông nhiều bộ quản lý nên bị chồng chéo. Nạo vét lòng sông thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT; quản lý tài nguyên cát, sỏi, đá thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường; còn nước lại là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhưng khi cấp phép nạo vét các lòng sông, các doanh nghiệp khai thác lợi dụng, không thực hiện đúng quy định để khai thác, nạo vét ngay sát bờ tạo dòng chảy, luồng lở. Không chỉ riêng Bắc Ninh, Bắc Giang mà còn toàn bộ tuyến Hà Nam, Thái Bình đều có tình trạng này. Vì vậy đề nghị Bộ GTVT không cấp phép, dừng toàn bộ việc này lại để xem xét.
Quản lý đang chồng lấn
Giải trình việc nạo vét lòng sông, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Hoàng Hồng Giang cho biết, từ năm 2008 đến năm 2015, có 66 dự án được cấp phép tận thu sản phẩm nạo luồng. Nhưng việc triển khai rất chậm và phát sinh bất cập nên Bộ đã kiên quyết chấm dứt 22 dự án không triển khai hoặc khó khăn vướng mắc khi triển khai. Cuối năm 2016 chấm dứt tiếp 16 dự án hết hạn hợp đồng, không gia hạn hợp đồng nữa và hiện chỉ còn 14 dự án đang triển khai và sẽ kết thúc vào cuối năm nay.
Ngoài 14 dự án Bộ GTVT cấp phép, thì còn có 600 mỏ khai thác cát trên các tuyến sông do các địa phương cấp. Trong 600 dự án này, có 166 dự án, địa phương cấp song song với dự án của Cục Đường thủy nội địa cấp.
Ông Giang cũng chỉ ra sự bất cập hiện nay là ngành giao thông vận tải chỉ quản lý rộng nhất 80m ở giữa sông và 25 m mỗi bên hành lang, còn lại từ hành lang vào đến bờ sông là của các địa phương quản lý, nên các đối tượng đã lợi dụng sự chồng lấn để vi phạm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, việc cấp phép nạo vét lòng sông thực tế hoàn toàn khác với quy định, gây bức xúc cho nhân dân hai bên bờ, rồi các đơn vị được cấp phép cũng xảy ra tranh chấp vì chồng lấn. Và việc này không chỉ xảy ra ở Bắc Ninh. Theo quy trình làm việc, Bộ có thống nhất với tỉnh, nhưng địa phương cấp huyện nơi có dòng sông thì không biết, nên vấn đề tranh chấp nằm ở đây. Vậy nên hiện nay ý kiến của Thủ tướng là liệu có nên giao cho địa phương cấp phép hay không?
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ GTVT tải Trương Quang Nghĩa cho rằng nên giao địa phương cấp phép để khắc phục tình trạng này. Bộ GTVT sẽ phối hợp cùng với địa phương quản lý luồng, còn tận thu thì để địa phương cấp phép thì mới quản lý được. Ông cũng cho biết Bộ cũng đã chỉ đạo Cục Đường thủy nội địa dừng cấp phép, cùng với đó phải kiểm điểm đánh giá lại. Theo ông Nghĩa, nếu vẫn phải tiếp tục nạo vét, phải tiếp tục tận thu nhưng thông qua địa phương thì sẽ quản lý được. Địa phương phản ánh “chỗ cần nạo vét thì không nạo, toàn nạo vào bờ, tàu đứng một chỗ nhưng vòi vươn rất xa” là đúng. Trong năm 2016, Bộ cơ bản đã dừng cấp phép. Riêng đối với vụ việc xảy ra ở Bắc Ninh, Thủ tướng đã chỉ đạo, Bộ Công an đã vào cuộc.
Quan điểm của Bộ GTVT là qua vụ việc này cần làm rõ có tiêu cực hay không ở trong cơ quản lý nhà nước, cụ thể là Cục Đường thuỷ nội địa và các tiệc cực khác. Làm quyết liệt để chỉ ra địa chỉ cơ quan nhà nước hay “xã hội đen” trong hoạt động này, ông Nghĩa cho hay.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đưa ra nhận định là việc khai thác cát trái phép vì lợi nhuận lớn, gây mất ổn định địa phương và nếu quản lý không tốt làm thất thoát tài nguyên và gây thất thu cho Nhà nước. Vì vậy nên phân cấp quản lý và giao cho địa phương cấp phép.
Chốt lại nội dung này, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết Bộ sẽ thực hiện nghiêm túc yêu cầu của Thủ tướng bằng việc phân cấp cho địa phương cấp phép, quản lý, Bộ GTVT chỉ quản lý luồng vận tải.
Từ tháng 1/2016 đến ngày 10/3/2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải 610 nhiệm vụ. Trong đó, đã hoàn thành 510 nhiệm vụ, còn 95 nhiệm vụ trong hạn và 5 nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn. Tổ trưởng Tổ công tác đánh giá, số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao cho Bộ Giao thông Vận tải so với các Bộ, ngành khác rất lớn; tỷ lệ hoàn thành là khá cao. Những nhiệm vụ chưa hoàn thành và những vấn đề Thủ tướng lưu ý cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện quyết liệt.