Tin địa phương

Lạng Sơn: Tái thiết nông lâm nghiệp sau cơn bão số 3

Trần Ngân 21/09/2024 - 20:40

Sau khi cơn bão số 3 và hoàn lưu bão đi qua, thiệt hại trong ngành nông lâm nghiệp tại tỉnh Lạng Sơn được xác định khá nghiêm trọng. Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn cùng UBND các huyện, thành phố đang tích cực hướng dẫn nông dân khắc phục tình hình thiệt hại, tới nay cơ bản đã được giảm thiểu, sản xuất đang dần ổn định trở lại.

nnls(2).jpg
Hình ảnh người dân đang gia cố lại lồng bè nuôi cá để chăn nuôi.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, từ ngày 06/9 đến ngày 13/9, toàn tỉnh có 8.172 ha nông nghiệp, 18.445 ha cây lâm nghiệp bị ngập úng, gãy, đổ. Cùng đó, 21 lồng cá, 21 ao cá với diện tích 17,788 ha ao nuôi bị ảnh hưởng, thiệt hại 11,35 tấn cá; 22 chuồng nuôi bị tốc mái và hỏng, ngập úng, cuốn trôi trên 1.400 con gia cầm, gia súc.

Về các công trình thuỷ lợi, theo báo cáo sơ bộ của Chi cục Thủy lợi, toàn tỉnh có 88 công trình, hạng mục công trình thủy lợi bị hư hỏng với mức độ khác nhau như: sạt lở mái taluy gây bồi lấp, sạt lở mương; sụt lún mái thượng hạ lưu đập; tốc mái, đổ tường nhà trạm bơm, nhà quản lý, ngập tủ điện do nước lũ lên nhanh...

Để khắc phục thiệt hại sau bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn đã thành lập các đoàn kiểm tra công tác khắc phục hậu quả do mưa bão tại các huyện, thành phố và tham mưu UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành văn bản chỉ đạo khắc phục ảnh hưởng của cơn bão số 3 đối với sản xuất nông nghiệp. Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn, hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại đối với cây trồng, vật nuôi.

Huyện Chi Lăng là một trong những điển hình bị ảnh hưởng nặng nề nhất do bão số 3. Cụ thể, ước tính đến ngày 13/9, toàn huyện có trên 850 ha lúa, ngô, hoa màu bị ngập úng; gần 100 ha cây ăn quả và khoảng 600 ha cây lâm nghiệp đổ, gãy ước tính thiệt khại khoảng 40 tỷ đồng.

Nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp, các đơn vị chức năng đã có biện pháp khắc phục bước đầu đối với hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất. Đến nay, đối với những ảnh hưởng nhỏ như sạt lở mương, các đơn vị liên quan đã múc đất, khơi thông dòng chảy đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp. Các công trình thủy lợi bị ảnh hưởng, có nguy cơ mất an toàn cao như: hồ chứa Khẩu Cắm (huyện Cao Lộc) hồ chứa Kéo Páng (huyện Văn Lãng), các đơn vị phụ trách đã báo cáo cấp trên để có phương án nâng cấp, sửa chữa kịp thời.

Tại huyện Văn Lãng nơi có vùng hồng Vành khuyên lớn nhất tỉnh cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Vũ Văn Nhiên cho biết: “Hồng Vành khuyên là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Văn Lãng với diện tích trên 1.300ha. Trong đó, diện tích thu hoạch là 900ha, sản lượng trung bình đạt khoảng 8.000 tấn/năm. Do ảnh hưởng bão số 3 toàn huyện có gần 8.000 cây hồng bị gãy đổ tương đương với diện tích khoảng 20ha, tập trung ở các xã Tân Mỹ, Hoàng Việt, Hoàng Văn Thụ, Bắc Việt... Những cây hồng bị gãy đổ hầu hết là những cây hồng đã cho thu hoạch”.

phun-thuoc(2).jpg
Các địa phương chủ động phun thuốc khử khuẩn, phòng chống dịch bệnh sau ngập úng.

Ngay sau khi mưa bão xảy ra, người dân trồng hồng đã chủ động dựng cây, chằng, chống cây. Tuy nhiên, những cây hồng bị gãy đổ gần như không có khả năng phục hồi vì hầu hết các cây hồng đều đã bị gãy và bật gốc.

Để nhanh chóng ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất nông nghiệp, huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn, các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp chăm sóc cây trồng, vật nuôi; tiếp tục thống kê thiệt hại một cách chính xác để hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước.

Nhờ việc triển khai các giải pháp trên, đến nay, hầu hết các diện tích hoa màu, cây lâm nghiệp bị đổ gãy đã được người dân khắc phục bước đầu; sản xuất cơ bản ổn định trở lại.

Trần Ngân